Đắk Lắk khẩn trương khống chế bệnh bạch hầu

Sau khi xảy ra vụ việc một đứa bé sáu tuổi chết nghi do nhiễm bạch hầu, ba người khác nhập bệnh viện và được xác định dương tính với bệnh, cơ quan chức năng Đắk Lắk đã nhanh chóng cho cách ly, khoanh vùng để khống chế dịch bệnh. Tính đến hiện tại đã có hơn 30 người được đưa đi khám nghi do lây nhiễm, trong đó 21 trường hợp được điều trị tại BV huyện Cư M’gar và 11 trường hợp được điều trị tại BV đa khoa vùng Tây Nguyên. Các bệnh nhân được cách ly và chăm sóc, hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, chưa có dấu hiệu chuyển biến bất thường.

Khống chế dịch bệnh bằng mọi cách

Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết ngay sau khi xảy ra vụ việc cháu bé tử vong nghi do bạch hầu ở xã Ea H’Đing (huyện Cư M’gar), Sở đã đến kiểm tra khu vực xảy ra vụ việc. Đồng thời chỉ đạo các trung tâm y tế khẩn trương thực hiện các biện pháp khống chế dịch, hướng dẫn người dân cách phòng ngừa để tránh lây lan. Cùng với đó, ngành y tế tỉnh cũng đã nhập gấp 10.000 cơ số thuốc đặc trị phòng bạch hầu để phát cho người dân và phục vụ công tác phòng, chống lâu dài. Chính quyền địa phương cũng khuyến cáo người dân hạn chế đi vào vùng dịch bệnh để tránh lây nhiễm.

Sở Y tế tỉnh chỉ đạo các trung tâm y tế dự phòng tăng cường giám sát, chủ động phòng, chống bệnh trong toàn tỉnh, sớm phát hiện những trường hợp mắc bệnh, nghi mắc bệnh, mang mầm bệnh để kịp thời tổ chức cách ly, điều trị, xử lý triệt để, đảm bảo đủ thuốc, hóa chất, vật tư chuyên dụng phục vụ cho công tác phòng, chống bệnh. Đối với các cơ sở điều trị bệnh, phải chủ động trong công tác điều trị, phòng, chống lây chéo trong bệnh viện, hạn chế di chứng và tử vong do bạch hầu.

Khu vực cách ly dịch bạch hầu ở BV huyện Cư M’gar, Đắk Lắk. Ảnh: TX

Giám sát, điều trị cách ly nghiêm ngặt

Mới đây, đoàn công tác của Cục Y tế dự phòng do ông Trần Đắc Phu (Cục trưởng) đã có buổi làm việc với ngành y tế Đắk Lắk. Báo cáo với đoàn công tác, ngành y tế Đắk Lắk cho biết đã lập danh sách các đối tượng bệnh nhân, những người xung quanh nhà bệnh nhân để theo dõi, điều trị kháng sinh dự phòng và theo dõi nhiệt độ trong bảy ngày, cấp 20.000 viên thuốc Erythromycin để dự phòng cho người dân trong vùng dịch. Điều tra đối tượng chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ mũi, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch. Sở sẽ điều 10 cán bộ ở Trung tâm Y tế TP Buôn Ma Thuột và cán bộ Sở về tập huấn để hỗ trợ cho huyện Cư M’gar.

Tại buổi làm việc, ông Trần Đắc Phu đề nghị ngành y tế Đắk Lắk thống kê các trường hợp nghi nhiễm bệnh, có biểu hiện sốt, đau họng, viêm họng, đồng thời khám kỹ, lấy mẫu để xác định bệnh, sau đó sàng lọc, phân loại, sắp xếp điều trị ở khu riêng biệt. “Tiến hành tổng lực các biện pháp, từ tuyên truyền đến dịch tễ và điều trị tích cực, thông báo trên phạm vi toàn tỉnh. Kết hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên chẩn đoán, phát hiện xem đó có phải bệnh bạch hầu hay không. Càng phát hiện sớm, càng điều trị tích cực ngay từ đầu bao nhiêu và càng khoanh vùng ổ dịch tốt bao nhiêu thì càng không bị lây lan dịch” - ông Phu nói.

Vi khuẩn bạch hầu lây qua đường hô hấp là chủ yếu. Ngoài ra, tiếp xúc qua da khi bị trầy xước cũng dẫn đến lây lan vi khuẩn bạch hầu. Người bệnh mang vi khuẩn bạch hầu nói, ho bắn vi khuẩn vào không khí, người lành hít phải, nếu chưa có miễn dịch chống vi khuẩn bạch hầu sẽ dễ mắc bệnh. 

Bên cạnh đó, vị cục trưởng cũng nhấn mạnh biện pháp quan trọng nhất trước mắt là phải giám sát, điều trị cách ly và phải uống thuốc phòng cho tất cả người có tiếp xúc, những người có liên quan, tiêm vaccine. Tiếp nữa là vấn đề vệ sinh, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh nhà cửa…

Trước đó, chiều 31-8, ông Trần Minh Đạo (Phó Chủ tịch UBND xã Ea H’đinh, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) xác nhận nạn nhân là cháu H’si Gian, sinh năm 2014, xã Ea H’đinh. Trước đó cháu bé bị ốm nên được đưa đến bệnh viện huyện chữa trị. Do bệnh tình nặng, cháu được chuyển đến BV đa khoa vùng Tây Nguyên để cấp cứu. Đến chiều 30-8, gia đình đã đưa cháu về và bệnh nhi tử vong sau đó.

Sau khi xảy ra sự việc, cơ quan chức trách đã phun thuốc sát trùng và cách ly khu vực có người tử vong. Đồng thời đưa nhiều người đi khám bệnh tại BV đa khoa vùng Tây Nguyên vì nghi lây nhiễm. “Quá trình kiểm tra, ít nhất bố, mẹ của cháu gái xấu số và một em nhỏ hàng xóm dương tính với bệnh bạch hầu” - ông Đạo thông tin.

Phải chủ động chích ngừa đầy đủ

Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh bạch hầu là cần chủ động chích ngừa đầy đủ. Trẻ nhỏ cần được chích ngừa vaccine ngừa bạch hầu theo lịch tiêm chủng mở rộng ở tháng 2, 3, 4. Nên chích nhắc lại khi trẻ đến độ tuổi đến trường. Người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh có nguy cơ bệnh cần xin ý kiến của bác sĩ trước khi uống thuốc phòng ngừa bệnh, không được sử dụng bừa bãi để tránh tình trạng kháng thuốc. Vệ sinh phòng ở, đồ dùng cá nhân, đồ chơi… bằng dung dịch sát khuẩn. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

TS-BS Phan Tứ Quý, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc trẻ em, BV Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm