Mỗi ngày có hơn 100 bệnh nhân đến khám hậu COVID-19 tại bệnh viện (BV). Chủ yếu là người già trên 60 tuổi, tuy nhiên vẫn có một số người trẻ bị suy hô hấp sau khi mắc COVID-19, phải nhập viện điều trị.
Hình ảnh phổi của bệnh nhân bị tổn thương sau mắc COVID-19
qua chụp X-quang. Ảnh: NHƯ LOAN
Phổi tổn thương hậu COVID-19
Bước ra từ phòng khám hậu COVID-19 trong trạng thái khá mệt mỏi, chị Vũ Hương Giang (nhân viên y tế tại một BV ở Hà Nội) cho biết bản thân bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và đã âm tính trở lại vào ngày 3-3, tuy nhiên sau âm tính chị bị mệt mỏi khá nhiều, ho, tức ngực. Qua thăm khám hậu COVID-19, chị được chẩn đoán tổn thương phổi, cần theo dõi và điều trị hậu COVID-19.
Chị nói: “Hiện tại tôi phải tạm gác mọi công việc ở BV để điều trị hậu COVID-19 do phổi bị tổn thương. Thời điểm dương tính tôi liên tục mệt, chóng mặt, thậm chí gặp hiện tượng sương mù não. Sau âm tính các triệu chứng vẫn đeo bám, bản thân cảm thấy khá mệt mỏi. Rất may được khám kịp và có phác đồ điều trị hậu COVID-19 kịp thời”.
Tương tự, trường hợp một nam bệnh nhân sinh năm 1981, ở Hà Nội đã tiêm ba mũi vaccine, sau khi âm tính ra viện nhưng tình trạng suy hô hấp không cải thiện và phải vào BV điều trị hậu COVID-19. Đây cũng là lần thứ ba bệnh nhân vào viện điều trị hậu COVID-19 do tình trạng suy hô hấp, phổi bị xơ hóa.
Đáng chú ý, trong các bệnh nhân nhập viện điều trị hậu COVID-19, BV đã ghi nhận trường hợp tử vong do phổi tổn thương hậu COVID-19. Cụ thể, bệnh nhân nữ 62 tuổi, địa chỉ tại Hà Nội, trong quá trình mắc COVID-19 được điều trị tại một BV khác trên địa bàn. Sau khi có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 và xác định đã khỏi bệnh, bệnh nhân được về nhà.
Tuy nhiên, sau khi xuất viện, bệnh nhân liên tục có tình trạng khó thở và mệt mỏi. Lo ngại về tình trạng sức khỏe, bệnh nhân đến BV để thăm khám. Qua sàng lọc, bệnh nhân có kết quả test nhanh âm tính và xét nghiệm PCR cũng âm tính.
Do tình trạng suy hô hấp của bệnh nhân không cải thiện nên các bác sĩ phải cho thở ôxy. Sau đó, bệnh nhân được chuyển sang Khoa hồi sức tích cực để điều trị vì có tình trạng nặng. Bệnh nhân được làm xét nghiệm PCR một lần nữa vẫn cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 nhưng tình trạng suy hô hấp tiếp tục nặng lên. Thời điểm vào viện, bệnh nhân có chỉ số SpO2 chỉ 80%, sau khi thở ôxy mask lên được 85%-87%. Qua chụp CT ngực xác định bệnh nhân có tổn thương phổi, xơ hóa trắng xóa phổi. BV phải can thiệp ECMO cho bệnh nhân nhưng sau ba ngày bệnh nhân tử vong.
Theo nhận định của bác sĩ điều trị, bệnh nhân có bệnh lý nền tăng huyết áp nhưng không quá phức tạp, tuổi không quá cao, các xét nghiệm cho thấy đã khỏi COVID-19. Tuy nhiên, bệnh nhân khám hậu COVID-19 muộn, khi vào viện phổi đã tổn thương rất nặng. Nguyên nhân tử vong được bác sĩ nhận định ban đầu do hậu quả của COVID-19.
Mỗi ngày có hàng trăm bệnh nhân khám hậu COVID-19
Theo ThS-BS Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng đơn nguyên điều trị COVID-19, BV Thanh Nhàn (Hà Nội), tại BV mỗi ngày trung bình có hơn 100 bệnh nhân khám hậu COVID-19, chia đều cho các khoa nội, ngoại, sản, nhi.
Đối tượng đến khám thường là người trên 60 tuổi, tuy nhiên cũng có một số người trẻ sau khi khỏi COVID-19, tình trạng suy hô hấp không cải thiện và phải vào điều trị.
Bác sĩ cho biết các bệnh nhân thăm khám hậu COVID-19 chủ yếu gặp tình trạng mệt mỏi, khó thở, hụt hơi, giảm thể lực, mất ngủ. Thậm chí có các bệnh nhân gặp vấn đề về rối loạn hệ tiêu hóa.
Bác sĩ thông tin: Thực tiễn khám chữa tại BV nhận thấy chủng Delta thường gây triệu chứng nặng nhưng khi khỏi bệnh các vấn đề hậu COVID-19 thường không rõ ràng. Trong khi đó, chủng Omicron mặc dù gây triệu chứng lâm sàng thường không nặng nhưng tình trạng hậu COVID-19 có vẻ nặng nề hơn. “Các triệu chứng có thể xuất hiện sau khi khỏi COVID-19 mà không chẩn đoán được do các nguyên nhân hoặc bệnh lý đồng mắc khác” - chuyên gia cho hay.
Khoảng 5%-20% người bệnh có triệu chứng hậu COVID-19 từ bốn tuần trở lên hầu hết nhẹ, có thể tự hồi phục theo thời gian. F0 nặng, phải thở máy, khi khỏi bệnh thường chịu các di chứng kéo dài, tỉ lệ hồi phục kém hơn.
Theo bác sĩ, COVID-19 gây tổn thương đa cơ quan, di chứng có thể diễn biến nặng khi không được khám và điều trị kịp thời. Do đó người khỏi COVID-19 nên đi khám sớm, trong một tuần đầu sau 14 ngày cách ly để được can thiệp, điều trị kịp thời.
Sau khi bệnh nhân COVID-19 xuất viện, bác sĩ căn cứ vào việc dùng thuốc của F0 sau điều trị để có cách xử trí phù hợp. “Những bệnh nhân có bệnh lý nền cần phải quay lại tái khám càng sớm càng tốt, trong vòng một tuần đầu để bác sĩ xét nghiệm và tiên lượng phù hợp. Trường hợp không cần phải nhập viện, bác sĩ sẽ có hướng dẫn cho bệnh nhân về chế độ hô hấp, tập thở, thể dục, chế độ ăn uống, sinh hoạt, các biện pháp tâm lý…” - BS Hường cho hay.•
Không có thuốc dự phòng COVID-19 Bác sĩ cũng khuyến cáo bệnh nhân không nên tự ý mua các loại thuốc không rõ nguồn gốc để tự điều trị hậu COVID-19, tránh tiền mất tật mang, thiệt hại về kinh tế. “Hiện nay chưa có một nghiên cứu nào cho thấy việc chưa bị COVID-19 mà uống thuốc để dự phòng COVID-19 hoặc dự phòng hậu COVID-19” - một bác sĩ nhấn mạnh. |