Suýt bị lừa vì tìm mua phần mềm đọc trộm tin nhắn điện thoại chồng

(PLO)- Các đối tượng lợi dụng nhu cầu muốn mua phần mềm nghe lén, đọc trộm tin nhắn; tuy nhiên vì liên tục yêu cầu chuyển các khoản phí nên bị nạn nhân nghi ngờ, phát hiện.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, tuần qua tiếp tục ghi nhận các hành vi lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam. Những hành vi này được thống kê từ 4-12 – 10-12.

PLO thông tin tới bạn đọc một số hành vi lừa đảo trực tuyến nổi bật, để phòng tránh:

Bị chiếm đoạt gần 60 triệu đồng vì cung cấp mã OTP

Ngày 27-11, anh HVL, giáo viên tại một trường dạy lái xe ô tô ở Quận 12 (TP.HCM), phản ánh việc bị mất gần 60 triệu đồng trong khoảng thời gian rất ngắn.

Sáng ngày 27-11, anh L đến ngân hàng để mở thẻ ghi nợ. Sau khi hoàn tất thủ tục mở thẻ, khi ra về anh nhận được cuộc gọi từ số máy lạ đầu số 028, yêu cầu anh cung cấp mã OTP để xác nhận và hẹn ngày qua nhận thẻ.

giả danh công an
Cục An toàn thông tin khuyến cáo 'TUYỆT ĐỐI KHÔNG' cung cấp mã OTP, mật khẩu tài khoản ngân hàng hoặc thông tin cá nhân cho bên thứ ba dưới bất cứ hình thức nào. Ảnh: CATTT

Ngỡ là cuộc gọi của nhân viên ngân hàng vì vừa hoàn thành giao dịch tại ngân hàng, anh đã tin tưởng thực hiện theo hướng dẫn nhưng ngay lập tức, tài khoản của anh đã bị trừ gần 60 triệu đồng. Sau khi nhận được xác nhận đó là cuộc gọi giả mạo nhân viên ngân hàng, nạn nhân đã trình báo lên Công an phường Thới An, Quận 12 để điều tra sự việc.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân phải nâng cao cảnh giác khi nhận được cuộc gọi, tin nhắn hoặc yêu cầu thông tin cá nhân qua điện thoại; cần xác minh danh tính của người gọi bằng nhiều cách khác nhau.

Đặc biệt lưu ý, TUYỆT ĐỐI KHÔNG cung cấp mã OTP, mật khẩu tài khoản ngân hàng hoặc thông tin cá nhân cho bên thứ ba dưới bất cứ hình thức nào. Trước đó, các ngân hàng tại Việt Nam cũng đã đưa ra rất nhiều cảnh báo trước hàng loạt các sự việc xảy ra như trên để hạn chế rủi ro không đáng có, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng và uy tín doanh nghiệp.

Lừa bán phần mềm theo dõi, đọc trộm tin nhắn để chiếm đoạt tiền

Mới đây, Công an tỉnh Hải Dương vừa bắt giữ hội nhóm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức quảng cáo, rao bán phần mềm nghe lén, đọc trộm tin nhắn điện thoại.

Lợi dụng tâm lý của nhiều người muốn theo dõi cuộc sống riêng tư của những người thân hoặc các mối quan hệ xã hội, các đối tượng đã dụ dỗ nạn nhân chuyển tiền và đăng nhập vào phần mềm nghe lén nhưng thực tế lại nhằm mục đích đánh cắp thông tin rồi chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, đối tượng còn lập ra các tài khoản mạng xã hội giả danh các công ty công nghệ, chạy các clip quảng cáo tự cắt ghép, dàn dựng để lừa bán phần mềm.

Qua lời kể của một nạn nhân, vì nghi ngờ người chồng của mình không chung thủy, chị đã lên mạng tìm mua phần mềm nghe lén nhằm đọc trộm tin nhắn điện thoại của chồng.

đọc trộm
Các đối tượng đã dụ dỗ nạn nhân chuyển tiền và đăng nhập vào phần mềm nghe lén. Ảnh: CATTT.

Tại đây, đối tượng nhiệt tình tư vấn nhưng lại nhiều lần yêu cầu chuyển các loại phí: phí sử dụng phần mềm, phí sử dụng gói cước một năm, phí bẻ khóa mật khẩu; khiến nạn nhân nghi ngờ và phát hiện.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), TUYỆT ĐỐI KHÔNG vì hiếu kỳ mà tìm mua những sản phẩm, thiết bị nêu trên; không mua các sản phẩm, thiết bị trôi nổi, giá rẻ nhập lậu giá rẻ để tránh bị các đối tượng xấu theo dõi, đánh cắp thông tin, dữ liệu cá nhân và xâm phạm đời sống riêng tư.

Ngoài ra, việc tự ý mua, bán và sử dụng những phần mềm, thiết bị ngụy trang để ghi âm, ghi hình khi không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép là hành vi vi phạm pháp luật; có thể bị xử phạt hành chính hoặc nghiêm trọng hơn là truy tố hình sự. Việc xử phạt không chỉ áp dụng với các đối tượng kinh doanh, cung cấp thiết bị trái phép mà còn là người mua và sử dụng thiết bị.

Cảnh giác các ‘ma trận giảm giá’ cuối năm

Cuối năm là thời điểm diễn ra của hàng loạt các chiến dịch và tuần lễ giảm giá, siêu khuyến mại nhằm kích cầu mua sắm. Do đó, người tiêu dùng thường có tâm lý cởi mở hơn trong chi tiêu, tạo cơ hội cho các đối tượng lừa đảo dựng lên những kịch bản như rao bán hàng kém chất lượng với giá rẻ, gửi tặng quà hay tổ chức các chương trình trúng thưởng,... để chiếm đoạt tài sản.

gia-danh-cong-an-lua-dao-chiem-doat-1-ty-dong-2.jpg
Cuối năm là thời điểm diễn ra của hàng loạt các chiến dịch và tuần lễ giảm giá, siêu khuyến mại nhằm kích cầu mua sắm. Ảnh: CATTT.

Đánh vào tâm lý đó, đối tượng lừa đảo đưa ra những lời chào mời và hứa hẹn hấp dẫn, nhằm dụ dỗ nạn nhân tham gia vào các chương trình trúng thưởng, khuyến mãi tặng quà. Tại đây, đối tượng yêu cầu nạn nhân đóng nhiều khoản phí để tham gia và bảo đảm sẽ được nhận lại tiền và quà tặng.

Tuy nhiên, càng về sau số tiền càng lớn, với mong muốn lấy lại số tiền trên, đối tượng sẽ hướng dẫn nạn nhân tải các ứng dụng độc hại về điện thoại nhằm chiếm quyền điều khiển và chiếm đoạt tài sản trong tài khoản ngân hàng, cài các app trên điện thoại để lấy lại những số tiền mà chúng ta đã bỏ ra.

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân chỉ nên tham gia các chương trình đã có xác nhận đăng ký với Bộ Công Thương. Nên lựa chọn những nền tảng uy tín và đăng ký pháp nhân và khai báo đầy đủ với cơ quan quản lý nhà nước. Trước khi tiến hành đặt mua bất kỳ mặt hàng nào trực tuyến, người tiêu dùng cần tham khảo thêm giá cả sản phẩm, nhận xét, đánh giá của người mua trước, hoặc liên hệ trực tiếp với nhà bán hàng để hỏi đáp các thắc mắc.

Lừa đảo bằng hình thức giả công an

Công an xã Tản Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội) cho biết đã phối hợp với phòng giao dịch Ngân hàng Agribank chi nhánh xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì kịp thời ngăn chặn một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả danh công an gọi điện thoại đe dọa tống tiền.

Trước đó, bà N.T.H (53 tuổi, Ba Vì, Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Đối tượng tự xưng là công an, thông báo bà H hiện đang liên quan đến đường dây buôn bán ma tuý. Sau đó, yêu cầu bà H phải chuyển 1 tỉ đồng vào tài khoản ngân hàng của họ để xác minh, nếu không bà H sẽ bị bắt giam.

Quá hoảng sợ, bà H cùng chồng (ông N.V.H, 55 tuổi) đến phòng giao dịch ngân hàng Agribank để giao dịch chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo. Tại đây, nhân viên ngân hàng nhận thấy nét mặt mệt mỏi cùng trạng thái tâm lý hoang mang của bà H cùng chồng khi yêu cầu rút khoản tiền nên đã nhanh chóng liên hệ với Công an xã Tản Lĩnh.

gia-danh-cong-an-lua-dao-chiem-doat-1-ty-dong-3.jpg
Công an huyện Ba Vì khẳng định, để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an xã, thị trấn. Ảnh: CATTT.

Công an huyện Ba Vì khẳng định, để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an xã, thị trấn. Tuyệt đối không có việc cơ quan công an gọi điện thoại để yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.

Trước thủ đoạn trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân TUYỆT ĐỐI KHÔNG làm theo yêu cầu của các đối tượng lạ, không cung cấp thông tin cá nhân để tránh bị mắc bẫy lừa đảo của đối tượng xấu. Nếu phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ và giải quyết kịp thời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm