Suýt bị tù chỉ vì chuyện hùn hạp kinh doanh

(PLO)-  Mâu thuẫn trong kinh doanh, Nghĩa gây thương tích cho bạn 2% và bị tòa sơ thẩm phạt 8 tháng tù. Tuy nhiên, có căn cứ thể hiện bị hại có đơn rút yêu cầu khởi tố nên tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm, đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-9, TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Nguyễn Hữu Nghĩa về tội cố ý gây thương tích do có kháng cáo của bị cáo xin giảm hình phạt và xin hưởng án treo.

Mâu thuẫn từ việc hùn hạp kinh doanh

Theo bản án sơ thẩm, Nghĩa và HVS có mối quan hệ bạn bè, đồng thời cả hai có hùn vốn mở tiệm cầm đồ và buôn bán điện thoại ở quận Ninh Kiều.

Bị cáo Nghĩa tại tòa ngày 6-9. Ảnh: NHẪN NAM

Bị cáo Nghĩa tại tòa ngày 6-9. Ảnh: NHẪN NAM

Sáng ngày 28-11-2021, Nghĩa và S có hẹn gặp nhau để thỏa thuận việc Nghĩa trả tiền cho S nhưng không thống nhất được phương án trả nợ. Sau đó, S yêu cầu Nghĩa rút phần hùn tại cửa hàng dẫn đến phát sinh mâu thuẫn.

Sau khi rời khỏi tiệm, Nghĩa trở về nhà và uống bia. Đến khoảng 18 giờ 30 cùng ngày thì S yêu cầu Nghĩa qua tiệm lấy đồ dùng cá nhân. Đến 19 giờ 45 cùng ngày, S đang ở cùng với ba người tại cửa hàng thì Nghĩa đến, đi thẳng vào nhà vệ sinh. Khi đi ngang qua S, thấy S liếc nhìn, cho rằng S xem thường mình nên khi vào nhà vệ sinh, Nghĩa thấy dưới sàn nước có một cây kéo kim loại nên nhặt lên để phía sau chiếc cặp đang đeo đi ra ngoài. Nghĩa bất ngờ dùng kéo đâm vào lưng và vai của S rồi bỏ chạy về nhà, vứt bỏ cây kéo. S được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện và được cho xuất viện. Hôm sau, S có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đối với sự việc trên. Theo kết luận giám định, S bị thương tích 2%.

Quá trình điều tra, Nghĩa khai nhận do bị hại gây áp lực trong việc trả nợ và yêu cầu rút vốn khỏi cửa hàng làm mất thu nhập, cùng với thái độ xem thường của bị hại khi bị cáo đến cửa hàng nên bị cáo bực tức, dùng kéo gây thương tích đối với bị hại. Bị cáo và gia đình đã hoàn trả cho bị hại số tiền còn thiếu là 85 triệu.

Về trách nhiệm dân sự, S yêu cầu Nghĩa bồi thường tiền điều trị thương tích, tổn thất tinh thần, mất thu nhập, tổng cộng 98 triệu. Nghĩa đã bồi thường được 25 triệu.

Xử sơ thẩm vào tháng 6 vừa qua, TAND quận Ninh Kiều tuyên phạt Nghĩa 8 tháng tù về tội cố ý gây thương tích; công nhận thỏa thuận giữa bị cáo và bị hại về việc bị cáo tiếp tục bồi thường thêm 15 triệu.

Sau đó, bị cáo Nghĩa kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin án treo để chăm sóc gia đình.

Tự nguyện rút thì không được yêu cầu khởi tố lại

Tại tòa, HĐXX hỏi bị hại về đơn rút yêu cầu khởi tố vụ án. Bị hại thừa nhận có viết đơn này gửi cho công an. Sau đó bị hại có đơn yêu cầu khởi tố lại vì không thích thái độ của bị cáo.

Quang cảnh phiên tòa xét xử phúc thẩm ngày 6-9. Ảnh: NHẪN NAM

Quang cảnh phiên tòa xét xử phúc thẩm ngày 6-9. Ảnh: NHẪN NAM

Vị thẩm phán hỏi khi làm đơn rút yêu cầu khởi tố thì có bị ai ép buộc không. Bị hại nói không. Sau đó, vị thẩm phán giải thích cho bị hại về quy định pháp luật, khi đã rút yêu cầu khởi tố thì không được yêu cầu khởi tố lại trừ trường hợp việc rút yêu cầu khởi tố là do bị ép buộc.

Trong phần luận tội, đại diện VKS đề nghị đình chỉ vụ án phúc thẩm do bị hại đã có đơn yêu cầu rút đơn yêu cầu khởi tố đối với bị cáo. Theo VKS, dù tại toà bị hại không đồng ý rút đơn nhưng yêu cầu khởi tố lại là không có căn cứ.

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại không đồng ý với đề nghị của VKS khi cho rằng đơn yêu cầu của bị hại chỉ là bản thảo, bản photo, không phải chứng cứ... Đối đáp lại, VKS cho rằng tại tòa bị hại được cho đọc lại tờ đơn, HĐXX đã hỏi bị hại về đơn này và bị hại đã trả lời đơn do bị hại viết và ký tên. Bị hại cũng thừa nhận việc việc viết đơn là tự nguyện…

Sau khi xét xử phúc thẩm, HĐXX nhận định cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo về tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 134 BLHS là có căn cứ. Tuy nhiên, vụ án của bị cáo thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại.

Theo tòa, sau khi xảy ra vụ việc thì ngày 29-11-2021, bị hại làm đơn yêu cầu khởi tố. Đến ngày 15-12-21, bị hại làm đơn rút yêu cầu khởi tố do đã thống nhất số tiền bồi thường thiệt hại, tiền thuốc là hơn 100 triệu. Sau đó vì không đồng ý với thái độ của bị cáo mà bị hại làm đơn yêu cầu khởi tố lại. Việc này là không đúng quy định pháp luật.

Tòa cho rằng, do bị cáo cung cấp đơn rút yêu cầu khởi tố của bị hại ở giai đoạn phúc thẩm nên xác định là chứng cứ mới. Từ đó, tòa tuyên huỷ phần quyết định tội danh và hình phạt của bản án sơ thẩm, đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án.

Điều 155 BLTTHS: Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm