Vụ 6 bị cáo được tuyên không phạm tội: Tòa phúc thẩm hủy án để truy tố, xét xử lại

(PLO)- HĐXX cho rằng cấp sơ thẩm tuyên các bị cáo không phạm tội là có sai lầm trong việc xem xét toàn diện chứng cứ khác nên đã tuyên hủy toàn bộ bản án.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 11-8, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm (lưu động) tại TP Cần Thơ vụ án vi phạm quy định về cho vay xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh TP Cần Thơ đối với sáu bị cáo.

Tòa phúc thẩm xác định có thiệt hại

Phiên tòa được mở do có kháng nghị của VKSND TP Cần Thơ đề nghị tòa phúc thẩm xét xử theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.

Sáu bị cáo nghe tòa phúc thẩm tuyên án chiều 11-8. Ảnh: NHẪN NAM
Sáu bị cáo nghe tòa phúc thẩm tuyên án chiều 11-8. Ảnh: NHẪN NAM

Cáo buộc gây thiệt hại
hơn 300 tỉ đồng

Theo cáo trạng, từ năm 2012-2015, Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, Lê Thanh Hải, Trần Huy Liệu thống nhất sử dụng các pháp nhân là Công ty Tây Nam, Công ty Đồng Bằng Xanh, Công ty Nam Bộ Cửu Long và cá nhân Phan Duy Phương, Hoàng Công Tám và Nguyễn Bửu Tâm lập khống hồ sơ vay, nâng khống giá trị tài sản đảm bảo để vay và sử dụng vốn sai mục đích gây thiệt hại về tài sản cho Agribank số tiền hơn 303 tỉ đồng.

Trong phần tranh luận, đại diện VKS cho rằng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng của cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng hình sự về việc xác định thiệt hại, thu thập chưa đầy đủ chứng cứ. Tòa án cấp sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng khi tuyên các bị cáo không phạm tội nên kháng nghị có căn cứ chấp nhận một phần.

Theo đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên chấp nhận một phần kháng nghị, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Tranh luận với VKS, các luật sư đều đề nghị tòa bác kháng nghị, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

HĐXX nhận định về tội danh, tòa sơ thẩm tập trung phân tích hậu quả của hành vi mà các bị cáo thực hiện, không phân tích đánh giá hành vi theo cáo trạng truy tố vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng theo khoản 3 Điều 179 BLHS năm 1999. Tuy nhiên, có đủ căn cứ chứng minh các bị cáo thực hiện hành vi cho vay trái quy định pháp luật.

Theo tòa, bị cáo Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân sử dụng các công ty Đồng Bằng Xanh, Nam Bộ Cửu Long và chỉ đạo các nhân viên Nguyễn Bửu Tâm, Phan Duy Phương làm hồ sơ khống, nâng khống giá trị tài sản thế chấp để vay tiền và sử dụng tiền sai mục đích dẫn đến không còn khả năng thanh toán, gây thiệt cho Agribank, là có dấu hiệu gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Cấp sơ thẩm truy tố, xét xử bị cáo Nhân về tội vi phạm quy định về cho vay trong các tổ chức tín dụng là chưa đúng bản chất, hành vi khách quan của tội phạm.

Thiệt hại trong vụ án được xác định kể từ thời điểm phạm tội và được ngăn chặn kể từ tháng 6-2016. HĐXX xác định các bị cáo gây thiệt hại cho Agribank hơn 303 tỉ đồng. Hội đồng định giá đã thực hiện đúng trình tự thủ tục quy định và các vấn đề liên quan, không có mâu thuẫn như nhận định của án sơ thẩm.

Tòa phúc thẩm cho rằng cấp sơ thẩm có sai lầm trong đánh giá chứng cứ khi xem xét, so sánh kết quả định giá của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự của các địa phương, trung ương với các chứng thư thẩm định giá do luật sư cung cấp. Cấp sơ thẩm tuyên các bị cáo không phạm tội là có sai lầm trong việc xem xét toàn diện chứng cứ khác. Do đó, cần chấp nhận kháng nghị của VKS…

Từ đó, HĐXX tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để giao về cho VKSND TP Cần Thơ truy tố, xét xử lại, trong đó có xem xét tội danh đối với bị cáo Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân.

Tòa sơ thẩm: Cần áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội

Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, ngày 7-1, TAND TP Cần Thơ xét xử sơ thẩm đã tuyên cả sáu bị cáo Lê Thanh Hải, Trần Huy Liệu, Bùi Tuấn Anh (nguyên giám đốc, trưởng phòng và cán bộ tín dụng Agribank Cần Thơ), Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, Phạm Tường Thi và Nguyễn Văn Đạt không phạm tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Tòa sơ thẩm cho rằng kết luận của hội đồng định giá trong tố tụng hình sự do cơ quan điều tra trưng cầu có giá trị thấp hơn giá do các công ty thẩm định giá độc lập, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất do các luật sư cung cấp.

Về xác định thiệt hại, tòa dẫn nhiều văn bản của ngân hàng về việc chưa xác định được thiệt hại, ngân hàng đã khởi kiện các tổ chức, cá nhân ra tòa để thu hồi nợ gốc, lãi…

Tại các hợp đồng thế chấp tài sản có điều khoản về xử lý tài sản, nếu bên vay vi phạm hợp đồng thì ngân hàng được bán đấu giá tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Sự thỏa thuận này là quyền định đoạt của các đương sự và phù hợp với các quy định pháp luật.

Theo hồ sơ, ngân hàng xác định các tài sản thế chấp là hợp pháp, việc thế chấp là đúng trình tự quy định nhưng do chưa xử lý tài sản đảm bảo nên chưa có căn cứ để xác định thiệt hại và khắc phục hậu quả của khoản vay từ ba công ty và hai cá nhân. Như vậy, tài sản cần được định giá là tài sản đảm bảo là bất động sản, tài sản hình thành từ vốn vay.

Ngân hàng khởi kiện ba doanh nghiệp và hai cá nhân tại TAND quận Ninh Kiều là đúng pháp luật. Trường hợp xét xử các bị cáo theo Điều 179 BLHS năm 1999 hoặc Điều 206 BLHS 2015 thì phải xác định thiệt hại. Trong khi hiện nay, ngân hàng không xác định được thiệt hại.

Do đó, tòa sơ thẩm cho rằng không thể làm sáng tỏ được thiệt hại để kết tội các bị cáo nên cần phải áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội đối với các bị cáo.

Quan điểm của luật sư

Sau khi nghe HĐXX tuyên án, luật sư (LS) Nguyễn Minh Tâm (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng “bản án rất vô lý”. Theo LS Tâm, phần nhận định tòa cho rằng định giá đúng, tất cả đúng nhưng lại hủy án.

“Đúng hết rồi thì còn điều tra cái gì nữa? Theo bản án này, các bị cáo có tội thì tòa có quyền sửa bản án, tuyên có tội luôn chứ không phải hủy. Nhưng nhận định như vậy rồi hủy, thành ra bản án rất vô lý” - LS Tâm nói.

LS Hà Huy Sơn (Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng tòa phúc thẩm nhận định vụ án có thiệt hại là chưa có căn cứ vì phần tuyên này của tòa hoàn toàn căn cứ vào các kết luận định giá. Ông Sơn cho rằng chứng cứ có giá trị nhất là bán đấu giá tài sản mà các tài sản vẫn còn đó, chưa bán đấu giá, đó mới là chứng cứ khách quan, quan trọng hơn. Các kết luận định giá chỉ là mang tính chủ quan.

“Tòa phúc thẩm tuyên như vậy, quan điểm tôi cho rằng cũng chưa khách quan vì kết luận định giá có như thế nào cũng không trùng hợp với giá trị thực tế của thị trường, mà chưa bán đấu giá thì làm sao biết được thiệt hại” - LS Sơn bày tỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm