Tác phẩm 'Đô thị Sài Gòn Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ' nhận giải thưởng Trần Văn Giàu

(PLO)- Tác phẩm "Đô thị Sài Gòn Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ" của nhóm tác giả Võ Nguyên Phong và Cù Thị Dung đã được trao giải thưởng Trần Văn Giàu lần thứ 12 - năm 2024.

Sáng 28-9, Lễ công bố và trao giải thưởng Trần Văn Giàu lần thứ 12 đã diễn ra tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (quận 1, TP.HCM).

Trao Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu lần thứ 12 cho hai tác giả Võ Nguyên Phong và Cù Thị Dung.

Giải thưởng Trần Văn Giàu nhằm tôn vinh những công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc về lịch sử và văn hóa Nam Bộ, đặc biệt là những công trình có giá trị cao về mặt học thuật và góp phần bảo tồn, phát triển di sản văn hóa dân tộc.

Phát biểu tại lễ trao giải, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM ghi nhận và biểu dương hai tác giả Võ Nguyên Phong và Cù Thị Dung. Ông đánh giá cao sự sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của họ trong việc biên tập và hệ thống hóa các tài liệu lưu trữ thành một công trình nghiên cứu có giá trị lớn.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu

Theo ông Mãi, tác phẩm của hai tác giả không chỉ phục vụ công tác nghiên cứu mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp thu những giá trị lịch sử quý báu, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của TP.HCM.

"Đây là công trình của cả một tập thể, bao gồm sự đóng góp của nhiều cá nhân liên quan. Đặc biệt, hai tác giả năm nay là những người trẻ nhất trong lịch sử 12 lần trao giải. Tôi cũng rất vui mừng khi thấy tác giả Nguyễn Đình Tư, người đoạt giải lần thứ 11, vẫn có mặt tại buổi lễ, là nguồn động viên lớn cho chúng ta trong công tác nghiên cứu" - ông Mãi cho hay.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng khẳng định rằng giải thưởng Trần Văn Giàu cần tiếp cận nhiều hơn đến các ứng viên tiềm năng. Ông cảm ơn các thành viên trong ban tổ chức đã nỗ lực giới thiệu giải thưởng đến các hội nhóm, tổ chức và địa phương trên khắp cả nước, qua đó đảm bảo sự lựa chọn kỹ lưỡng, minh bạch để tìm ra những công trình xuất sắc nhất.

Ông Phan Văn Mãi đề xuất mở rộng phạm vi giải thưởng Trần Văn Giàu không chỉ ở Nam Bộ mà còn trên cả nước, đặc biệt trong lĩnh vực tư tưởng và văn hóa. Ông mong muốn rằng trong những năm tới, giải thưởng có thể trao cho nhiều công trình nghiên cứu nổi bật hơn, thậm chí không chỉ dừng lại ở một giải duy nhất, mà có thể trao nhiều giải thưởng hơn nếu có các đề cử xứng đáng.

Tác phẩm "Đô thị Sài Gòn Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ" (NXB Tổng hợp TP.HCM) cung cấp một cái nhìn sâu sắc về quá trình hình thành và phát triển của Sài Gòn và Chợ Lớn trước năm 1945 qua việc khai thác các tài liệu lưu trữ.

Trao đổi với PLO, tác giả Võ Nguyên Phong cho biết đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử của người Việt cũng như các cộng đồng dân cư khác, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của dân tộc.

Sau khi nhận giải, nhóm tác giả sẽ tiếp tục mở rộng hướng nghiên cứu, đặc biệt là về các đô thị ở Nam Bộ và vùng Tây Nam Bộ – những khu vực phát triển muộn hơn trong lịch sử di dân Việt Nam.

Hai tác giả Võ Nguyên Phong và Cù Thị Dung cùng tác phẩm của mình

Nhóm nghiên cứu nhận định rằng vẫn còn nhiều vấn đề về lịch sử Sài Gòn – Chợ Lớn cần được làm sáng tỏ, trong đó có sự nhầm lẫn về vị trí lịch sử của Sài Gòn và Chợ Lớn mà nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập.

Tuy nhiên, ông Phong cho rằng điều quan trọng là cần phải tiếp tục khám phá và phương pháp nghiên cứu liên ngành kết hợp với khảo cổ học sẽ giúp làm sáng tỏ thêm những di sản quý báu của miền đất phương Nam.

Không chỉ tập trung vào khía cạnh chính trị mà còn đề cập đến các vấn đề xã hội, văn hóa và đời sống hàng ngày của người dân. Cuốn sách cũng đi sâu vào các khía cạnh văn hóa và xã hội của đô thị này, bao gồm đời sống của các cộng đồng người Việt, Hoa, và các nhóm dân tộc khác.

Tác phẩm Đô thị Sài Gòn Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ gồm hai phần với bốn chương, tập trung vào các giai đoạn quan trọng của vùng đất Sài Gòn - Gia Định và Sài Gòn - Chợ Lớn thời Pháp thuộc.

Phần đầu tái hiện quá trình khai hoang và phát triển từ khi Nguyễn Hữu Cảnh thiết lập chủ quyền vào năm 1698.

Phần sau phác thảo quá trình chuyển mình của Sài Gòn - Chợ Lớn dưới sự quản lý của thực dân Pháp, từ một thị trấn Á Đông thành đô thị mang dáng dấp phương Tây.

Giải thưởng Trần Văn Giàu lần thứ 12 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển của giải, khẳng định vai trò quan trọng trong việc lưu giữ và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa lịch sử của đất nước.

Giải thưởng Trần Văn Giàu ra đời năm 2002, từ tâm nguyện của giáo sư Trần Văn Giàu về việc thành lập một giải thưởng khoa học dành cho các công trình nghiên cứu về lịch sử và lịch sử tư tưởng ở khu vực Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ và TP.HCM.

Các tác phẩm được trao Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu là những công trình nghiên cứu có chất lượng khoa học cao, có giá trị tham khảo tốt và có sức lan tỏa rộng rãi.

Năm 2023, tác phẩm "Gia Định-Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh dặm dài lịch sử (1698-2020)" của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (NXB Tổng hợp TP.HCM) cũng nhận được Giải thưởng Trần Văn Giàu lần thứ 11.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới