Agribank duy trì tăng trưởng tín dụng, góp phần phục hồi nền kinh tế

Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vẫn đảm bảo tăng trưởng nguồn vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng, đảm bảo an toàn thanh khoản và các tỷ lệ an toàn theo quy định, đồng thời tích cực hỗ trợ cho khách hàng, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.        

Tăng trưởng nguồn vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng

Trong bối cảnh nền kinh tế 10 tháng đầu năm 2021 gặp nhiều khó khăn, hoạt động kinh doanh của Agribank cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Tuy nhiên với nhiều giải pháp đồng bộ, có hiệu quả, Agribank vẫn đảm bảo tăng trưởng nguồn vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng, đảm bảo an toàn thanh khoản và các tỷ lệ an toàn theo quy định và hỗ trợ cho khách hàng, doanh nghiệp.

Cho vay nông nghiệp nông thôn tiếp tục tăng trưởng ổn định

Tình hình dư nợ tăng trưởng chậm và nợ xấu tăng cao do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, đặt ra nhiều khó khăn thách thức cho toàn ngành ngân hàng, kết quả tài chính của Agribank cũng bị ảnh hưởng, nhất là khi thực hiện giảm lãi suất, miễn giảm phí dịch vụ để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19. Agribank đã chủ động thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn sức khỏe người lao động và hoạt động kinh doanh bình thường, không bị gián đoạn.

Trên cơ sở bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và điều chỉnh phương thức hoạt động đảm bảo thực tiễn phòng chống dịch bệnh, trong 10 tháng đầu năm 2021, toàn hệ thống đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch theo tiến độ NHNN giao trong bối cảnh nhiều khó khăn phức tạp mới nảy sinh và đại dịch COVID-19 tái bùng phát với nguy cơ cao hơn trước. Dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1.258.482 tỷ đồng, tăng 45.826 tỷ đồng (+3,78%) so với thời điểm cuối năm 2020. Cho vay nông nghiệp nông thôn tiếp tục tăng trưởng ổn định, đạt 856.511 tỷ đồng, tăng 15.192 tỷ đồng so với năm 2020, chiếm 68% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. 

Tăng trưởng tín dụng đạt 3,9%; tăng tuyệt đối là 43.776 tỷ đồng

Agribank đã ban hành nhiều cơ chế chính sách quan trọng trong hoạt động cấp tín dụng và hướng dẫn nghiệp vụ để Chi nhánh có cơ sở thực hiện, phục vụ hoạt động kinh doanh. Các chương trình tín dụng được tập trung triển khai xây dựng nhằm tăng trưởng dư nợ có hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào phân khúc khách hàng bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ưu tiên các khách hàng có khả năng phát triển đa dạng dịch vụ và bán chéo SPDV nhất là tại địa bàn thành phố lớn.

Agribank đẩy mạnh phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng gắn với việc rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ thông qua việc tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất cho các đối tượng khách hàng mục tiêu bao gồm: khách hàng lớn, khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng FDI, khách hàng xuất nhập khẩu, khách hàng cá nhân vay tiêu dùng tại khu vực đô thị… với tổng trị giá 85.000 tỷ đồng và 300 triệu USD. 

Agribank đang là ngân hàng thực hiện hỗ trợ (lãi, phí) rất nhiều cho khách hàng.

Nhờ các giải pháp, tăng trưởng tín dụng 10 tháng đầu năm của Agribank đạt 3,9%; tăng tuyệt đối là 43.776 tỷ đồng. Việc đảm bảo duy trì tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế là một thách thức lớn đối với Agribank, trong khi ngân hàng vẫn tiếp tục triển khai quyết liệt, thiết thực, có hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Những tháng cuối năm, do ảnh hưởng của dịch bệnh còn tiếp diễn, hoạt động kinh doanh của Agribank đang và sẽ gặp nhiều khó khăn. Để hoàn thành các nhiệm vụ kinh doanh năm 2021, Agribank trên cơ sở nhận định tình hình những tháng cuối năm và xây dựng các kịch bản kinh doanh phù hợp, tiếp tục tập trung, quyết liệt thực hiện các giải pháp cốt lõi nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, chú trọng tăng trưởng tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, xây dựng các chương trình tín dụng ưu đãi phù hợp với các đối tượng khách hàng...

Toàn hệ thống Agribank quyết tâm tập trung mọi nguồn lực hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ năm 2021, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, phòng chống dịch bệnh và tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị của NHTM hàng đầu, góp phần hỗ trợ phục hồi nền kinh tế trong điều kiện bình thường mới. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm