Hồ sơ: Nga xây dựng ‘pháo đài trữ vàng’

Kỳ 2: Đô đốc đem vàng 'khủng' của Sa hoàng đi giấu?

Năm 1884, Đế chế Nga có được số vàng dự trữ lớn nhất, trị giá 800 triệu rúp hoàng gia. Trước năm 1914, số vàng dự trữ Đế chế Nga lớn nhất thế giới, nặng tổng cộng 1.400 tấn.

Nhờ có nhiều vàng như thế, Bộ trưởng Tài chính Sergei Witte có thể tiến hành các chương trình cải cách tiền tệ, mà kết quả là việc công bố tiêu chuẩn vàng vào năm 1897.

Thế chiến 1 rồi Cách mạng Tháng 10 Nga khiến số vàng dự trữ này được rút ra để có thể đi vay các ngân hàng nước ngoài.

Trước đó hồi Thế chiến 1, do sợ Đức chiếm được số vàng dự trữ, Sa hoàng Nicholas II cho chuyển 500 tấn vàng từ St Petersburg về Kazan.

Đô đốc đem vàng Sa hoàng đi giấu

Sau Cách mạng Tháng 10-1917, một phần số vàng của Sa hoàng Nicolas II  được quân Bạch Nga của Đô đốc Alexander Kolchak chuyển đến Siberia, lúc họ phải tháo chạy khỏi cuộc tấn công của quân cách mạng  (sau đó, Sa hoàng và gia đình bị hành quyết ngày 16-7-1918).

Đô đốc Kolchak cũng gởi một số lớn qua Nhật Bản để mua vũ khí của Nhật Bản, nhưng không nhận lại được vũ khí và vàng.

Giáo sư  Vladlen Sirotkin thuộc Đại học Nhân văn Nga, là người có nhiều đầu sách viết về “Vàng của Kolchak”. Ông nói một số ít vàng dự trữ này vẫn còn ở Nga, đa phần thì được chuyển qua Nhật để mua vũ khí nhưng lại không được giao hàng.

Cũng có giả thiết quân Bạch Nga đã đem số vàng gởi vào các ngân hàng ở Anh và Nhật, hoặc quân Tiệp Khắc đã đem tất cả số vàng về nước, nên nước này phát triển trong những năm 1920.

Theo báo Spiegel (Đức), quân Tiệp Khắc chiến đấu cạnh quân cách mạng Nga đã nộp số vàng trị giá 410 triệu rúp cho Moscow trước khi rút về nước.

Còn có câu chuyện kể rằng quân Bạch Nga dưới quyền Đô đốc Kolchak đã chuyển chúng lên xe lửa để vượt hồ Baikal vốn đóng băng trong mùa đông. Nhưng đoàn xe quá nặng nên đã chìm xuống hồ.

Trong thực tế, hồ này vào mùa đông vẫn là đường giao thông, như trong cuộc chiến Nga-Nhật (1904-1905) có tuyến đường ray trải dài trên lớp băng dày 1 m.

Theo một số nhà nghiên cứu Nga thì “Vàng của Kolchak” nặng khoảng 60 tấn, ngày nay trị giá 650 triệu rúp, được đựng trong 5.000 hộp và 1.700 túi và quân Bạch Nga phải chở bằng 40 toa xe.   

Theo báo Daily Mail (Anh) hồi năm 2010, tàn tích của đoàn xe và đạn dược đã được tìm thấy dưới hồ.

Năm 2013, Nga cho một chiếc tàu ngầm mi-ni MIR-2 lặn xuống hồ nước ngọt sâu nhất và xưa nhất thế giới này để nghiên cứu hệ sinh thái, nhưng Daily Mail cho rằng nó đi tìm số vàng trị giá 50 tỷ bảng Anh bị chìm.

Tờ báo dẫn nguồn tin của tờ Moscow News (Nga) vốn chạy tít “Vàng thất lạc của Bạch Nga tìm thấy ở hồ Baikal”, và thuật rằng MIR-2 đã tìm được “những khối kim loại giống như vàng” ở khoảng cách 400 m dưới hồ. Tổ lái 3 người của MIR-2 đã dùng “cánh tay” của tàu ngầm để “lượm những đồ vật lóng lánh” nhưng không được.

Tờ báo Anh cũng nêu MIR-2 đã xác định đúng vị trí và đã lên kế hoạch xác minh có đúng là vàng, mà nếu đúng thì tìm cách đem vài mẫu lên khỏi mặt hồ.

Nếu đúng là tìm được kho vàng, có thể xảy ra tranh chấp giữa chính phủ Nga với hậu duệ của Sa hoàng Nicholas II cùng các nước khác (gồm Anh) vốn có thể cãi rằng dòng họ Romanov của Sa hoàng mắc nợ họ rất nhiều.

Truyền thuyết kể Đô đốc Kolchak từng là anh hùng trong Thế chiến 1 và sau Cách mạng tháng 10 đã chỉ huy quân Bạch Nga chống các chiến binh của Lenin. Trong một trận đánh lớn năm 1919, ông ta đẩy đối phương về Kazan gần Moscow và chiếm nhiều kho trữ vàng của Nga.

Đô đốc Kolchak bị quân cách mạng Nga bắt và bị xử tử ở thành phố Irkutsk hồi đầu năm 1920.

Đầu tháng 3-2019, Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) xóa dấu mật trong hồ sơ tội phạm chống lại Đô đốc Kolchak, người được đưa lên màn bạc Nga bằng phim “Đô đốc” hồi năm 2008.

Đô đốc Kolchak - Ảnh: Crime Russia

Cuộc săn tìm vàng mới và câu thuộc lòng “đừng sờ, ngủ ngon”

Tại Nga (và trong thời Liên Xô) chỉ cho phép ngành sản xuất vàng tham gia khai thác. Các công ty lớn đảm nhận các hợp đồng ký với chính phủ Nga.

Các vùng mỏ vàng lớn nhất Nga chủ yếu ở phía đông, nơi có các thành phố Khabarovsk, Krasnoyarsk và Irkutsk. Các mỏ vàng lớn cũng có ở dãy núi Ural, ranh giới nằm giữa các vùng châu Âu và châu Á thuộc Nga. 

Đa phần các mỏ vàng Nga ở Magadan thuộc Viễn Đông Nga, và Magadan giữ vai trò tích cực trong việc phát triển quốc gia nhờ hoạt động khai thác vàng. 

Hồi năm 2005, Magadan tổ chức cuộc họp cấp chính phủ về vàng do Tổng thống Putin chủ trì, nhằm tìm giải pháp cho tình hình nhạy cảm của nguồn vàng dự trữ quốc gia. Lúc đó, kho trữ chỉ có 887 tấn vàng, và điều kiện của ngành khai thác vàng lâm cảnh thảm họa.

Các biện pháp mới được thông qua để cải thiện tình hình của ngành vốn tuân thủ các qui định cũ thời Liên Xô. Cuộc họp này được đánh giá là một cuộc cách mạng cho ngành, vì chính phủ Putin quyết định tìm ra các cách thu hút các nhà đầu tư tư nhân vào việc khai thác các mỏ vàng.

Kết quả quan trọng nhất là cải thiện tính minh bạch, vì thời Liên Xô, khâu sản xuất vàng là một trong những ngành bị tham nhũng mạnh nhất, theo Russia Beyond.

Trong cuốn sách “những thợ mỏ thầm lặng và bọn cướp biển Carribean”, nhà địa chất học Alexander Surkov (người Nga) viết: “Chủ tịch của các công ty liên doanh vẫn trung thành với nguyên tắc “không làm việc quá lâu”.

Làng Ynykchan bị bỏ hoang để khai thác vàng - Ảnh: RBTHL

Ngày nay, không còn bọn cướp biển nào, nhưng “những thợ mỏ thầm lặng” vẫn miệt mài lao động, để tăng nguồn dự trữ vàng quốc gia.

Theo Russia Beyond, nghề đào vàng là nghề nặng nhọc, mỗi ngày có 2 ca, mỗi ca kéo dài 11 giờ. Khí hậu Nga khiến người thợ chỉ có thể làm việc từ tháng 5 đến tháng 10 trong năm. Đào một mét vuông đất có khi chỉ kiếm được 80 gram vàng.

Ở mỏ vàng Yakut thuộc làng Ynykchan (ở Magadan) đang xảy ra tình trạng giảm sản lượng vàng đào được, khi nguồn vàng đã cạn kiệt dần. Đỉnh điểm sản xuất vào năm 2000, nhưng kinh phí tiếp tục leo cao. Mỏ này từng bắt đầu khai thác từ năm 1920, và chỉ có người Triều Tiên và Trung Quốc mới có thể chịu đựng nổi thời tiết khắc nghiệt.

Thợ mỏ ở mỏ Yakut cũng có thể đào được những món vật có vàng mà người dân bỏ lại khi chuyển qua vùng khác hồi năm 2008, và nhà cửa của họ bị phá hủy để đào vàng: răng vàng, cúc vàng, các đồng vàng, chìa khóa vàng. Các món này đều được thu hồi, và nhóm thợ mỏ đặt mục tiêu kiếm được 100 kg/mùa nhằm bán lại kiếm thêm tiền.

Thợ mỏ chỉ đào vàng chứ không xử lý khâu cân vàng đào được. Việc này do các nữ lao động đảm nhận, với một bảo vệ chuyên cộng tổng số vàng đào được. Các thợ mỏ thậm chí còn có câu thuộc lòng: “Đừng sờ, ngủ ngon”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm