Tài liệu mật bị rò rỉ ảnh hưởng sao đến Mỹ và đồng minh?

(PLO)- Mỹ và nhiều đồng minh rơi vào căng thẳng ngoại giao sau vụ rò rỉ quy mô lớn số tài liệu mật về tình báo và quân sự, đang gấp rút hành động để kiểm soát tình hình.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tuần qua, một lượng lớn tài liệu tình báo “tuyệt mật” của Mỹ bất ngờ xuất hiện trên các trang mạng xã hội. Các tài liệu này chứa nhiều thông tin chi tiết liên quan tới quốc phòng, an ninh, phần lớn về việc bố trí lực lượng Ukraine, hệ thống phòng không và thiết bị quân sự, thông tin mật về vũ khí và sự hỗ trợ mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine.

Nội dung bị rò rỉ cũng gồm các bản sao báo cáo tình báo hằng ngày được cung cấp cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Mark Milley với một số thông tin tình báo về các vấn đề nội bộ ở một số quốc gia khác, tờ The New York Times.

Trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ. Ảnh: REUTERS

Trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ. Ảnh: REUTERS

Mỹ khẩn trương điều tra và đánh giá tình hình

Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết đang phối hợp với Bộ Tư pháp điều tra về nguồn rò rỉ. Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Bộ Tham mưu liên quân, gồm các lãnh đạo cấp cao nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ cố vấn cho tổng thống, đang kiểm tra danh sách phân phát tài liệu của Bộ Quốc phòng để xem những cá nhân nào được cung cấp các tài liệu này hằng ngày. Thường mỗi ngày có đến hàng trăm người được nhận những báo cáo này. Nhiều tài liệu có dấu hiệu cho thấy chúng được bộ phận tình báo của Bộ Tham mưu liên quân (J2) tổng hợp và có thể là tài liệu tóm tắt.

Bà Singh cho biết Lầu Năm Góc cũng đã triển khai một “nỗ lực liên ngành” để đánh giá tác động của vụ rò rỉ.

“Bộ Quốc phòng tiếp tục xem xét và đánh giá tính hợp lệ của các tài liệu đang lưu hành trên các trang mạng xã hội có thể chứa thông tin nhạy cảm mức độ cao. Một nỗ lực liên ngành đã được triển khai, tập trung vào việc đánh giá tác động mà những tài liệu này có thể gây ra đối với an ninh quốc gia của Mỹ cũng như đối với các đồng minh và đối tác của chúng tôi” - bà Singh cho biết.

Bà Singh nói thêm rằng các quan chức Mỹ đã nói chuyện với các đồng minh và đối tác vào cuối tuần qua về vụ rò rỉ, đồng thời thông báo cho “các ủy ban Quốc hội có liên quan”. Một số quan chức Mỹ cho biết vụ rò rỉ cũng khiến Lầu Năm Góc thực hiện các bước đi nhằm siết chặt an ninh đối với các tài liệu nhạy cảm cao.

Theo đài CNN, các tài liệu mật bị rò rỉ cho thấy một góc nhìn hiếm hoi về cách Mỹ do thám các đồng minh cũng như đối thủ. Điều này khiến giới chức Washington vô cùng lo lắng rằng những thông tin bị tiết lộ có thể gây nguy hiểm cho các nguồn tin nhạy cảm và làm tổn hại các mối quan hệ đối ngoại quan trọng.

Một số tài liệu mà các quan chức Mỹ cho là xác thực cho thấy Mỹ có một chương trình do thám rất tinh vi đối với các đồng minh chủ chốt, bao gồm Hàn Quốc, Israel và Ukraine. Những tài liệu hé lộ mức độ tình báo Mỹ xâm nhập vào Bộ Quốc phòng Nga và Công ty an ninh tư nhân Nga Wagner - phần lớn thông qua các thông tin nghe lén hoặc nguồn là con người. Hiện những cá nhân này có thể đã bị cắt liên lạc hoặc đang gặp nguy hiểm.

Sự nguy hiểm với nguồn tin và lo lắng của đồng minh

Hiện đồng minh của Mỹ cũng khẩn trương đánh giá tác động, gấp rút điều tra để xác định liệu có bất kỳ nguồn tin hay hệ thống an ninh nào của họ bị rò rỉ hay không.

Một nguồn tin của CNN cho hay do thám là một phần không thể tránh khỏi trong cách cộng đồng tình báo Mỹ thu thập thông tin trên toàn cầu nhưng nhiều nhà ngoại giao từ một số quốc gia xuất hiện trong tài liệu bị rò rỉ đang cảm thấy rất khó chịu khi thấy thông tin đó bị tiết lộ công khai. Điều này sẽ không có lợi cho hình ảnh và sự lãnh đạo của Mỹ lúc này.

Chia sẻ với Reuters, một quan chức Mỹ giấu tên cho hay nước này đang nghi ngờ vụ rò rỉ là từ bên trong, tức là do một công dân Mỹ cố tình lộ ra ngoài bởi các tài liệu nói trên không chia sẻ cho các bên khác ngoài Mỹ. Các nhà điều tra đang xem xét 4-5 giả thuyết như một nhân viên bất mãn, cho đến một mối đe dọa nội bộ muốn làm suy yếu lợi ích an ninh quốc gia Mỹ.

Một quan chức từ một thành viên liên minh tình báo Ngũ Nhãn (gồm Mỹ, Úc, Canada, New Zealand và Anh) bày tỏ lo ngại về thông tin chiến tranh Ukraine bị rò rỉ có thể gây bất lợi cho nước trên chiến trường. Một số tài liệu phơi bày những yếu điểm chính trong vũ khí, lực lượng phòng không, quân sự và sự sẵn sàng của Ukraine tại thời điểm quan trọng của cuộc chiến, khi các lực lượng Ukraine chuẩn bị tiến hành một cuộc phản công mới.

Cố vấn của chánh Văn phòng tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak khẳng định các thông tin về Ukraine trong tài liệu bị rò rỉ không xác thực, “không liên quan gì đến kế hoạch thực sự của Ukraine” và dựa trên “một lượng lớn thông tin không chính xác” do Nga phổ biến. Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chia sẻ với CNN rằng nước này đã buộc phải thay đổi một số kế hoạch sau khi các thông tin trên lộ ra ngoài.

Tài liệu bị rò rỉ có kèm một đoạn trò chuyện chi tiết giữa hai quan chức an ninh quốc gia cấp cao của Hàn Quốc về những lo ngại của Hội đồng An ninh quốc gia nước này đối với yêu cầu cung cấp đạn dược của Mỹ. Cụ thể, Hàn Quốc đã đồng ý bán đạn dược cho Mỹ nhằm giúp Washington bổ sung vào kho dự trữ, nhấn mạnh rằng “người dùng cuối” là quân đội Mỹ.

Tuy nhiên, nội bộ các quan chức Hàn Quốc lo lắng rằng Mỹ sẽ chuyển vũ khí ấy cho Ukraine. Điều này đồng nghĩa Hàn Quốc lo sẽ “gián tiếp” cung cấp vũ khí cho Ukraine. Điều này vi phạm chính sách của Hàn Quốc về việc không cung cấp viện trợ sát thương cho các quốc gia có chiến tranh. Văn phòng tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết sẽ thảo luận với phía Mỹ về vụ việc, đồng thời xem xét tiền lệ liên quan tới các nước khác để đưa ra phản ứng.•

Nga nói gì về vụ tài liệu tình báo Mỹ bị rò rỉ?

Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 9-4 cho biết vụ rò rỉ lượng lớn tài liệu tình báo mật của Mỹ vừa qua là một sự kiện “rất thú vị” và các cơ quan an ninh Nga đang nhanh chóng nghiên cứu, phân tích và thảo luận rộng rãi, theo hãng thông tấn TASS.

Ông Peskov cũng phủ nhận việc Nga đứng sau vụ rò rỉ này, cho rằng Mỹ có xu hướng đổ lỗi cho Moscow mỗi khi có vấn đề bất lợi xảy ra.

Phát ngôn viên điện Kremlin cũng cho biết không ngạc nhiên nếu Mỹ đang do thám Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Theo ông Peskov, “thực tế là Mỹ từ lâu đã nghe trộm liên lạc của nhiều nguyên thủ quốc gia, đặc biệt là tại các nước châu Âu, điều này từng nhiều lần bị tiết lộ và gây ra hàng loạt bê bối”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm