Tài sản bất minh phải thu hồi bằng tố tụng

Tuần qua, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức một hội thảo lớn về hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN). Nổi lên trong các trao đổi ở đây là vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, vốn được đánh giá là còn nhiều hạn chế sau 12 năm Luật PCTN vận hành.

Không giải trình được thì tài sản bị tịch thu

. Pháp Luật TP.HCM: Trong quá trình nghiên cứu sửa Luật PCTN, vấn đề kiểm soát, xử lý tài sản bất minh được đặt ra thế nào, thưa ông?

+ Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ phó Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ, Tổ phó tổ biên tập dự án Luật PCTN sửa đổi: Trong quá trình làm, chúng tôi có đặt ra vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng. Tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN đánh giá việc thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả thấp, cần có giải pháp. Vậy thì bên cạnh việc làm cho cơ chế kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập thực chất hơn thì phải tính tới cơ chế xử lý với tài sản kê khai không trung thực. Đây cũng là hướng phát triển của chính sách, cơ chế xử lý tài sản tham nhũng.

Tôi cho rằng trước hết phải thống nhất được hướng tiếp cận là thu hồi tài sản tham nhũng nói chung, trong đó có tài sản bất minh phải được thực hiện bằng quy trình tố tụng. Tức là phải tố tụng hóa nó chứ không nên dùng thủ tục, quy trình hành chính. Bởi quyền tài sản là quyền hiến định, được bảo hộ ở mức rất cao, do đó mọi ứng xử phải thông qua thủ tục tố tụng công khai, chặt chẽ.

Như vậy, vấn đề này tốt nhất phải được giải quyết khi bàn sửa BLTTHS, BLDS hoặc BLTTDS năm 2015.

. Vậy hồi sửa mấy luật đó, Thanh tra Chính phủ có kiến nghị cụ thể không?

+ Chúng tôi có kiến nghị. Như khi bàn sửa BLHS, chúng tôi kiến nghị nội luật hóa một nội dung của Công ước LHQ về chống tham nhũng (UNCAC) - trong trường hợp tài sản của người có nghĩa vụ kê khai tài sản mà tăng lên một cách đáng kể trong khoảng thời gian nhất định thì họ có nghĩa vụ giải trình nguồn gốc. Nếu không giải trình được thì tài sản đó bị tịch thu, ngoài ra có hình phạt đủ răn đe. Hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ lựa chọn giải pháp ấy để tội phạm hóa hành vi làm giàu bất chính.

Việc thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả thấp, cần có giải pháp. Ảnh minh họa: HTD

Các nước trình độ phát triển thấp rất khó chứng minh tội phạm

. Tại sao chỉ hơn 40 quốc gia? Còn các nước khác thì sao, nhất là những nước phát triển, văn minh?

+ Những quốc gia lựa chọn giải pháp này có đặc điểm chung là có hệ thống tư pháp chưa hiệu quả, hệ thống quản lý, kiểm soát tài sản chưa tốt, chi tiêu tiền mặt là phổ biến và khó kiểm soát chi tiêu. Còn ở các nước phát triển hơn thì người ta không cần đến giải pháp này do mức độ tham nhũng thấp. Khi đó, các nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền, của tố tụng hình sự là nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng được áp dụng chung cho cả tội phạm tham nhũng. Còn các nước trình độ phát triển thấp, quản lý tài sản, quản lý sở hữu kém, tham nhũng phức tạp mà lại áp dụng cứng nhắc nguyên tắc đó thì rất khó để chứng minh tội phạm, chứng minh tài sản là do tham nhũng mà có và do đó khó thu hồi tài sản bất minh.

Vậy nên, Trung Quốc, Ấn Độ đều lựa chọn giải pháp này để chống lại vấn nạn tham nhũng.

. Nội luật hóa UNCAC vào BLHS có vẻ mạnh mẽ, đột phá nhưng liệu có dễ được chấp thuận không?

+ Hồi đó chúng tôi đề xuất mấy phương án. Mạnh mẽ nhất là nội luật hóa như trên. Nhẹ hơn là hình sự hóa hành vi kê khai tài sản thiếu trung thực với cấu thành cơ bản là qua đó che giấu lượng tài sản lớn đáng kể. chẳng hạn định lượng cỡ 2-3 tỉ đồng, hoặc trước đó đã bị xử phạt hành chính… thì mới bị truy cứu.

Ngoài ra, chúng tôi đưa ra phương án rất “nhẹ” là dùng trình tự tố tụng dân sự. Kiểu như khi có biến động tăng thêm về tài sản, thu nhập và không giải trình được hoặc giải trình không hợp lý về nguồn gốc (của người có nghĩa vụ kê khai) thì cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập có quyền yêu cầu tòa án xem xét về tính hợp pháp của phần tài sản, thu nhập tăng thêm đó. người có biến động về tài sản, thu nhập phải đưa ra bằng chứng về quyền sở hữu hợp pháp của mình. trường hợp không đưa được thì sẽ sung công. Phương thức này sẽ tránh được những cản trở về mặt pháp lý theo pháp luật về tố tụng hình sự (nguyên tắc suy đoán vô tội và nghĩa vụ chứng minh thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng) nếu xử lý tài sản tham nhũng bằng con đường tố tụng hình sự. Ngoài ra, còn một cách khác là khi xảy ra vụ việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình gây thiệt hại cho Nhà nước thì cơ quan có thẩm quyền có thể khởi kiện ngay vụ án dân sự đòi bồi thường thiệt hại. Như vậy là không cần thiết phải đợi khởi tố vụ án hình sự, chứng minh tội phạm, xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và tài sản chiếm đoạt. Phương thức này hình thành dựa trên nguyên tắc bằng mọi giá, người có hành vi tham nhũng phải trả lại tất cả những gì mà họ đã chiếm đoạt của Nhà nước, của xã hội.

Luật của ta được thiết kế để phòng ngừa là chính

. Còn giải pháp trong tố tụng hình sự thì sao, thưa ông?

+ Chúng tôi đề xuất thiết kế một chương trong BLTTHS về thu hồi tài sản trong trường hợp người bị kết án chết, bỏ trốn.

Thực tiễn ở một số nước, nhất là Trung Quốc, tham nhũng chuyển sang biểu hiện mới là quan chức kiếm được một mớ là bỏ trốn ra nước ngoài. Ta thì vừa rồi đã xảy ra vụ Trịnh Xuân Thanh cùng một số trường hợp khả nghi khác trốn đi nước ngoài “chữa bệnh” rồi mất tăm. Theo thủ tục chung, nếu chưa bắt được thì cũng khó có thể khởi tố điều tra, khó có thể chứng minh tội phạm cũng như chứng minh tài sản tham nhũng. Trung Quốc năm 2014 đã bổ sung vào luật tố tụng chế định này, giúp tăng cường hiệu quả thu hồi tài sản bất minh…

. Các BLHS và hai luật tố tụng vừa rồi sửa đã không chấp nhận các đề xuất nêu trên. Vậy giờ có cách nào để xử lý bằng sửa Luật PCTN không?

+ Tôi cho là khó. Luật PCTN của ta được thiết kế để phòng ngừa là chính và bản thân nó không phải là luật thủ tục, luật tố tụng. Vậy nên, nếu xây dựng được nhận thức mới về tính cấp bách trong PCTN thì tốt nhất là chọn một trong ba giải pháp nêu trên, đưa luật liên quan ra sửa.

. Giả sử nhận thức thống nhất được về yêu cầu này và các giải pháp mà Thanh tra Chính phủ đề xuất được chấp thuận đưa vào luật thì liệu có thể phát huy hiệu quả ngay hay còn phải cần các điều kiện phụ trợ khác?

+ Phát huy hiệu quả đầy đủ hay hiệu quả cao thì còn cần các điều kiện đảm bảo khác nhưng tôi tin là nếu được ban hành thì sẽ tạo đột phá.

Đầu tiên là chính những đối tượng có nguy cơ tham nhũng cao sẽ phải thận trọng hơn về hành vi của mình. Mục đích của tham nhũng suy cho cùng là tài sản, mà tài sản khi không còn an toàn nữa thì động cơ tham nhũng sẽ giảm.

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm