Xung quanh thắc mắc "tại sao có dù mà chiến sĩ không nhảy để bảo toàn tính mạng", trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam khẳng định các chiến sĩ đã làm đúng kỹ thuật.
Theo trung tướng Tuấn, trước khi rơi, máy bay Mi 171 mới cất cánh được ít phút và đang trong quá trình vòng lượn để lấy độ cao. Do độ cao chưa đủ nên các chiến sĩ không thể bật dù để thoát hiểm.
"Chưa đủ độ cao thì không nhảy dù được. Không phải cứ có dù thích nhảy lúc nào cũng được", Trung tướng Tuấn lý giải.
"Phải đạt độ cao nhất định mới nhảy được dù", Trung tướng Võ Văn Tuấn nói. Ảnh chiếc Mi 171 số hiệu 01 trong một lần diễn tập cứu nạn:Nguyễn Hưng. |
Chia sẻ với những mất mát của gia đình các chiến sĩ bị thương nặng đang điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Viện Bỏng quốc gia thành lập Hội đồng, mời các bác sĩ giỏi nhất đến hội chẩn và đưa ra phác đồ điều trị. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tối đa và tìm phương pháp hiệu quả, kể cả phải tốn kém nhất để cứu sống sinh mạng các chiến sĩ.
Theo đó, sáng9/7, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Viện Bỏng Quốc gia đã tham gia hội chẩn. Ba chiến sĩ còn lại đang được cấp cứu tại Viện Bỏng Quốc gia gồm Đinh Văn Dương, Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Hoàng Anh.
Tình trạng của cả ba đều rất nguy kịch do bị bỏng quá nặng (trên 50%) và vẫn đang hôn mê.
Như đã đưa tin, sáng 7/7, trong quá trình huấn luyện nhảy dù, chiếc trực thăng Mi 171 của Trung đoàn 916 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không Không quân) đã gặp nạn. Trên trực thăng có 21 cán bộ, học viên (trong đó có 3 người thuộc thành phần tổ bay và 18 cán bộ, học viên tham gia huấn luyện nhảy dù).
Vụ tai nạn đã làm 18 chiến sĩ hy sinh và 3 chiến sĩ bị thương. Những người bị thương được đưa về cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 105 và sau đó được chuyển về Viện bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y) cứu chữa.
Theo Nguyễn Vũ (Zing)