Trực thăng rơi ở Hà Nội: 18 chiến sĩ hy sinh

Đến sáng 8/7, hai trong số 5 chiến sĩ cấp cứu tại Viện bỏng Quốc gia đã không qua khỏi do tình trạng quá nặng, nâng số người thiệt mạng sau vụ rơi máy bay tại Hòa Lạc (Hà Nội) lên 18.

Những nạn nhân còn lại tiếp tục được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng nặng, hôn mê, đa chấn thương, bỏng 50-70%.

Đại tá Nguyễn Gia Tiến, Giám đốc Viện bỏng Quốc gia cho biết trên Vnexpress, 5 nạn nhân được đưa vào viện lúc 11h ngày 7/7. Viện phối hợp cùng Bệnh viện Quân Y 103 huy động tối đa lực lượng, trang thiết bị cứu chữa. Tuy nhiên, do tình trạng chấn thương của các nạn nhân đều rất nặng nên hơn 18h cùng ngày, một người đã không qua khỏi. Rạng sáng 8/7, thêm một nạn nhân nữa tử vong. 

Tai nạn do cháy động cơ

Trước đó, 15 giờ chiều 7-7, UBQG TKCN đã có thông tin chính thức ban đầu về vụ tai nạn máy bay tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất (Hà Nội).

Cụ thể, lúc 7 giờ 53 phút cùng ngày, trong khi đang bay huấn luyện thả dù tại khu vực sân bay Hòa Lạc (Hà Nội), máy bay trực thăng Mi-171 số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân 916 - Sư đoàn Không quân 371 đã bị cháy động cơ, rơi tại thôn 11, xã Thạch Hòa, Thạch Thất, Hà Nội.

Sau khi bị rơi, máy bay đã cháy dữ dội. Lực lượng chức năng cùng một số người dân gần đó nhanh chóng có mặt để dập lửa và đưa nạn nhân ra khỏi vùng tai nạn. Vụ cháy được dập tắt lúc 8 giờ 20 cùng ngày.

Hiện trường nơi máy bay Mi-171 rơi tại xã Thạch Hòa, Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Có 16 người bị chết tại chỗ và năm người bị thương. Các nạn nhân được đưa về Viện Quân y 105 để cấp cứu và giải quyết hậu quả. Nguyên nhân vụ rơi máy bay đang được tiếp tục điều tra làm rõ.

Vụ tai nạn không gây thiệt hại về nhân mạng đối với người dân tại khu vực máy bay rơi. 

Theo ông Lê Văn Thắng, một người dân có mặt tại hiện trường tham gia cứu giúp đưa các nạn nhân ra khỏi nơi bị nạn, cho biết chiếc máy bay đã bị nát hoàn toàn, chỉ còn lại phần đuôi. Các thi thể nạn nhân đều bị cháy đen, không thể nhận dạng được. Các nạn nhân còn sống được đưa đến Viện Quân y 105 để cấp cứu. Theo đó, có năm người bị bỏng cấp độ 3, 4 được chuyển về Viện Bỏng Quốc gia.

Những người trong chuyến bay gồm 10 chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Đặc công 18 (Bộ Tư lệnh Thủ đô), sáu học viên Phòng không - Không quân, hai giáo viên và ba thành viên tổ lái.

Nỗ lực cuối cùng của phi công

Theo UBQG TKCN, những nhân chứng chứng kiến máy bay rơi cho biết: Khi người dân nhìn thấy máy bay cháy trên không ở ngay trên khu dân cư đông người, dường như phi công đã cố điều khiển máy bay ra khu đất trống để máy bay không rơi vào khu nhà dân.

Người dân đã đánh giá rất cao hành động dũng cảm của người lính phi công khi trong thời khắc đối mặt với cái chết anh vẫn nghĩ đến dân, vẫn bình tĩnh điều khiển máy bay tránh được thương vong lớn cho người dân.

Cũng theo UBQG TKCN, ngay khi vụ việc xảy ra, Bộ Tổng tham mưu đã cử Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu cùng Tư lệnh - Chính ủy quân chủng Phòng không - Không quân và tổ công tác của Cục Cứu hộ Cứu nạn và một số cơ quan có liên quan đến hiện trường trực tiếp chỉ huy công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả.

Lực lượng, phương tiện tham gia tại hiện trường gồm Tiểu đoàn Công binh 93 Bộ Tư lệnh Công binh, lực lượng chữa cháy của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, lực lượng Phòng không - Không quân, Viện Quân y 105. Hiện các lực lượng đang tập trung khắc phục hậu quả của vụ tai nạn.

Cũng trong sáng 7-7, tại BV Quân y 105, Thượng tướng Lê Hữu Đức - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Trung tướng Mai Quang Phấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã kiểm tra tình hình thực tế và chỉ đạo các đơn vị khẩn trương khắc phục hậu quả. Tướng Đức yêu cầu các đơn vị huy động mọi nguồn lực tập trung cứu chữa các chiến sĩ bị thương. Đối với các trường hợp đã hy sinh, nhanh chóng giám định ADN để xác định danh tính trong thời gian sớm nhất, tiếp đó tổ chức truy điệu và an táng trọng thể.

Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết cơ quan chức năng đã tìm thấy hộp đen của chiếc trực thăng Mi-171 bị rơi. Cơ quan chức năng đang phân tích nguyên nhân tai nạn dựa trên hộp đen này.

NGUYỄN DÂN - TRỌNG PHÚ - HUY HÀ

Chủ tịch nước yêu cầu tận tâm cứu chữa

TTXVN cho biết chiều 7-7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến Viện Bỏng Quốc gia thăm các chiến sĩ bị thương nặng trong vụ máy bay trực thăng Mi-171 rơi tại Thạch Thất, Hà Nội.

Chủ tịch nước đã gặp gỡ các bác sĩ, nhân viên, y tá Viện Bỏng Quốc gia đang trực tiếp cấp cứu cho các chiến sĩ, nghe đội ngũ bác sĩ hội chẩn báo cáo về tình trạng sức khỏe hiện tại của các bệnh nhân. Chủ tịch nước dặn dò đội ngũ y, bác sĩ của viện làm hết sức mình, tập trung mọi phương tiện, trang thiết bị y tế để cứu chữa cho các chiến sĩ bị nạn. Hiện nay, các bệnh nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, đa chấn thương do va đập mạnh, đặc biệt các chiến sĩ đều bị bỏng nặng 50%-70%, suy hô hấp.

Vài nét về Mi-171

Máy bay Mi-171 là loại máy bay trực thăng do Nga sản xuất, đây là loại máy bay vận tải với hai động cơ cỡ trung, có tầm hoạt động hiệu quả 465 km. Mi-171 có thể lắp thêm vũ khí trang bị để trở thành trực thăng vũ trang hạng nặng. Vì vậy, Mi-171 còn được gọi là máy bay đa nhiệm vụ, vừa có thể sử dụng trong các hoạt động vận tải, cứu nạn, tìm kiếm vừa có thể sử dụng trong các hoạt động quân sự.

Trực thăng rơi ở Hà Nội: 18 chiến sĩ hy sinh ảnh 2

Một chiếc Mi-171. Ảnh tư liệu

Mi-171 có chiều dài 18,65 m, cao 4,75 m, tốc độ tối đa là 250 km/giờ, có tải trọng tối đa là 4.000 kg và 26 ghế (chưa tính ba ghế phi hành đoàn). Tại Việt Nam, hiện Trung đoàn Trực thăng Hòa Lạc, Công ty Bay trực thăng Gia Lâm, Trung đoàn 917 còn sử dụng máy bay này trong huấn luyện, chuyên cơ, bay nhiệm vụ và TKCN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm