Mới đây một số trang mạng xã hội lại xôn xao với hình ảnh chỗ đậu ô tô dành cho người khuyết tật tại các Trung tâm thương mại hoặc các hầm để xe.
Nhiều người cho rằng người khuyết tật không được lái xe vậy tại sao các địa điểm này lại vẽ hình chỗ đậu xe cho người khuyết tật.
Vấn đề pháp lý được đặt ra ở đây là người khuyết tật có được lái xe hay không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Văn bản hợp nhất số 19/VBHN-BGTVT (quy định về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe) có quy định phân hạng giấy phép lái xe như sau:
Hạng A1 cấp cho: Người lái xe để điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3; Người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật.
Hạng B1 số tự động cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây: Ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe; Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg; Ô tô dùng cho người khuyết tật.
Như vậy, người khuyết tật cũng được cấp giấy phép lái xe hạng A1, hạng B1 số tự động nếu đáp ứng đủ điều kiện theo luật định.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM cũng cho biết, theo quy định tại Khoản 2, Điều 60 luật Giao thông đường bộ, người lái xe phải có sức khoẻ phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Cơ quan có thẩm quyền quy định về tiêu chuẩn sức khoẻ đối với người lái xe.
Hiện hành, Văn bản hợp nhất số 19/VBHN-BGTVT của Bộ GTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ quy định, người khuyết tật đáp ứng đủ điều kiện sức khỏe vẫn được đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô hạng B1 số tự động.
“Người học phải có đủ điều kiện, hồ sơ theo quy định, phải đăng ký học tại cơ sở đào tạo được phép đào tạo, phải học đủ thời gian, nội dung chương trình đào tạo theo quy định, được tự học các môn lý thuyết nhưng phải được kiểm tra, cấp chứng chỉ đào tạo; cơ sở đào tạo sử dụng xe hạng B1 số tự động có đủ điều kiện của cơ sở đào tạo làm xe tập lái”- Luật sư Tuấn cho hay.
Theo Luật sư Tuấn, Nhà nước tạo điều kiện cho công dân học và thi bằng lái xe, nhưng phải đáp ứng điều kiện sức khoẻ theo quy định. Trường hợp người lái xe khi chưa học, thi bằng lái là vô cùng nguy hiểm, tùy vào tính chất và mức độ, người gây tai nạn giao thông có thể bị xử phạt theo Nghị định 100/2019 (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021) với mức phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Quy định về đào tạo lái xe với người khuyết tật
Căn cứ theo Điều 43 Văn bản hợp nhất số 19/VBHN quy định về đào tạo lái xe với người khuyết tật như sau:
Đào tạo đối với người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật để cấp giấy phép lái xe hạng A1
Người học phải có đủ điều kiện, hồ sơ theo quy định tại Điều 7, Điều 9 Văn bản hợp nhất số 19/VBHN, phải đăng ký học tại cơ sở đào tạo được phép đào tạo, được tự học lý thuyết và thực hành; trường hợp có nhu cầu học tập trung đăng ký với cơ sở đào tạo để được học theo nội dung, chương trình quy định;
Xe dùng để dạy lái: Là xe mô tô ba bánh của người khuyết tật đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký, biển số.
Đào tạo để cấp giấy phép lái xe hạng B1 số tự động cho người khuyết tật bàn chân phải hoặc bàn tay phải hoặc bàn tay trái:
Người học phải có đủ điều kiện, hồ sơ theo quy định tại Điều 7, Điều 9 Văn bản hợp nhất số 19/VBHN, phải đăng ký học tại cơ sở đào tạo được phép đào tạo, phải học đủ thời gian, nội dung chương trình đào tạo theo quy định, được tự học các môn lý thuyết, nhưng phải được kiểm tra, cấp chứng chỉ đào tạo, được thay nội dung học lái xe trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông bằng nội dung học trên xe tập lái;
Xe dùng để dạy lái: Là xe ô tô hạng B1 số tự động của người khuyết tật hoặc cơ sở đào tạo; xe phải có kết cấu phù hợp để các tay và chân còn lại của người khuyết tật vừa giữ được vô lăng lái, vừa dễ dàng điều khiển cần gạt tín hiệu báo rẽ, đèn chiếu sáng, cần gạt mưa, cần số, cần phanh tay, bàn đạp phanh chân, bàn đạp ga trong mọi tình huống khi lái xe theo đúng chức năng thiết kế của nhà sản xuất ô tô, được Cục Đăng kiểm Việt Nam xác nhận hệ thống điều khiển của xe phù hợp để người khuyết tật lái xe an toàn và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái.
Đào tạo để cấp giấy phép lái xe hạng B1 số tự động cho người khuyết tật trừ người khuyết tật bàn chân phải hoặc bàn tay phải hoặc bàn tay trái:
Người học phải có đủ điều kiện, hồ sơ theo quy định tại Điều 7, Điều 9 Văn bản hợp nhất số 19/VBHN, phải đăng ký học tại cơ sở đào tạo được phép đào tạo, phải học đủ thời gian, nội dung chương trình đào tạo theo quy định, được tự học các môn lý thuyết, nhưng phải được kiểm tra, cấp chứng chỉ đào tạo;
Xe dùng để dạy lái: Xe ô tô tập lái hạng B1 số tự động của cơ sở đào tạo.