Tại sao Việt Nam phải cần đến 6 hãng hàng không?

Hiện nay, Việt Nam có năm hãng hàng không đang hoạt động và hãng thứ sáu đang chuẩn bị lăn bánh ra đường băng. Sự chen chúc của các hãng bay do sự tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu.

Cơ quan Hàng không dân dụng của Việt Nam ước tính lưu lượng hành khách hàng không sẽ đạt mức 131 triệu lượt vào năm 2020, tăng 16% so với năm 2019 và 2018.

Ông Mike Lynch, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán SSI, đánh giá ghế trên máy bay lấp đầy, đặc biệt tuyến bay Hà Nội - TP.HCM luôn kín lịch bay và cứ mỗi hãng hàng không ra đời, khách hàng lại kéo đến ùn ùn.

Theo hãng tư vấn Dezan Shira & Associates, hàng không đang bùng nổ ở khắp châu Á do tăng trưởng kinh tế nhưng lượng hành khách của Việt Nam tăng trưởng gấp đôi phần còn lại của châu Á. Năm 2017, Việt Nam vận chuyển 94 triệu lượt hành khách bằng máy bay, trong đó khách quốc tế chiếm 13 triệu lượt, tăng 16% so với năm 2016.

Hỗ trợ cho sự tăng trưởng này không chỉ đến từ dịch chuyển của người Việt tiếp cận với phương tiện vận chuyển nhanh và tiện lợi do thu nhập tăng lên mà còn xuất phát từ đầu tư nước ngoài kéo đến đất nước này tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Khách hàng, đối tác, nhân viên và nhà cung cấp đã lấp đầy chỗ trên các chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam.

Động lực không nhỏ khác kéo hàng không Việt Nam cất cánh đến từ du lịch. Khách du lịch Việt Nam đi thăm các nước Đông Nam Á và ngược lại. Năm 2018, Việt Nam đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng khoảng 20% so với năm 2017.

Ông Rajiv Biswas, kinh tế trưởng của Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit, cho biết sự kết hợp giữa du lịch và kinh doanh đã khiến Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho ngành hàng không. Hành khách Việt Nam có nhiều động lực để đi máy bay do các hãng hàng không đang hạ giá vé và tung các chương trình khuyến mãi nhằm cạnh tranh với nhau.

Ngoài ra, ông Rajiv Biswas nhấn mạnh tầng lớp trung lưu tăng không ngừng đã góp phần thổi bùng sự bùng nổ hãng hàng không Việt Nam. Điều này có thể thấy rất rõ qua việc Tập đoàn tư vấn Boston dự báo đến năm 2030, 16% dân số Việt Nam sẽ trở nên giàu có, tăng mạnh so với con số 5% vào năm 2018.

Tuy nhiên, Việt Nam sẽ nhận lấy sự đánh đổi hạ tầng hàng không bắt đầu quá tải; các sân bay bị ùn tắc; máy bay phải bay vòng, chờ rất lâu để có đường băng cất hạ cánh và cả chỗ trả khách; hành khách thường phải chờ rất lâu mới thấy chiếc máy bay của mình cất cánh.

“Sẽ đến lúc các hãng bay phải đối diện với tình trạng tăng trưởng hành khách chậm lại. Viễn cảnh này chắc chắn sẽ dẫn tới một số điều chỉnh nhất định" - ông Brendan Sobie, chuyên gia phân tích hàng không tại Trung tâm Hàng không châu Á - Thái Bình Dương (CAPA), nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm