Tài xế gây tai nạn 4 người chết ở Đồng Nai sẽ phải đối mặt với mức phạt ra sao?

(PLO)- Vụ tai nạn ô tô 4 người chết ở Đồng Nai đang được nhiều người quan tâm. 

Ngày 30-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Công điện về khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại tỉnh Đồng Nai.

Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Đồng Nai và Công an các đơn vị có liên quan khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.

Theo báo cáo nhanh của Ủy ban ATGT Quốc gia, rạng sáng cùng ngày trên quốc lộ 20 tại thuộc địa phận xã Phú Vinh, huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng giữa xe ô tô khách giường nằm nhà xe Thành Bưởi mang biển kiểm soát 50F-004.83 và xe ô tô khách 16 chỗ ngồi 86B-015.75 làm 4 người tử vong và nhiều người bị thương.

Vấn đề pháp lý đang được nhiều người quan tâm ở đây là tài xế gây tai nạn phải đối mặt với mức phạt ra sao.

tai-nan-o-to-dong-nai
Vụ tai nạn khiến 4 người tử vong. Ảnh: PLO

Trao đổi nhanh với PLO, luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: Đối với xe lưu thông, mà vượt ẩu thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật theo quy định tại Điểm a Khoản 7 và Điểm c Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019. Cụ thể, người điều khiển xe ô tô vượt xe gây tai nạn cho người đi xe máy sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.

“Tuy nhiên gây tai nạn chết người thì đây được xem là trường hợp đặc biệt nghiêm trọng”- LS Tuấn cho hay.

Theo LS Tuấn, văn bản hợp nhất số 01/VBHN-VPCP về Bộ luật Hình sự quy định như sau:

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 2 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng t lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 3 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

“Vượt xe gây tai nạn chết người còn phải bồi thường cho người bị tai nạn. Căn cứ theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, người gây tai nạn sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự, tức phải bồi thường cho người bị tai nạn theo Bộ luật Dân sự 2015”- LS Tuấn nói thêm.

Cũng theo vị LS này, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.

“Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”- LS Tuấn dẫn điều luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm