Trong phiên xử bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (tài xế xe Mercedes gây tai nại khiến người lái xe ôm tử vong và nữ tiếp viên hàng không bị thương tật 79%) có tình tiết đáng chú ý: bị cáo công chứng ký bán căn hộ chung cư cho mẹ ruột trong thời gian bị tạm giam. Các luật sư bảo vệ cho bị hại đề nghị HĐXX xem xét, xử lý vì hành vi này có dấu hiệu tẩu tán tài sản để né bồi thường dân sự.
Phải bồi thường gần 1,5 tỉ nhưng không có tài sản
Tuy nhiên, trong phần tuyên án, TAND quận Phú Nhuận, TP.HCM cho rằng người liên quan đến việc này có thể kiện và đề nghị kê biên tài sản bằng một vụ án dân sự. Về mức án thì tòa tuyên phạt Phong bảy năm sáu tháng tù về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Về phần dân sự, HĐXX ghi nhận sự tự nguyện của bị cáo Phong chấp nhận bồi thường cho hai người bị hại tổng cộng 1,477 tỉ đồng.
Tuy nhiên, phần xét hỏi bị cáo cho biết tài sản chỉ có một căn hộ chung cư mua chung với mẹ và trong thời gian chờ tòa xử đã ký công chứng bán cho người mẹ nên giờ không còn tài sản nào khác để bồi thường cho bị hại.
Phong khai thời điểm ký giấy chuyển nhượng, bị cáo đang bị tạm giam, có một người ở phòng công chứng và cán bộ công an đến, mang giấy tờ yêu cầu Phong ký. Bị cáo ký nhưng không biết giấy tờ đó có nội dung gì.
Trả lời tòa, bà Trần Hoàng Họa Mi (mẹ ruột bị cáo Phong) trình bày khi nghe đến khoản tiền bồi thường quá lớn, bà nghĩ sẽ mang căn nhà đi thế chấp ngân hàng lấy tiền bồi thường. Tuy nhiên, vì căn nhà chưa có sổ đỏ, không ngân hàng nào chấp nhận nên bà sang tên nhà cho người khác (?!).
Để có thông tin rõ hơn về tình tiết này, Pháp Luật TP.HCM tường thuật lại sự việc qua tài liệu thu thập được.
Chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ
Theo hồ sơ, ngày 18-6, bà Trần Hoàng Họa Mi (mẹ bị cáo Phong) có đơn gửi Cơ quan CSĐT Công an quận Phú Nhuận với nội dung xin gặp người bị tạm giam (tức Phong - PV).
Trong đơn, bà Mi trình bày bị cáo Phong là bên nhận chuyển nhượng hợp đồng đối với căn hộ A14-9 tại dự án căn hộ Dream Home (148/21 đường số 59, phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM) theo hợp đồng mua bán ngày 18-5-2015, có công chứng và xác nhận của chủ đầu tư.
Bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong tại tòa. Ảnh: HOÀNG GIANG
Hiện bà Mi và bị cáo Phong có nhu cầu công chứng văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ trên để chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ sang cho bà Mi. “Vì vậy, tôi làm đơn này kính xin Cơ quan CSĐT Công an quận Phú Nhuận cho phép tôi và người đại diện Văn phòng công chứng (VPCC) Đồng Thị Hạnh, TP.HCM được gặp Phong để thực hiện các thủ tục công chứng theo quy định của pháp luật” - đơn nêu rõ.
Sau đó, ngày 22-6, văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ giữa bà Mi và bị cáo Phong đã được VPCC Đồng Thị Hạnh (đường Ngô Gia Tự, quận 10) công chứng.
Nội dung hợp đồng thể hiện căn hộ có diện tích tim tường 61,7 m2, thông thủy là 59,6 m2. Giá bán căn hộ theo hợp đồng là 970.540.000 đồng, không gồm thuế VAT, kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của khu căn hộ, các khoản lệ phí trước bạ, phí và lệ phí cấp giấy chứng nhận. Số tiền bị cáo Phong đã thanh toán cho chủ đầu tư là 1.053.316.053 đồng (tương đương 97% tổng giá trị hợp đồng).
Các hồ sơ kèm theo gồm: Hợp đồng mua bán số 53-05/2015 ngày 18-5-2015 và các phụ lục; văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại có công chứng và có xác nhận của chủ đầu tư ngày 6-4-2018; các biên lai nộp tiền. Ngoài ra còn có giấy xác nhận ngày 10-6-2020 của chủ đầu tư về việc chưa nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đối với căn hộ và đồng ý cho Phong được chuyển nhượng căn hộ.
Giá trị chuyển nhượng hợp đồng giữa phong và mẹ là 1.053.316.053 đồng (đã bao gồm khoản tiền mà bị cáo Phong đã thanh toán cho chủ đầu tư). Bà Mi trả tiền này cho Phong ngay sau khi văn bản chuyển nhượng được công chứng viên chứng nhận. Ngoài ra, văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ còn quy định về việc nộp thuế, phí và lệ phí cùng quyền và nghĩa vụ cũng như phần cam kết của hai bên…
Cuối cùng văn bản này được công chứng viên Vpcc Đồng Thị Hạnh chứng nhận và có số công chứng.
Đi tù còn có ngày về, chúng tôi thì…
Ngày 17-12, chúng tôi tìm đến gặp chị Lê Thường Vân, con ruột và là đại diện hợp pháp của nạn nhân Lê Mạnh Thường (người lái xe ôm công nghệ đã mất sau tai nạn).
Chị Vân vẫn chưa hết xúc động sau phiên xử sơ thẩm ngày 16-12. Chị kể ông Thường vẫn dậy từ 4 giờ sáng tập thể dục, ăn sáng rồi chạy xe đến trưa về ăn cơm, nghỉ trưa rồi tiếp tục công việc buổi chiều. Thế rồi buổi sáng sớm hôm xảy ra tai nạn, ông đi chạy xe như mọi ngày nhưng vĩnh viễn không quay về.
Theo chị Vân, không tổn thương nào bằng tuổi già không người kề bên bầu bạn. Cha mất, tâm trạng mẹ chị cũng bất ổn từ đó. Bệnh tật, tiểu đường, huyết áp, tim mạch được dịp bùng phát nên bà phải về ở cùng gia đình chị để tiện chăm sóc. Với chị, từ ngày đó, mỗi khi nhìn bàn ăn trống một chỗ ngồi, bưng chén cơm mà sống mũi cay cay. Hình ảnh sinh hoạt thường ngày của cha cứ hiện ra trong nước mắt…
Chị Lê Tường Vân (bìa trái), con ruột của nạn nhân đã chết Lê Mạnh Thường, tại tòa. Ảnh: HOÀNG GIANG
Chị Vân bảo nỗi đau của gia đình chị cũng như nỗi đau của em Hường (nữ tiếp viên hàng không - PV) vì thương tật suốt cuộc đời, không tiền bạc nào bù đắp được. Tuy nhiên, mẹ bị cáo Phong mỗi lần được cho là thăm hỏi chúng tôi thì lại liên tục kêu than, kể hoàn cảnh mình. Như vậy có được gọi là thiện chí không! Thái độ khắc phục những tổn thất mới quan trọng, mới khiến người ta cảm thông!
Chị Vân nghẹn ngào: “Người mẹ thương con là việc hết sức bình thường, có những cái sai không thể sửa được. Tuy nhiên, bà Mi thương con mình thì cũng nghĩ đến con của người khác xem sao. Con bà có chấp hành án tột khung thì cũng có ngày quay về tiếp tục lo cho gia đình. Còn chúng tôi, người thì mất mạng, người còn mạng thì thành tàn phế...”.
Theo chị Vân, việc bị cáo nhanh chóng sang tên tài sản khi án đang điều tra là bất thường nên chị có muốn nghĩ ngay thẳng cũng khó! “Chúng tôi sẽ kháng cáo yêu cầu Phong bồi thường một lần, hoặc buộc công ty cho thuê xe và chủ xe chịu chung trách nhiệm” - chị Vân nói.PHƯƠNG LOAN