Tạm đình chỉ điều tra vụ 'con dâu khai tử cha mẹ chồng' có đúng luật?

Liên quan đến vụ việc con dâu khai tử cha mẹ chồng để hưởng trọn thừa kế, ngày 15-10, Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đã có thông báo về việc tạm đình chỉ điều tra vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng gửi đến vợ chồng cụ Đỗ Văn Hợp (cùng 89 tuổi, ở quận Tây Hồ; bị hại của vụ án).

Tạm đình chỉ án hình sự vì chưa xác định được hậu quả

Theo thông báo này, Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ cho biết việc tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự là vì vụ án dân sự đòi đất cho ở nhờ giữa nguyên đơn là vợ chồng ông N, bị đơn là bà V (con dâu của vợ chồng cụ Hợp) chưa được xét xử nên chưa xác định được hậu quả cụ thể.

Vợ chồng cụ Hợp cùng người thân và luật sư tại phiên tòa dân sự mà TAND
TP Hà Nội thụ lý ngày 21-4-2017.  Ảnh: VIỆT HOÀNG

Trước đó, ngày 14-7, Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ đã khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng để điều tra, xem xét xử lý các cá nhân có liên quan. Việc ra quyết định khởi tố được thực hiện sau khi Công an quận Tây Hồ xác minh đơn tố cáo của vợ chồng cụ Hợp về việc một số cán bộ UBND phường Nhật Tân và cán bộ văn phòng công chứng câu kết làm giả hồ sơ nhằm khai tử hai cụ khi họ còn sống.

Như đã thông tin, sau khi chồng qua đời, bà V khai tử cha mẹ chồng để hoàn tất thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mình. Sau đó, bà chuyển nhượng toàn bộ thửa đất cho người khác. Một thời gian sau, khi người mua đến nhận nhà, vợ chồng cụ Hợp cùng người thân ngăn cản vì việc mua bán chưa có sự đồng ý của vợ chồng cụ.

Đầu năm 2017, người mua kiện ra tòa. Ngày 21-4-2017, TAND TP Hà Nội thụ lý vụ án tranh chấp đòi nhà cho ở nhờ, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong vụ án này, vợ chồng cụ Hợp được tòa xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Mới đây nhất, ngày 2-11, vợ chồng cụ Hợp đã gửi đơn đề nghị tòa sớm đưa vụ án dân sự ra xét xử để hủy bỏ thông báo về việc khai nhận di sản với nội dung hai cụ đã mất, đồng thời hủy bỏ các hợp đồng mua bán nhà và hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà ở và quyền sử dụng đất.

 

Việc tạm đình chỉ vụ án hình sự là chưa phù hợp

Khoản 1 Điều 229 BLTTHS quy định CQĐT ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi thuộc một trong ba trường hợp: Chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án…; có kết luận giám định tư pháp xác định bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo; khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu tương trợ tư pháp chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn điều tra.

Theo thông báo mà CQĐT gửi vợ chồng cụ Hợp thì tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự là để chờ kết quả giải quyết vụ án dân sự. Lý do tạm đình chỉ này không thuộc trường hợp nào trong ba trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 229 BLTTHS.

Luật sư PHẠM MINH HÙNGĐoàn Luật sư TP.HCM

Tạm đình chỉ án hình sự để chờ kết quả án dân sự có đúng luật?

Ông Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, cho rằng việc tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự để “chờ kết quả xét xử vụ án dân sự, xác định hậu quả cụ thể” là có căn cứ, đúng pháp luật tố tụng hình sự.

Ông Long phân tích: Vợ chồng cụ Hợp tố cáo một số người thuộc UBND phường Nhật Tân và văn phòng công chứng làm giả hồ sơ khai tử hai cụ dù họ còn sống. Xét thấy có dấu hiệu tội phạm, Công an quận Tây Hồ đã khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đối với tội danh này, cơ quan điều tra (CQĐT) phải chứng minh “hậu quả nghiêm trọng” do hành vi thiếu trách nhiệm là gì. Theo quy định, đó có thể là thiệt hại về tài sản; về tính mạng, sức khỏe… Đến nay, CQĐT chưa chứng minh được hậu quả của vụ án này và còn tùy thuộc rất lớn vào kết quả của vụ án dân sự mà tòa đang giải quyết.

Đồng quan điểm, luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng vụ án hình sự sẽ không thể giải quyết khi không xác định được giá trị thiệt hại, tức việc định giá tài sản trong vụ án là chưa thể hoặc chưa có kết quả định giá.

Vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng này không có các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe; chỉ có yếu tố “gây thiệt hại về tài sản” để làm căn cứ khởi tố vụ án. Tuy nhiên, hiện CQĐT chưa xác định được giá trị của căn nhà, giá trị phần tài sản mà vợ chồng cụ Hợp được hưởng nên chưa thể xác định được mức độ thiệt hại.

Trong vụ kiện dân sự trước đó, những người thuộc hàng thừa kế của chồng bị đơn đã được tòa đưa vào tham gia tố tụng. Như vậy, ngoài quan hệ mua bán thì tòa sẽ xem xét cả quan hệ thừa kế. Sau khi tòa xác định phần thừa kế của những người liên quan đến di sản thì mới xác định được giá trị thiệt hại để có căn cứ xử lý hình sự những người làm sai.

“Việc CQĐT tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự là phù hợp thực tế khách quan cũng như xét ở góc độ khoa học pháp lý” - luật sư Hoan nhận định.

   

Cần tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

Việc CQĐT chờ kết quả giải quyết vụ án dân sự để xác định hậu quả thiệt hại khác với các trường hợp được tạm đình chỉ điều tra theo các điểm a, b, c khoản 1 Điều 229 BLTTHS.

Việc giải quyết vụ án hình sự trong trường hợp này là sự kiện pháp lý có trước (là nguyên nhân của vụ án dân sự kiện đòi nhà cho ở nhờ và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) nên cần được giải quyết đúng thời hạn và độc lập với thủ tục giải quyết vụ án dân sự.

Trong trường hợp này, nếu cần thiết thì nên tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo điểm d khoản 1 Điều 214 BLTTDS 2015 để giải quyết vụ án hình sự.

Quy định về chứng cứ và thủ tục chứng minh trong vụ án hình sự có phần nghiêm ngặt hơn vụ án dân sự. Vì vậy, giả sử có kết quả giải quyết vụ án dân sự để xác định thiệt hại thì cũng không thể dùng kết quả đó để áp dụng vào vụ án hình sự, mà phải thông qua hoạt động thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ theo thủ tục tố tụng hình sự.

Mặt khác, thời gian giải quyết vụ án dân sự có thể bị kéo dài, bị hoãn nhiều lần hoặc xét xử qua nhiều cấp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thời hạn, thời hiệu giải quyết vụ án hình sự.

TS LÊ NGUYÊN THANH, giảng viên Khoa luật hình sự
Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới