Con dâu ‘khai tử’ cha mẹ chồng để hưởng thừa kế có bị xử lý?

Như PLO đã đưa tin, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) mới đây đã ra quyết định khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan đến vụ con dâu "khai tử" cha mẹ chồng để hưởng thừa kế.

Trước đó, vợ chồng cụ Đỗ Văn Hợp và Nguyễn Thị An (cùng 89 tuổi, trú quận Tây Hồ) đã có đơn tố cáo một số nguyên cán bộ UBND phường Nhật Tân và cán bộ văn phòng công chứng câu kết làm giả hồ sơ "khai tử" hai cụ khi còn sống.

Theo cụ Hợp, việc này nhằm mục đích giúp cho bà VTV (con dâu) chiếm đoạt tài sản nhà, đất là di sản thừa kế do con trai cụ Hợp để lại.

Qua kết quả xác minh từ đơn tố cáo, Công an quận Tây Hồ khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Vậy, cá nhân, tổ chức nào có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh trên và người con dâu có hành vi "khai tử" cha mẹ chồng khi còn sống có bị xử lý?

Trao đổi với PLO, Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận định vợ chồng cụ Hợp vẫn còn sống nhưng người con dâu lại xuất trình các loại giấy tờ khai tử là hành vi làm giả, giả mạo giấy tờ.

Trường hợp cán bộ của UBND cấp xã cấp giấy chứng tử hoặc công chứng viên giúp bà V. thực hiện các thủ tục trên đều là trái pháp luật và cả đạo đức xã hội.

Nếu những người này biết sai mà vẫn làm thì đó là hành vi cố ý, còn do thiếu kiểm tra, thiếu trách nhiệm nên vẫn thực hiện các công việc để bà V. trót lọt khai nhận di sản thừa kế thì hành vi này có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Chủ thể của tội này là người có chức vụ, quyền hạn. Như vậy, Công an quận Tây Hồ khởi tố tội danh trên thì sẽ liên quan đến những người có chức vụ, quyền hạn như cán bộ cấp xã, công chứng viên trong vụ việc này.  Thậm chí là cả các cán bộ, nhân viên của cơ quan thuế, cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà V. nếu những người này biết hoặc buộc phải biết hành vi của bà V. là trái pháp luật.

Cũng theo LS Hoan, mục đích cuối cùng của bà V trong vụ việc này là chiếm đoạt phần tài sản mà đáng lẽ cha mẹ chồng được hưởng thừa kế từ chồng bà. Để đạt mục đích, bà V. có thể đã cung cấp hoặc làm giả các loại giấy tờ để thực hiện việc khai tử cha mẹ chồng và khai nhận di sản cho bà V và các con.

Hành vi trên của bà V. có thể bị xử lý về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 BLHS.

Tính sao với vụ án dân sự?

Sau khi hoàn tất thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng cho mình, bà V. chuyển nhượng toàn bộ thửa đất cho vợ chồng bà TH.

Một thời gian sau, khi vợ chồng bà TH đến nhận nhà, cụ Hợp cùng người thân ngăn cản vì việc mua bán giữa nhà bà TH và bà V. chưa có sự đồng ý của vợ chồng cụ.

Đầu năm 2017, vợ chồng bà TH khởi kiện ra tòa. Cuối tháng 7-2020, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ tranh chấp nhà đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nguyên đơn là vợ chồng bà TH, bị đơn là bà VTV, người liên quan và vợ chồng cụ Hợp

Trải qua rất nhiều lần mở rồi lại hoãn, đến nay vụ án vẫn chưa thể giải quyết.

Về vụ kiện dân sự giữa người mua nhà và người con dâu đang trong giai đoạn xét xử nhưng lại có quyết định khởi tố hình sự, LS Hoan nhận định vụ án hình sự cần phải chờ kết quả của vụ kiện dân sự giữa người mua nhà và bà V để kết hợp với việc xác định rõ phần giá trị tài sản mà đáng lẽ vợ chồng cụ Hợp được hưởng từ con trai là bao nhiêu để xác định thiệt hại từ hành vi của bà V và các cá nhận liên quan. 

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Hoàng Nam, Đoàn Luật sư TP.HCM, lại có ý kiến rằng phải tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự để chờ kết quả giải quyết của vụ án hình sự. Bởi lẽ vụ án hình sự thời hạn đtra truy tố rất ngắn, trong khi có vụ án dân sự 20 năm chưa xử xong. Hơn nữa, BLTTHS không có quy định tạm đình chỉ điều tra để chờ vụ án khác như bên dân sự.

Luật sư Nam phân tích: Khởi tố vụ án để làm rõ cán bộ phường căn cứ vào đâu để xác nhận 2 cụ chết, công chứng viên ký hợp đồng xác định 2 cụ đã chết có căn cứ vào giấy chứng tử hay không mà vẫn ký.

Một khi đã khởi tố vụ án thì chờ kết quả điều tra xem có sai phạm hay không, nếu có thì chờ kết quả xét xử vụ án hình sự rồi mới xem xét trách nhiệm của người con dâu với người mua nhà…

Việc xác định thiệt hại để làm căn cứ xử lý hình sự phải được thực hiện theo thủ tục tố tụng hình sự, chứ không thể căn cứ vào kết quả vụ án dân sự. Luật quy định chỉ những chứng cứ được thu thập theo quy định của BLTTHS mới có giá trị chứng minh tội phạm và các vấn đề khác.

Mặt khác, theo điểm d khoản 1 Điều 214 BLTTDS thì vụ án dân sự phải tạm đình chỉ để chờ kết quả giải quyết vụ án hình sự. Vì kết quả xử lý vụ án hình sự sẽ làm rõ được việc cấp giấy chứng nhận cho bà con dâu là đúng hay sai.

Thông thường khi giải quyết vụ án dân sự tranh chấp QSDĐ, quyền sở hữu nhà thì toà án sẽ xác minh nguồn gốc kê khai đăng ký nhà, đất tranh chấp; thủ tục chuyển quyền sử dụng, sở hữu nhà đất đúng hay sai. Trên cơ sở kết quả xác minh mới có thể xử được. Do đó, khi xử lý vụ án dân sự, toà không cần phải đi xác minh ở cơ quan cấp giấy là việc cấp giấy đúng hay sai. 

Trong khi đó, TS Cao Vũ Minh, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, lại cho rằng hai vụ án này vẫn có thể được giải quyết song song mà không cần tạm đình chỉ vụ án dân sự để chờ kết quả giải quyết vụ án hình sự.

TS Minh phân tích: Hai vụ án là hai quan hệ độc lập

Thứ nhất: Về vụ án dân sự, đó là tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng và yêu cầu hủy giấy chứng nhận, giữa người thứ ba ngay tình và người con dâu.

Thứ hai: Về vụ án hình sự mới khởi tố: liên quan đến hành vi của cán bộ phường, công chứng viên, người con dâu.

Hai quan hệ khác nhau nên không quan hệ nào chồng lên quan hệ nào cả. Do đó hai vụ án vẫn có thể được giải quyết song song. Hơn nữa, trong tố tụng hình sự, nếu vụ án hình sự cần định giá hay giám định thì đều có bộ phận chuyên môn về giám định hay định giá…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm