Công chứng viên vụ con dâu khai tử cha mẹ chồng nói gì?

Câu chuyện hi hữu trên xảy ra tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Theo đơn kêu cứu của ông Đỗ Văn Hợp (85 tuổi), năm 1998, ông và vợ mình là bà Nguyễn Thị An (85 tuổi) có chia cho con trai là ông Đỗ Mạnh Tiến một mảnh đất với diện tích 185 m2 đất tại địa bàn phường Nhật Tân. 

Đang sống nhưng lại bị "khai tử"

Năm 2005, ông Tiến mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời. Sau đó, vợ ông Tiến là bà V.T.V đã tới Phòng Công chứng số 3 Hà Nội thực hiện thủ tục kê khai nhận di sản thừa kế do ông Tiến để lại.

Ông Đỗ Văn Hợp tố cáo bị con dâu "khai tử" dù vẫn đang còn sống

Đáng chú ý, người được hưởng di sản lại chỉ gồm bà V.T.V và hai con gái; còn vợ chồng ông Hợp thì đã bị… “qua đời”.

Cụ thể, tại thông báo về việc khai nhận di sản ngày 4-7-2006 do công chứng viên Nguyễn Thanh Tú - Phòng Công chứng số 3 Hà Nội ký, nêu rõ: “Người để lại di sản: ông Đỗ Mạnh Tiến đã chết ngày 8-1-2005… Cha mẹ đẻ ông Đỗ Mạnh Tiến đã chết.

Người thừa kế: gồm vợ ông Đỗ Mạnh Tiến là bà V.T.V và hai người con đẻ của ông Tiến…”.

Sau đó, UBND phường Nhật Tân đã niêm yết thông tin về việc kê khai di sản thừa kế, trong đó có thông tin vợ chồng ông Hợp đã chết.

Sự việc vỡ lở khi tháng 5-2015, vợ chồng ông Hợp phát hiện bà V.T.V ký kết hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ nhà đất (di sản do ông Tiến để lại) cho một gia đình khác.

Đến nay, vợ chồng ông cũng không rõ ba mẹ con bà V.T.V đang cư trú ở đâu.

Ông Hợp vô cùng bức xúc và cho biết kể từ khi bị “khai tử”, hiện tại đã hơn 10 năm, hai vợ chồng ông vẫn đang sống và hàng tháng vẫn hưởng chế độ lương trợ cấp người cao tuổi.

“Tại sao không có giấy chứng tử của vợ chồng tôi nhưng Phòng Công chứng số 3 vẫn chứng thực chúng tôi đã chết? Phải chăng con dâu tôi đã câu kết với công chứng viên Phòng Công chứng số 3 Hà Nội để làm việc này?” - ông Hợp đặt vấn đề.

Ông Hợp cũng khẳng định việc làm của Phòng Công chứng số 3 Hà Nội đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của vợ chồng ông được hưởng thừa kế di sản từ con trai mình.

Sự việc này cũng được ông Hợp khởi kiện và TAND TP Hà Nội đã thụ lý vụ án dân sự sơ thẩm từ ngày 4-5-2017, nhưng đến nay chưa đưa ra xét xử.

Liên quan đến vụ việc trên, ngày 24-8, đại diện UBND phường Nhật Tân cho biết đã nắm được thông tin, hiện các lực lượng chức năng đang vào cuộc làm rõ.

Bản thông báo về việc kê khai di sản của Phòng công chứng số 3

Do tai nạn nghề nghiệp?

Sáng 25-8, trao đổi với Pháp luật TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Tú, công chứng viên, nguyên trưởng Phòng Công chứng số 3 Hà Nội (người trực tiếp kí thông báo về việc khai nhận di sản), cho biết đây là một tai nạn nghề nghiệp.

Theo đó, tại thời điểm năm 2005-2006, đối với các trường hợp khai di sản thừa kế theo di chúc, công chứng viên sẽ tập trung vào việc xác định ai là người được hưởng di sản. Mặc dù di chúc của ông Đỗ Mạnh Tiến để lại toàn bộ tài sản cho vợ và hai cô con gái, nhưng theo Bộ luật Dân sự thì cha mẹ ruột vẫn được hưởng một phần thừa kế.

Tuy nhiên do bối cảnh lịch sử lúc ấy, giấy tờ hộ tịch, chứng tử, khai tử, nhất là của người cao tuổi rất khó khăn để người dân cung cấp được nên khi công chứng viên hỏi thì được cả bà V.T.V và hai con gái khẳng định vợ chồng ông Hợp đã chết từ lâu nên không có giấy tờ gì. Họ cam đoan và chịu trách nhiệm về việc này và nếu có vấn đề gì sai sẽ bồi thường bằng chính tài sản của mình.

Chính vì niềm tin đó nên công chứng viên nghĩ rằng không có lý do gì mà cả con dâu và hai cháu nội lại kê khai thông tin hai ông bà đã qua đời.

Hơn thế, công chứng viên đã gửi thông báo về UBND phường Nhật Tân để xác minh, niêm yết công khai trong thời gian 1 tháng. Tuy nhiên, dù hai ông bà là người trên địa bàn phường này quản lý, nhưng sau 30 ngày, họ vẫn trả lời rằng không có ai thắc mắc gì cả nên công chứng viên có niềm tin để xác nhận như vậy.

Quá trình làm nghề, rất nhiều các trường hợp người cao tuổi, người ở quê không thể trình được giấy chứng tử của người thân, khi đó chúng tôi phải căn cứ vào lý lịch đảng viên, thậm chí là thẻ mộ,…

“Tôi xin khẳng định không hề có sự câu kết nào giữa bà V. và công chứng viên” – ông Tú nói.

Về trách nhiệm, ông Tú cho rằng bản thân mình không có trách nhiệm về khía cạnh vật chất, bởi bà V. và các con đã cam kết khi khai thủ tục, do đó họ phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định pháp luật. Còn về khía cạnh hành chính, ông Tú nói sẽ chờ phán quyết của TAND TP Hà Nội, xem xét mức độ vi phạm đến đâu,…

Ông Tú cũng cho hay đã nhiều lần giải trình với các cơ quan chức năng về vụ việc này, lần gần đây nhất là với Thanh tra Sở Tư pháp TP Hà Nội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm