Tạm dừng nhiều đoàn tàu vì dịch COVID-19

Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, từ ngày 16-3, ngành đường sắt tạm dừng chạy tàu thường nhật nhiều chặng vì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Hoàn, đổi vé miễn phí

Theo đó, từ ngày 16-3, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, sẽ tạm dừng chạy tàu thường nhật với các đôi tàu QT1/QT2 chặng Hà Nội - Quán Triều (Thái Nguyên), đôi tàu DD5/DD6 chặng Hà Nội - Đồng Đăng (Lạng Sơn) và đôi tàu 51501/51502 chặng Yên Viên (Hà Nội) - Hạ Long (Quảng Ninh). Những đôi tàu này sẽ chỉ chạy vào Chủ nhật hằng tuần.

Cũng từ ngày 16-3, tuyến Hà Nội - Hải Phòng dừng chạy một số tàu thường nhật. Cụ thể, dừng chạy tàu HP1 và LP2. Còn các tàu HP2, LP7 chỉ chạy vào thứ Sáu và Chủ nhật (thay vì chạy từ thứ Hai đến thứ Năm và thứ Bảy hằng tuần như hiện nay). Đối với hành khách đã mua vé trên những tàu dừng, ngành đường sắt sẽ hoàn, đổi vé miễn phí.

Tại Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn cũng đang giảm những đoàn tàu về những điểm dịch. Theo đó, từ ngày 19-3 sẽ bắt đầu dừng đoàn tàu S22 xuất phát từ Sài Gòn về Đà Nẵng, đoàn tàu này sẽ ngưng tới ngày 28-4. Tiếp đó, ngày 20-3, công ty cũng cắt chuyến tàu SE21 từ Đà Nẵng cũng tạm dừng tới ngày 29-4. Đồng thời, công ty cũng tạm dừng tổ chức chạy các tàu từ SPT2/SPT1 xuất phát Sài Gòn, Phan Thiết các ngày thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần kể từ ngày 20-3 đến 26-4.

Kế hoạch chạy lại các đoàn tàu này sẽ được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo lại sau. Trung tâm điều hành vận tải đường sắt sẽ phối hợp với các chi nhánh khai thác đường sắt để bố trí gá gửi toa xe, kéo xe, lập tàu tại các ga hợp lý đảm bảo an toàn, tránh bí đường cho các ga lập tàu. Đối với hành khách đã đặt vé tàu trong hai chặng về Phan Thiết và Đà Nẵng, công ty sẽ đổi vé sang chặng dài để hành khách có thể tiếp tục hành trình của mình.

Hành khách được kiểm tra thân nhiệt tại Ga Sài Gòn. Ảnh: ĐÀO TRANG

Đã có khách đi tàu nhiễm COVID-2019

Trao đổi với PV, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, cho biết lý do dừng các đôi tàu trên do ảnh hưởng dịch COVID-2019. “Hiện các đội tàu trên rời ga chỉ có vài hành khách, nên đơn vị chỉ chạy vào Chủ nhật hằng tuần. Việc tạm dừng sẽ giúp đơn vị cắt giảm được chi phí, tránh chạy rỗng và lỗ nặng” - bà Hà cho hay.

Bà Hà cũng cho biết mọi năm khách du lịch chọn đi tàu rất đông, đặc biệt là các tuyến Hà Nội - Huế, Hà Nội - Quảng Bình, Hà Nội - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quy Nhơn... Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch, lượng khách đi tàu giảm mạnh. Trước đó, đơn vị cũng tạm dừng khai thác tàu Hà Nội - Vinh, hành khách đi Vinh sẽ mua vé tàu Thống Nhất.

Đối với các đội tàu Thống Nhất trên tuyến đường sắt Bắc-Nam, bà Hà cho rằng đây là nguồn thu lớn của công ty nhưng so với cùng kỳ, lượng khách giảm khoảng 50%. “Vì vậy, chúng tôi đang đề xuất với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam hỗ trợ giảm phí hạ tầng, lãi vay, giảm thuế,…” - bà Hà nói.

Về công tác phòng, chống dịch COVID-2019, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết đơn vị đang thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ GTVT, như yêu cầu hành khách đeo khẩu trang khi đi tàu, tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch.

“Hành khách đi tàu, nhất là khách nước ngoài, họ toàn lựa chọn khoang riêng (hai người), nên nguy cơ lây nhiễm rất thấp. Vừa qua mặc dù đã có khách đi tàu nhiễm COVID-2019 (di chuyển trên tàu SP3, Hà Nội - Lào Cai) nhưng đến giờ phút này các nhân viên phục vụ hành khách trên vẫn an toàn…” - bà Hà thông tin.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng ga Sài Gòn, trong thời gian dịch COVID-19, lượng hành khách đi tàu tại Ga Sài Gòn đã giảm nhiều so với trước. Về phương án đối phó với COVID-19, ông Thành cho biết đơn vị đã có Trung tâm Kiểm dịch quốc tế, tại đây hành khách, tiếp viên đều được đo thân nhiệt trước khi lên tàu. Đến nay, tại Ga Sài Gòn chưa phát hiện các trường hợp khả nghi nào. Đồng thời, tại ga cũng bố trí nhiều nơi để nước rửa tay để hành khách rửa tay thường xuyên khi ở ga.

Lỗ cũng phải chạy tàu

Theo Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, các tuyến tàu Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên, Yên Viên - Hạ Long được xem là tàu an sinh, theo Luật Đường sắt được ngân sách nhà nước hỗ trợ bù lỗ. Tuy nhiên, theo công ty này, năm 2019, do chưa có hướng dẫn nên không được ngân sách bù, công ty vẫn phải chịu lỗ khoảng 20 tỉ đồng. Trong khi đó, kế hoạch năm 2020 cũng chưa được Bộ GTVT phê duyệt nên chưa biết có được hỗ trợ hay không. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới