Khảo sát trên nhiều quý ông, các nhà tâm lý học liệt kê ra được tám kinh nghiệm “xương máu” lớn nhất mà các chàng ngộ ra được sau khi chia tay.
Lời không nên nói nhất
Không bao giờ vì tức giận hay bất cẩn, càng không cố ý mà nói ra câu: “Anh nghĩ một mình anh sẽ tốt hơn” hoặc câu tương tự theo kiểu “không có em thì anh làm xong lâu rồi”, “anh sẽ tốt hơn nếu không có em”: Phụ nữ nhớ rất dai và những lời nói mang tính “vô giá trị hóa” họ như vậy họ chẳng bao giờ quên. Từ đó, mỗi khi định giúp đỡ hay định tới gần bạn họ sẽ chùn bước. Kết quả tất yếu hai người càng lúc càng xa nhau.
Chọn cái để cãi nhau
Đối với những người cứng đầu họ sẽ không nghĩ đến chuyện dừng lại khi cãi cọ để bảo vệ lý lẽ của mình. Một khi đã cãi, họ sẽ bất chấp tất cả và càng cãi càng hăng, dẫn đến sứt mẻ tình cảm. Nếu cả hai cùng thuộc tuýp này thì chỉ sau vài trận chiến sẽ tan hoang hết cả. Đó là lý do các chàng nghĩ rằng phải thực sự cân nhắc, lựa chọn vấn đề để… cãi nhau. Chỉ tranh luận những chuyện lớn, quan trọng và cần thiết, ngoài ra hãy bỏ qua tất cả, thà khác nhau còn hơn cãi nhau suốt ngày.
Ai cũng thay đổi
Có những mối tình kéo dài hàng chục năm, yêu thương thắm thiết, khao khát có nhau để rồi cuối cùng cũng chia tay nhau. Thời gian biến đổi tất cả và chúng ta phải thích nghi với nó. Nếu một mối quan hệ sau một thời gian cả hai đã thay đổi đến mức lý do để tồn tại tình yêu cũng mất đi thì nên chấp nhận sự thật đó. Điều này đúng với cả hôn nhân. Chia tay hay ly hôn ngày càng nhiều vì xã hội ngày càng hiểu rõ hơn bản chất của việc đó, nó không phải là phụ bạc mà là sự thay đổi của cả hai.
Nói dối
Khi phát hiện đối phương nói dối mình đó là cảm giác thực sự tồi tệ. Vì thế hãy từ bỏ thói quen nói dối vặt bởi nó sẽ dẫn đến những vụ nói dối lớn hơn bởi nó đã thành thói quen. Khi mối quan hệ mà một trong hai nói dối quá nhiều, dù là chuyện nhỏ hay chuyện lớn, chắc chắn nó sẽ tan vỡ vì không biết lúc nào nên tin, lúc nào không. Lòng tin không có thì không bao giờ có một tình cảm lâu dài.
Sống chung quá sớm
Việc dọn về ở chung trước khi kết hôn bây giờ đã rất phổ biến. Chuyện này không xấu nhưng nó sẽ là thất bại lớn nếu thời điểm chưa chín muồi. Khi sống chung với người mình yêu, nó hoàn toàn khác với việc sống chung với bạn bè, hai người phải hy sinh rất nhiều và cũng sẽ bộc lộ tất cả ưu, khuyết điểm của mình. Dù có lợi về mặt kinh tế, tuy nhiên nếu tình cảm chưa đến mức độ thắm thiết đủ để thông cảm với nhau, sống vì nhau, hạ cái tôi xuống thì nó sẽ là dấu chấm hết cho mối quan hệ của bạn.
Gia đình nhau
“Tôi học được rằng phải hẹn hò (và cưới) người con gái sẽ không quá quan tâm đến chuyện cha mẹ mình nghĩ gì về tôi”. Khi cô gái hẹn hò với một chàng trai mà những điều chàng có đều không phù hợp với chuẩn của phụ huynh nàng. Sau thời gian đầu mặn nồng, cùng nhau “chiến đấu” thì nàng, do là phái yếu, nên đã xuôi theo áp lực của người lớn.
Vấn đề sức khỏe
Đây thực sự là một thử thách lớn đối với bất cứ ai, ngay cả khi đã là vợ chồng trong nhiều năm. Vì tình yêu, không ai nghĩ đến chuyện chia tay khi biết người kia mắc bệnh. Tuy nhiên, khi phải đối mặt trực tiếp với quá trình chạy chữa, khó khăn tiền bạc, cảm xúc của người bệnh v.v… không phải ai cũng vượt qua được. Vấn đề là cách chia tay của hai người làm sao để người không may bị bệnh đỡ tổn thương nhất. “Người ấy bị bệnh thì hãy để người ấy lên tiếng giải quyết mối quan hệ của hai người”.
Keo dán sắt
“Người vợ cũ của tôi lúc nào cũng quấn quýt tôi không rời. Điều ấy rất đặc biệt và khiến tôi thích thú trong thời kỳ trăng mật nhưng nó lại kéo dài sau đó và trở thành gánh nặng” - một quý ông chia sẻ. Quý ông không ai thích bị kiểm soát, can thiệp vào cuộc sống riêng của họ cho dù đó là cha mẹ thì tất nhiên với bạn gái hay vợ lại càng không. Khi tự do bị mất đi, họ luôn có xu hướng… đi tìm lại nó.