Tầm quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT

Học sinh Hàn Quốc làm bài thi trong kỳ thi SAT - Ảnh: AFP

Cho đến năm 2014, VN nằm trong nhóm các quốc gia còn duy trì tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng ở quy mô toàn quốc. Nhóm này gồm có Trung Quốc, Iran và Cộng hòa Gruzia. Và VN cũng có điểm chung với hầu hết tất cả các nước trên thế giới là có kỳ thi tốt nghiệp THPT, dù nội dung và hình thức thi ở mỗi nước mỗi khác. Dường như chỉ có Canada và Na Uy là không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, mà chỉ căn cứ trên kết quả học tập của các năm trung học để cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh.

Điều này cho thấy kỳ thi tốt nghiệp THPT hay bằng tốt nghiệp THPT có vai trò vô cùng quan trọng ở mọi quốc gia. Lợi ích lớn nhất của tấm bằng tốt nghiệp THPT là đem đến cơ hội cho những người tốt nghiệp các công việc tốt và có thu nhập cao. Hiện nay ít nhà tuyển dụng chấp nhận những người không có bằng tốt nghiệp THPT vào các vị trí quan trọng. Các nước cho rằng lợi ích kế đến của tấm bằng tốt nghiệp THPT mới là cơ hội để vào các trường đại học và cao đẳng.

Có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ vì kết quả thi các năm vừa qua là trên 90% học sinh đậu tốt nghiệp? Chúng ta đang trong xu hướng hội nhập với quốc tế nên việc xác định rõ mục tiêu đào tạo và xây dựng chuẩn quốc gia cho bậc học phổ thông lại càng cần thiết. Không nên giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về các địa phương vì sẽ không tránh khỏi sự phân biệt và không công nhận bằng tốt nghiệp giữa các địa phương (như tình trạng phân biệt sinh viên tốt nghiệp từ đại học công lập và ngoài công lập, giữa hệ chính quy và không chính quy).

Hãy xem việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia là việc trọng đại của bậc trung học, không thể tước bỏ trọng trách này của các trường phổ thông. Nguồn lực của các trường trung học hoàn toàn có thể tổ chức nghiêm túc và hiệu quả một kỳ thi quốc gia theo cách thức kỳ thi đại học hiện nay. Thực tế phần lớn điểm thi đại học hiện nay đều mượn cơ sở, phòng thi, giám thị của các trường trung học. Tuy nhiên, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ cần sự hỗ trợ từ các trường đại học về lực lượng sinh viên Tiếp sức mùa thi và đội ngũ giám sát thi cử.

Trên trang web chính thức của kỳ thi SAT (Scholastic Aptitude Test - kết quả thi được dùng như một điều kiện bắt buộc để tuyển sinh vào các trường ĐH của Mỹ và một số nước), SAT được giới thiệu là con đường đưa đến cơ hội học bổng và cơ hội học đại học công bằng cho tất cả mọi người. SAT được xác định là chuẩn đo những kỹ năng cần thiết cho sự thành công ở thế kỷ 21 và giúp các trường ĐH tìm được những ứng viên đạt yêu cầu đòi hỏi của các trường. Các bài thi SAT không kiểm tra kiến thức mà chú trọng đến kỹ năng ứng dụng kiến thức để giải quyết vấn đề. Điều đáng chú ý là kỳ thi SAT được tổ chức thường xuyên trong năm nên thí sinh có thể đăng ký dự thi ở những thời điểm thuận lợi nhất cho cá nhân.

5 dạng tuyển sinh ĐH

Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới về cách thức tuyển sinh ĐH ở nhiều quốc gia khác nhau cho thấy các nước đang sử dụng năm dạng tuyển sinh ĐH như sau:

1. Căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia hoặc khu vực và kết hợp với kết quả học tập ở bậc trung học. Nhóm này gồm các nước như Anh, Úc, Pháp, Áo, Ireland.

2. Căn cứ vào kết quả kỳ thi tuyển sinh đại học cấp quốc gia, khu vực hoặc riêng từng trường. Nhóm này gồm các nước như Trung Quốc, Iran, Gruzia (và VN hiện nay).

3. Căn cứ vào kỳ thi đánh giá chuẩn năng lực kết hợp với thành tích học tập. Nhóm này gồm có Mỹ, Hàn Quốc, Thụy Điển.

4. Căn cứ vào nhiều kỳ thi khác nhau như kỳ thi đại học cấp quốc gia và kỳ thi tuyển sinh riêng tại các trường. Nhóm này gồm có Nhật Bản, Nga, một số trường top đầu của Pháp. Hoặc căn cứ vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đại học cấp quốc gia như Brazil, Ấn Độ.

5. Căn cứ vào kết quả học tập ở bậc trung học và không yêu cầu kết quả kỳ thi nào, nhóm này gồm Canada, Na Uy.

Theo  ĐOÀN HUỆ DUNG (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới