Tâm sự của mẹ cậu bé viết bài văn lạ ở trường Ams

Chiều tối qua (7-11), khi chúng tôi đến nhà Nguyễn Trung Hiếu, cậu học sinh lớp 11 chuyên Lý trường THPT Hà Nội - Amsterdam thì ở đó đã tấp nập người. Chỉ trong 2 ngày khi bài văn được đăng tải trên mạng, nhà của em liên tục có người ra vào để tìm hiểu về cuộc sống của em và gia đình. Cũng vì thế cho nên chiều qua, Hiếu về nhà là phải quay phóng sự, ngay sau đó em phải đến lớp học thêm tiếng Anh ở Lý Thái Tổ.

Hôm nay khác với những buổi trước, đó là em không phải đạp xe đi mà có một anh đến chở đi, tranh thủ dọc đường trò chuyện với Hiếu. Trong khi đó, ở nhà, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với mẹ và bà nội của Hiếu, bởi 3 người trong gia đình em ở chung với nhà ông bà từ nhiều năm nay.

"Nó cứ gào mẹ đừng chết"

Tâm sự của mẹ cậu bé viết bài văn lạ ở trường Ams ảnh 1
Bà Hạnh, mẹ của em Nguyễn Trung Hiếu

Chị Hạnh, mẹ Hiếu sinh năm 1966, dáng người bé nhỏ, khắc khổ. Ngày trẻ, theo gia đình từ Bình Lục, Hà Nam lên sống ở phường Bạch Đằng, chị đi trông em cho gia đình của bố Hiếu, thế rồi hai người yêu nhau và kết hôn.

Thế nhưng, bố Hiếu vốn là người có sức khỏe yếu, ông bị viêm tai và ảnh hưởng tới não, hoàn toàn mất sức lao động. Tai họa của gia đình xảy đến năm 2004, khi chị Hạnh đi khám bệnh và phát hiện ra mình bị thận.

"Lúc đó tôi chẳng muốn sống. Từ lúc trước đó tôi khoảng 45 kg, nhưng khi phát hiện ra bệnh thì tôi chỉ còn 30 kg. Tôi nhớ lúc đó thằng bé mới học lớp 3 thôi, nó nói mẹ phải sống, nó về nó còn kêu gào lên với ông bà nội, ông bà ngoại là phải cứu mẹ cháu. Nó cũng kêu với bác sĩ như vậy, bác sĩ còn bảo: "cái thằng bé này biết cái gì mà nói như thế". Tôi buồn đến mức chả muốn gặp con, vì đau lòng lắm".

Thế rồi "tôi nghĩ mình phải sống, vì ra đi thì con sẽ sống thế nào. Cho nên được ông bà nội ngoại giúp đỡ, tôi bắt đầu đi chạy thận".

Nhờ sự giúp đỡ của địa phương, gia đình Hiếu được cấp chế độ hộ nghèo (250.000 đồng/tháng), mẹ em cũng làm được sổ bảo hiểm, nhờ vậy mới có thể chắt bóp để 1 tuần 3 lần lên bệnh viện chạy thận. May có sổ bảo hiểm nếu không thì cả gia đình không kham nổi.

"Hàng ngày ngoài việc đi chạy thận thì tôi ở nhà, chăm sóc ông nội của Hiếu. Ông nằm đây, đã 90 tuổi rồi, còn bà thì 73 tuổi với bệnh tiểu đường từ nhiều năm nay, và hai mắt giờ không thấy gì vì bị đục thủy tinh thể, dù đã thay một lần" - chị Hạnh kể.

Nhiều lần xin đi làm thêm

Tâm sự của mẹ cậu bé viết bài văn lạ ở trường Ams ảnh 2
Đôi cánh tay của người mẹ phải chạy thận trong 7 năm qua

Đối với mẹ, Hiếu là một cậu bé rất ngoan, rõ ràng mạch lạc, đã quyết cái gì là làm. Khi em thi đỗ vào Chu Văn An và cả trường Ams, mẹ có khuyên là học Chu Văn An cho gần nhà nhưng Hiếu vẫn kiên quyết ngày ngày đạp xe từ nhà đến khu Trung Hòa - Nhân Chính để học ở Ams.

Cũng như trong lá thư gửi mẹ làm xúc động dư luận, chị Hạnh cho biết không ít lần đứa con bé nhỏ của mình xin mẹ đi làm thêm. Nhưng vì muốn con tập trung vào việc học nên chị không đồng ý.

Với bà nội, Hiếu là một cậu bé đặc biệt, dù bà (có 4 người con, bố Hiếu là con thứ 2 của ông bà) có toàn các cháu trai. "Hiếu là cháu đích tôn của nhà tôi. Khi cháu đỗ vào trường Ams thì quyết tâm học lắm, so với các em con chú thì nó chịu khó học hơn, vì tôi hiểu cháu luôn mong sau này có công ăn việc làm để kiếm tiền nuôi bố mẹ. Hàng ngày đi học về, Hiếu chào ông bà, bố mẹ xong là lên gác, ăn xong thì lại học. Nó kín đáo lắm, có chuyện gì thì chỉ tâm sự với mẹ thôi, chẳng mấy khi bộc lộ với người khác".

Đó chỉ là bài văn bình thường thôi!

Tâm sự của mẹ cậu bé viết bài văn lạ ở trường Ams ảnh 3
Bài văn của Nguyễn Trung Hiếu

"Những gì nó viết trong đó đều thật. Nhưng trước khi bài văn được đưa lên thì tôi chưa từng được nghe đọc, cả Hiếu cũng không hề biết là bài được đăng báo, hôm qua nó cứ hỏi sao nhiều người tìm đến thế mẹ nhỉ? Bài văn mà cô giáo bảo Hiếu mang về cho mẹ ký là bài văn tả về ông Mặt trời" - chị Hạnh cho biết.

Sự "nổi tiếng" bất ngờ này khiến cho cả gia đình Hiếu xúc động. Bà nội và mẹ của em khi nghe đọc bài văn, đêm về đã khóc: "Cháu nó viết như thế, tôi biết nói gì hơn và làm gì hơn" - mẹ em nói.

Thế nhưng, đằng sau sự xúc động là nỗi lo lắng của cả gia đình, mà khi nghe ai cũng thêm phần xót xa. Liệu rồi khi bài văn này lên, có ảnh hưởng gì tới chế độ hộ nghèo của gia đình không, mà với cả nhà em, đây là vấn đề sống còn. Trong câu chuyện, cả mẹ lẫn bà nội của Hiếu nhiều lần nhắc lại rằng, nếu không có chế độ này, không có sổ bảo hiểm, mẹ em sẽ không sống được. Hơn nữa, mẹ em có một trắc ẩn rằng, bà và Hiếu không hề biết trước bài văn sẽ được đăng báo, và sợ bị hiểu nhầm.

"Nhà tôi cũng lo lắng, đó chỉ là một bài văn bình thường trong lớp thôi, không phải bài văn được giải Quốc gia hay cái gì. Nhưng cuối cùng thì được đưa lên mạng, người hiểu thì không sao, nhưng còn người không hiểu họ sẽ nghĩ mẹ con tôi tự đưa bài văn lên" - mẹ em bày tỏ nỗi lo.

Theo BĐVN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm