Tận diệt thủy sản bằng xung điện

(PLO)- Hành vi đánh bắt cá bằng xung điện bị nghiêm cấm nhưng nhiều người vẫn lén lút hoạt động dẫn đến nguy cơ tận diệt nguồn thủy sản, tiềm ẩn các vụ tai nạn.

Đến mùa nước nổi, người dân vùng lũ ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An đều tạm ngưng canh tác, tất bật chuẩn bị chuyển qua đánh bắt thủy sản bằng lưới, dớn, lợp... và thiết bị xung điện. Tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến khiến nguồn lợi thủy sản đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt và đe dọa trực tiếp tính mạng của người đánh bắt.

Tình trạng dùng xung điện đánh bắt lén lút ngày càng nhiều trên các kênh rạch ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười. Ảnh: HUỲNH DU

Hậu quả khôn lường từ xiệt cá bằng điện

Ven các con sông, kênh rạch hay trên các cánh đồng mùa lũ ở các huyện đầu nguồn Đồng Tháp Mười, không khó để bắt gặp những người đeo trên lưng bộ kích điện chứa trong một chiếc can nhựa, tay cầm cần tre để xiệt cá.

Theo anh NVB (39 tuổi, ngụ huyện Mộc Hóa), một bình ắc quy khoảng 12V gắn với bộ xung điện lên 220V; hai cần tre, một cần có đầu là que thép nhọn nối với cực dương gắn công tắc, cần còn lại gắn với vợt sắt nối cực âm là đã có bộ xung điện hoàn chỉnh để hoạt động. Khi đưa hai cần xuống nước sẽ khiến các loài thủy sản trong bán kính gần 2 m bị điện giật.

Trên thực tế, những người đánh bắt cá bằng xung điện đều biết nguy hiểm nhưng vẫn chủ quan để rồi phải đánh đổi bằng cả tính mạng, đồng thời còn tiềm ẩn nguy hiểm cho người khác.

Như trường hợp của ông NVP (ngụ xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, Long An), ngày 16-10, ông P lái xuồng và mang các dụng cụ chích điện đi bắt cá trên sông Vàm Cỏ Đông (xã Thạnh Lợi). Đến chiều cùng ngày, gia đình và người dân tìm kiếm hơn 5 giờ thì phát hiện thi thể ông ở dưới sông nên đưa lên bờ, trình báo cơ quan chức năng. Qua điều tra, nạn nhân tử vong do lúc xiệt điện đã bất cẩn và bị điện giật.

Một trong những nguyên nhân khiến nguồn cá, tôm suy giảm là do nhiều người sử dụng xung điện đánh bắt, đặc biệt là bằng cách dùng ghe xúc sử dụng kích điện.

Trường hợp khác là ông HVH (55 tuổi, ngụ xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, Long An), ngày 29-3, ông H dùng dây điện mắc vào nguồn điện đường 220V sử dụng, kéo ra phía sau nhà đánh cá, không may bị điện giật tử vong.

Theo ông Dương Vũ Ny, Chủ tịch UBND xã Mỹ An, hành vi đánh bắt cá bằng xung điện bị nghiêm cấm nhưng nhiều người canh ban đêm vắng vẻ, ngoài ruộng xa lén lút hoạt động. Công an xã cũng đã tăng cường tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Từ đó, tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện tạm lắng, giảm nhiều so với trước.

Xiệt cá bằng điện không chỉ làm tận diệt thủy sản mà còn nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Ảnh: HUỲNH DU

Dùng xung điện bắt cá, nguy hại lâu dài

Ông Lê Văn Dũng (ngụ xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) nói: “Trước đây, với tay lưới khoảng 100 m và hơn chục cái dớn, mỗi ngày tôi kiếm không dưới 10 kg cá các loại. Mùa nước nổi năm nay, mỗi ngày tôi chỉ kiếm được 4-5 kg bao gồm cả cá, cua, tép...”.

Theo ông Dũng, nguồn cá, tôm suy giảm do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc nhiều người sử dụng xung điện đánh bắt bằng các kiểu như ghe xúc sử dụng kích điện. Cách khai thác thủy sản “tàn độc” này khiến nhiều loài cá lớn, nhỏ chết sạch.

Hàng ngàn hộ dân mưu sinh với nghề đánh bắt thủy sản mùa nước nổi, có hộ kiếm tiền triệu mỗi ngày. Tuy nhiên, đó là chuyện của hơn chục năm về trước, hiện tại nguồn lợi thủy sản giảm mạnh, cá bắt được có giá trị không cao, chủ yếu là cá mồi dùng để nuôi cá lóc…

Theo anh Nguyễn Xuân Tươi (ngụ xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng), nguồn lợi thủy sản mùa nước nổi những năm gần đây dần cạn kiệt, nhiều loài cá đã tuyệt chủng, không ai còn thấy nữa.

“Nhiều người dùng các loại dớn, đáy, lưới mắt nhỏ… có lỗ chỉ khoảng 1 mm khiến cá, tôm tép gì vào cũng dính hết. Thậm chí nhiều người dùng rổ hốt hết cả bầy ròng ròng, cá con… lớn, nhỏ cỡ nào cũng bắt. Theo tôi, chỉ vài năm nữa chẳng còn con cá nào nữa đâu” - anh Tươi nói.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, cho biết: “Sở đã đề nghị các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ trong việc nắm bắt thông tin các đối tượng đã thực hiện hoặc có nguy cơ sử dụng chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, ngư cụ, nghề khai thác có tính tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định, đặc biệt là khu vực các huyện vùng Đồng Tháp Mười đang trong mùa nước lũ rút.•

Theo kết quả kiểm tra từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thị xã Kiến Tường, các huyện Cần Giuộc, Thạnh Hóa, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh phát hiện 34 trường hợp vi phạm về sử dụng nghề, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản, sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản.

Lực lượng chức năng đã tạm giữ, bàn giao xử lý theo quy định 25 công cụ kích điện, 4 xiệt điện, 10 bình ắc quy, 4 pin điện…; phối hợp với phòng CSGT kiểm tra, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội trong lĩnh vực thủy sản trên đường thủy nội địa.

Đã thực hiện 16 ngày kiểm tra, phát hiện 9 trường hợp vi phạm, thu giữ 9 công cụ kích điện, 1 bình ắc quy (hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới