Tận thu tiền thuê mặt biển trong hoạt động dầu khí?

Dầu khí là lĩnh vực đặc biệt, không chỉ vì giá trị kinh tế mà còn vì ý nghĩa an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia. Vì vậy, Quốc hội ban hành một luật riêng về dầu khí, bao quát hết các khía cạnh pháp lý của hoạt động này. Theo đó nhấn mạnh trong trường hợp cùng một vấn đề mà có sự khác nhau giữa quy định của Luật Dầu khí và quy định khác của pháp luật Việt Nam thì áp dụng theo quy định của Luật Dầu khí.

Ngoài ra, Luật Dầu khí cũng dự liệu tình huống nếu gặp vấn đề nào đó liên quan đến hoạt động dầu khí mà cả hệ thống pháp luật trong nước chưa quy định cụ thể, thì các bên ký kết hợp đồng dầu khí có thể thỏa thuận áp dụng pháp luật quốc tế, tập quán quốc tế hoặc thậm chí luật nước ngoài về dầu khí, miễn là không trái các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam…

Trong tư duy pháp lý ấy, Chính phủ ban hành một nghị định riêng về mẫu hợp đồng với nội dung bao trùm toàn bộ các hoạt động tìm kiếm thăm dò, thẩm lượng, phát triển và khai thác dầu khí, phân chia sản phẩm. Mẫu hợp đồng này được xây dựng trên cơ sở hợp đồng mẫu của Hiệp hội Dầu khí toàn cầu, rất chi tiết, dự liệu hầu hết tình huống có thể xảy ra trong hoạt động dầu khí, kèm theo quyền, nghĩa vụ của các bên.

Trong rất nhiều quy định chi tiết ấy, mẫu hợp đồng ban hành theo Nghị định 33/2013 của Chính phủ, ở Chương VII, về thuế, phí và lệ phí, đã loại trừ nghĩa vụ nộp tiền thuê mặt nước cho các nhà thầu dầu khí. Tại thời điểm đó, quy định loại trừ này được cân nhắc trên cơ sở tính hợp lý, lợi ích và chi phí tuân thủ của việc nên hay không thu loại tiền này.

Chính sách tận thu và phản ứng từ nhà đầu tư

Đến năm 2017, theo đề nghị của Bộ Tài chính, Chính phủ ban hành Nghị định 123 sửa đổi, bổ sung một loạt nghị định liên quan việc thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Theo đó, bổ sung quy định về cho thuê mặt nước, mặt biển với hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí (liên quan đến Nghị định 46/2014 về thu tiền thuê đất, mặt nước), đồng thời bãi bỏ điều khoản loại trừ nghĩa vụ nộp tiền thuê mặt nước trong mẫu hợp đồng dầu khí (liên quan Nghị định 33/2013 nêu trên).

Vấn đề là từ khi Nghị định 123 có hiệu lực, ngày 1-1-2018, đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa thể thu được một đồng nào tiền cho thuê mặt biển đối với hoạt động dầu khí. Lý do nằm ở chính tính khả thi và thuyết phục của khoản thu này.

Murphy Oil là hãng dầu khí lớn của Mỹ vào Việt Nam từ năm 2012. Hiện công ty con là Murphy Oil Asia đang tham gia tổ hợp nhà thầu thăm dò, khai thác dầu khí ở lô 15-2/17, ngoài khơi Vũng Tàu. Là nhà thầu đầu tiên chịu sự điều chỉnh của Nghị định 123, hãng dầu khí này cho rằng hoạt động dầu khí ở mỗi giai đoạn có đặc điểm rất khác nhau.

Một góc bản đồ năng lượng Việt Nam. Lô 15-2/17 nằm gần vị trí ký hiệu 15-2/02.

Đầu tiên là giai đoạn thăm dò, nhà thầu được độc quyền triển khai hoạt động dầu khí ở diện tích rất lớn, từ hàng trăm đến hàng chục ngàn km2 và kéo dài 2-9 năm. Tuy nhiên, hoạt động thực địa không diễn ra liên tục mà theo chiến dịch. Chẳng hạn, chiến dịch thu nổ địa chấn thường thực hiện trong thời gian 1-2 tháng; chiến dịch khoan 1-2 giếng thì mất 2-6 tháng; hoạt động khảo sát đáy biển, thu thập mẫu có khi ngắn hơn…

Mỗi hoạt động như vậy, ở thời điểm cụ thể chỉ diễn ra ở khu vực biển nhất định, diện tích nhỏ và mọi hoạt động kinh tế biển khác ở quanh đó vẫn diễn ra bình thường, kể cả trong diện tích biển rộng lớn mà nhà thầu được độc quyền thăm dò. Và về nguyên tắc, doanh nghiệp có hoạt động kinh tế biển đó vẫn có nghĩa vụ tài chính thuê mặt biển và dẫn tới thuế chồng thuế, phí chồng phí.

Vì quy định về cách tính diện tích mặt biển, thời gian tính tiền thuê và mức phí cho mỗi loại hoạt động dầu khí không rõ ràng nên bài toán tài chính ra kết quả khác nhau, khó đoán định.

Các rủi ro chính sách trên khiến cho Murphy đến nay vẫn trì hoãn ký hợp đồng, mặc dù tổ hợp nhà thầu mà Murphy là một bên tham gia, từ tháng 4-2018 đã được Thủ tướng phê duyệt chỉ định thầu thăm dò, khai thác dầu khí lô 15-2/17.

 

Tận thu theo cách tính nào?

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã lập bản dự tính tài chính thuê mặt biển liên quan đến hoạt động dầu khí ở lô 15-2/17 mà Murphy tham gia. Theo đó, diện tích là 2.576 km2 nhưng diện tích trong các lần thăm dò cụ thể dự kiến chỉ 754 km2. Thời gian cho giai đoạn tìm kiếm thăm dò là năm năm nhưng thời gian hoạt động thực địa chỉ khoảng năm tháng.

Tương ứng với các tham số ấy, số tiền thuê mặt biển phải trả sẽ là 8,4-21 triệu USD, nếu tính theo toàn bộ diện tích mặt biển cũng như toàn bộ thời gian dự án. Phí tổn này là rất lớn, nhà thầu khó chấp thuận. Còn tính theo diện tích thực tế sử dụng và thời gian các lần thăm dò cụ thể thì chỉ còn 0,5-1,2 triệu USD, không đáng nếu so với chi phí đo đạc, tính toán, quản lý phải bỏ ra để tận thu được số tiền này.

Tương tự như vậy, đến giai đoạn khai thác, mặt biển mà nhà thầu độc quyền quản lý theo quy chuẩn chỉ khoảng 500 m tính từ chân giàn khai thác, gọi là vùng an toàn, với diện tích chưa tới 1 km2, rất nhỏ so với hàng ngàn km2 lô dầu khí được giao theo hợp đồng. Ngoài vùng an toàn ấy, mọi hoạt động trên mặt biển được diễn ra bình thường và Nhà nước vẫn có thể cho thuê, thu tiền. Trong khi quy định về cách tính không rõ ràng sẽ ra các con số tài chính rất khác nhau, ảnh hưởng khó đoán định tới hiệu quả đầu tư dự án.

 Hơn 20 hợp đồng dầu khí sắp hết hạn

Trong một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, tháng 11-2018, Tập đoàn Dầu khí (PVN) cho biết tiềm năng dầu khí của các diện tích mở còn lại của Việt Nam không còn nhiều hấp dẫn. Phần lớn là các phân lô đã được hoàn trả nhiều lần hoặc ở khu vực không hứa hẹn có phát hiện dầu khí, hay rủi ro địa chất ở mức cao. Cũng có khu vực trước đây đã phát hiện dầu khí nhưng trữ lượng nhỏ. Với trữ lượng khí có khả năng thương mại thì thị trường hướng đến là Việt Nam lại chưa có nhu cầu lớn nên giá thấp, không hấp dẫn nhà đầu tư.

Các trường hợp gia hạn hợp đồng thì hoạt động khai thác chủ yếu mang tính tận thu. Với loại này, Chính phủ thường yêu cầu tăng tỉ lệ chia phần lãi cho nước chủ nhà hoặc bổ sung nghĩa vụ tài chính như hoa hồng, phí môi trường, phụ thu khi giá dầu tăng cao…

Với thực tế như vậy, nay lại thêm nghĩa vụ thuê mặt biển mà cách tính theo Nghị định 123 không rõ ràng, đã tạo thêm một rào cản trong đàm phán ký kết hợp đồng dầu khí mới, khiến cho cả năm 2018, PVN không ký thêm được hợp đồng nào, kể cả ký gia hạn thỏa thuận cũ. Trong khi từ năm 2019 đến 2024, mỗi năm sẽ có 5-7 hợp đồng dầu khí cũ kết thúc, cần đàm phán gia hạn để tận thu, mà nếu không ký lại được thì sẽ là thách thức cho công tác khẳng định chủ quyền thực tế trên thềm lục địa ngoài khơi.

Với các phân tích ấy, PVN đề nghị Thủ tướng xem xét điều chỉnh Nghị định 123 theo hướng giữ nguyên mẫu hợp đồng trong Nghị định 33, miễn áp dụng thu tiền thuê mặt nước.

Sẽ sớm sửa Nghị định 123

Được biết sau khi PVN kiến nghị, ngày 5-8, Thủ tướng đã có ý kiến giao cơ quan độc lập là Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ Tài chính, Công Thương, TN&MT và PVN nghiên cứu, cân nhắc sự cần thiết sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan đến vấn đề này. Cuộc họp tuần trước do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì đã đi đến kết luận giao các bộ trên trong tháng 9 có giải pháp cụ thể báo cáo Thủ tướng.

“Nhiều khả năng trong lúc đợi sửa Nghị định 123 theo quy trình cần nhiều thời gian, Chính phủ sẽ giải quyết vấn đề này bằng nghị quyết phiên họp thường kỳ hằng tháng” - một nguồn tin từ Chính phủ cho biết. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm