TAND Tối cao trả lời cử tri về đề nghị tăng mức bồi dưỡng cho hội thẩm nhân dân

(PLO)- TAND Tối cao đã chủ trì xây dựng Pháp lệnh về chi phí tố tụng, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định để nâng định mức chi bồi dưỡng cho hội thẩm nhân dân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Vừa qua, TAND Tối cao đã có công văn trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, gửi tới Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận.

hoi-tham-nhan-dan.jpg
Một phiên tòa với sự tham gia của hội thẩm nhân dân trong thành phần HĐXX. Ảnh: CTV

Theo đó, văn bản nhằm phúc đáp Công văn số 499/BDN ngày 14-6-2024 của Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuyển kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội, đối với kiến nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đề nghị tăng mức hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng cho Đoàn hội thẩm nhân dân cấp huyện.

TAND Tối cao cho rằng mức chi bồi dưỡng tham gia phiên tòa, nghiên cứu tài liệu của hội thẩm nhân dân tại Quyết định 41/2012 của Thủ tướng quy định về chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự là 90.000 đồng/ngày. Mức chi bồi dưỡng này quá thấp so với chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm được giao cũng như điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Trước thực trạng trên, trong những năm qua, TAND Tối cao đã nhiều lần đề nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định 41/2012 theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng và nâng định mức chi bồi dưỡng cho thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký tòa án.

Tuy nhiên, tại Công văn 8476/VPCP-KTTH ngày 6-9-2018 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến như sau: "Từ nay đến khi ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, không xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách tiền lương hiện hành".

Vì vậy, việc sửa đổi Quyết định 41/2012 chưa được xem xét, tiến hành trong thời gian qua. Trong bối cảnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện từng bước, thận trọng, nếu tiếp tục chậm ban hành quy định mới về mức chỉ bồi dưỡng cho hội thẩm tham gia xét xử là không phù hợp với thực tế yêu cầu nhiệm vụ.

TAND Tối cao cũng cho biết hiện nay, TAND Tối cao đã chủ trì xây dựng Pháp lệnh về chi phí tố tụng. Trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định để nâng định mức chi bồi dưỡng cho hội thẩm nhân dân.

Hiện nay, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đang thẩm tra để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian tới. TAND Tối cao kính đề nghị các Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận tiếp tục quan tâm, có ý kiến để Pháp lệnh sớm được thông qua. Từ đó, đảm bảo chế độ làm việc cho hội thẩm nhân dân, góp phần giúp TAND các cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm