Như Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã phát biểu tại Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), trong quá trình cải cách tư pháp ở Việt Nam (VN), cần nghiên cứu, sửa đổi và hoàn thiện chế định hội thẩm nhân dân (HTND). Đây cũng là định hướng lớn trong Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống tòa án VN đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp, đã được TAND Tối cao tổ chức hội thảo vào cuối tháng 4-2021.
Luật sư Phan Trung Hoài bào chữa trong một phiên tòa ở TAND TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Phải thật sự đại diện cho người dân
Câu hỏi đặt ra là việc hoàn thiện chế định HTND cần thực hiện theo định hướng nào?
Có thể nói, do nguyên nhân từ lịch sử, mô hình tố tụng hình sự (TTHS) và hệ thống tổ chức tòa án VN chịu nhiều ảnh hưởng từ mô hình TTHS thẩm vấn. Bộ luật TTHS 2015 đã ghi nhận nhiều nguyên tắc cơ bản TTHS tiến bộ, đặc biệt là các nguyên tắc suy đoán vô tội, đảm bảo tranh tụng trong xét xử, phán quyết của tòa án phải xuất phát từ kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Điều này cho thấy mô hình TTHS VN đang có sự giao thoa mạnh mẽ, tiếp thu có chọn lọc nhiều điểm tiến bộ của mô hình TTHS tranh tụng, trong đó đặc biệt liên quan đến việc bảo đảm và mở rộng tranh tụng, nâng cao vị trí, vai trò của luật sư. Từ đó, việc hoàn thiện chế định HTND có thể thực hiện theo một số định hướng dưới đây:
Thứ nhất, cần tiếp tục duy trì những ưu điểm của mô hình TTHS thẩm vấn, tiếp thu những hạt nhân hợp lý của mô hình TTHS tranh tụng và thực tiễn “giao thoa” (điển hình của mô hình TTHS Liên bang Nga và Nhật Bản). Xây dựng cơ chế đảm bảo tranh tụng ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử, phán quyết của tòa án phải xuất phát từ kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại tòa. Tòa án có trách nhiệm trong việc xác định sự thật vụ án, sau phần thẩm vấn của kiểm sát viên và người bào chữa mà thấy còn những vấn đề chưa rõ, chưa đủ cơ sở ra phán quyết thì thẩm phán chủ tọa phiên tòa và các HTND có thể yêu cầu thẩm vấn thêm… Nói cách khác, cần tiến tới xây dựng hình ảnh tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp nhưng đóng vai trò là trọng tài khách quan, là nơi người dân có cơ hội tiếp cận công lý, HTND thật sự đại diện cho người dân tham gia hoạt động xét xử.
Cần xây dựng cơ chế để HTND thật sự đại diện cho người dân tham gia hoạt động xét xử.
Xây dựng Đề án hội thẩm đoàn
Thứ hai, cần mở rộng cơ cấu thành phần, đối tượng tham gia làm HTND theo hướng lựa chọn những công dân từ 27 tuổi trở lên, tốt nghiệp phổ thông trung học, đáp ứng đủ tiêu chuẩn, không phân biệt thành phần, tầng lớp xã hội, trình độ hiểu biết pháp luật nhằm bảo đảm hội thẩm thực sự là người đại diện cho nhân dân. Không lựa chọn người trên 65 tuổi, người có nhược điểm về thể chất và tâm thần, người được bổ nhiệm hay được bầu trong cơ quan nhà nước, người là thành viên các lực lượng vũ trang, thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, luật sư, công chứng viên, chấp hành viên trong khi được tuyển dụng hoặc năm năm sau đó…
Thứ ba, cần xây dựng Đề án tổ chức và hoạt động hội thẩm đoàn, như là thiết chế mới bổ sung để nâng cao chất lượng và tăng thêm sự tham gia của nhân dân trong các vụ án hình sự nghiêm trọng như TAND Tối cao đã đề xuất. Và như ý kiến của Chánh án TAND Tối cao, hội thẩm đoàn sẽ xem xét, cho ý kiến về việc bị cáo có tội hay không có tội trên cơ sở trả lời các vấn đề sau đây theo nguyên tắc đa số: Có hành vi phạm tội không; bị cáo có phải là người thực hiện hành vi phạm tội đó hay không; bị cáo có lỗi trong việc thực hiện hành vi phạm tội không; nếu bị cáo có tội thì có đáng được khoan hồng (miễn hình phạt, giảm hình phạt...) hay không.
Ý kiến của hội thẩm đoàn có ý nghĩa tham vấn đối với HĐXX. HĐXX sẽ quyết định tất cả vấn đề liên quan đến việc xác định sự thật của vụ án và áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án: Tội danh, mức hình phạt, trách nhiệm dân sự, những nội dung khác theo luật định.
Ngoài ra, ngành tòa án cần xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động, bộ quy tắc về đạo đức của hội thẩm, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của hội thẩm khi tham gia xét xử một số loại vụ án đặc thù, kể cả nghiệp vụ xét xử bằng hình thức trực tuyến và mô hình tòa án điện tử sau này.•
Xây dựng cơ chế tuyển chọn hội thẩm nhân dân
Việc hoàn thiện pháp luật về chế định HTND cần thực hiện với giới hạn nhiệm kỳ nhất định, đảm bảo được tiêu chuẩn, chất lượng, đặc biệt là không phụ thuộc vào tiêu chí bằng cấp hoặc trình độ hiểu biết về pháp luật để tạo sự khách quan, công bằng, không thiên vị và không bị ảnh hưởng bởi quyết định hoặc chi phối của thẩm phán theo hướng bất lợi cho người bị buộc tội.
Cụ thể, cần xây dựng cơ chế tuyển chọn và phát triển HTND theo ba hướng: (1) Tạo cơ chế lựa chọn mang tính khách quan, bình dân, phổ thông vào danh sách ứng cử viên làm hội thẩm; (2) Danh sách hội thẩm được lựa chọn bằng cách rút thăm ngẫu nhiên, không chỉ định trước hoặc chỉ lựa chọn những hội thẩm “biết nghe lời” thẩm phán; (3) Tạo cơ hội cho hội thẩm được quyền tham gia bày tỏ cảm nhận của người bình dân vào quá trình xét xử và hình thành phán quyết của tòa án.
Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu sửa đổi chế độ bồi dưỡng của hội thẩm khi tham gia xét xử, được nhận tiền lương bằng 1/2 tiền lương của một thẩm phán, trong mọi trường hợp không ít hơn tiền lương họ nhận được đối với công việc chính của mình tại cùng một thời gian (số ngày) họ tham gia xét xử.