Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết các sản phẩm nông nghiệp của thành phố chỉ cung ứng được 15%-20% nhu cầu tiêu thụ, nguồn còn lại về từ các tỉnh và nhập khẩu. Việc gắn kết nơi sản xuất cung ứng với thị trường tiêu thụ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa sản xuất và tiêu dùng là vấn đề thiết thực hiện nay.
Theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế-xã hội, việc bình ổn giá của TP.HCM phải đặt trong sự liên kết với vùng đồng bằng sông Cửu Long vì TP là đầu tàu kinh tế của cả nước, mỗi khi thị trường có biến động đều tác động đến vùng cũng như các tỉnh khác. Bên cạnh đó, đồng bằng sông Cửu Long là nguồn cung nguyên liệu nông sản chủ yếu cho TP. Vì thế, đặt vấn đề bình ổn giá mà không đặt từ gốc thì không giải quyết được căn cơ mối quan hệ liên kết trong quá trình tổ chức sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm…
Để mối liên kết đạt hiệu quả, cần phải hợp tác toàn diện, lấy thế mạnh riêng của mỗi tỉnh bổ sung cho nhau, đặt mục tiêu trọng tâm là ổn định thị trường TP và các tỉnh trong vùng. Người nông dân phải tham gia tích cực và được hưởng lợi xứng đáng trong chuỗi liên kết. Quỹ bình ổn giá cần được xây dựng nhằm tạo nguồn lực vật chất, chủ động can thiệp thị trường khi cần thiết.
Hiện nay nguồn nguyên liệu chính của các chương trình bình ổn lương thực thực phẩm được là từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương TP.HCM), cho biết theo chỉ đạo của UBND, Sở đã ký kết hợp tác với 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các DN triển khai chương trình này tìm kiếm nguồn hàng có giá hợp lý, chất lượng để tiêu thụ ở TP, đồng thời giúp DN đầu tư sản xuất ổn định.
Đây cũng là dịp các địa phương tìm kiếm cơ hội liên kết đầu tư, khai thác thế mạnh, các DN thì phát triển mạng lưới phân phối ra các tỉnh. “Năm nay chúng tôi đã làm việc với các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bình Thuận, Lâm Đồng…” - ông Phương nói.
TÚ UYÊN