Ngày 29-3, một ngày sau khi xăng tăng giá 1.430 đồng/lít, dư luận cùng các chuyên gia kinh tế, các DN sản xuất đã phản ứng về cách điều hành giá của cơ quan quản lý. Bởi trong lúc giá thế giới giảm nhẹ, giá trong nước lại bị tăng.
Lý do chống buôn lậu không thuyết phục
Theo lý giải của Bộ Tài chính, một trong những nguyên nhân cần tăng giá là do giá xăng trong nước thấp hơn giá các nước lân cận.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng cách lý giải trên khó tạo được sự đồng thuận của người dân. Việc chống buôn lậu là việc của cơ quan chức năng… chứ không thể bắt nền kinh tế, người dân chịu trận.
“Mỗi nước có một chính sách thuế, giá khác nhau. Vì vậy, không thể so sánh giá xăng của nước này với nước kia. Nếu chỉ vì giá xăng của Lào, Campuchia đang cao hơn nước ta nên phải tăng giá thì tại sao không so sánh ngược lại với các nước có giá xăng thấp hơn như Mỹ, Malaysia, Ai Cập…?. Điều quan trọng ở đây là giá xăng mà DN thực nhập đầu vào là bao nhiêu?” - vị này nói.
Ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, phân tích thêm: Cách đây nhiều năm, có thời điểm giá xăng của Ba Lan rẻ hơn so với Đức. Vì vậy, người dân Đức cũng sang Ba Lan để mua. Từ đây, Ba Lan cũng chịu áp lực và phải tăng giá. “Do đó, phải thừa nhận là có những tác động bên ngoài. Tuy nhiên, nếu công tác của hải quan tốt thì chắc chắn chúng ta không phải chọn phương án tăng giá. Tôi cho rằng việc tăng giá để tránh buôn lậu có thể chấp nhận được với một điều kiện, tăng giá này nhằm đảm bảo tăng nguồn thu ngân sách chứ không phải tăng để DN xăng dầu hưởng lợi”.
Khi tính giá xăng, ta luôn so sánh với các nước cao hơn trong khi trong khu vực vẫn có các nước có giá thấp hơn nhiều. Ảnh: HTD
Ông Phong cũng bàn thêm: Mọi sự so sánh giá xăng với các nước luôn khập khiễng. Bởi mỗi nước có chính sách giá khác nhau, ta không thể cứ chạy theo. Chẳng hạn, Indonesia mỗi năm cũng trợ giá cho xăng khoảng 34 tỉ USD/năm. Do đó, giá xăng của nước này rất thấp so với Việt Nam. Nếu ta so sánh ta với Lào, Campuchia thì người dân so sánh ngược lại ta với Indonesia, Nhà nước tính sao?
“Đợt tăng giá này không ổn”
10 ngày qua, giá xăng A92 thành phẩm tại thị trường Singapore liên tục giảm nhẹ, trung bình ở mức 119 USD/thùng. Mức giá trung bình 30 ngày cũng dao động khoảng 120-122 USD/thùng. Như vậy, với mức giá này, trước thời điểm tăng giá, khi DN của ta còn sử dụng quỹ bình ổn (2.000 đồng/lít), DN đã lãi gần 1.200 đồng/lít. Nếu quỹ bình ổn của DN nào đã cạn thì tương đương, DN lỗ 700-800 đồng/lít. Như vậy, với mức giá mới mà Bộ Tài chính cho phép DN tăng, ngoài mức lợi nhuận định mức 300 đồng/lít, nay DN còn lãi thêm khoảng 400 đồng/lít nữa.
Vậy nếu các DN lỗ, chuyện tăng giá không phải là vấn đề. Điều đáng bàn, theo các chuyên gia thì đó là cách hành xử “lạnh lùng” của cơ quan quản lý.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thẳng thắn: “Đợt tăng giá lần này tôi thấy có mấy vấn đề cần nói. Thứ nhất, tăng giá mà không hề có đề nghị tăng của công ty xăng dầu nào. Thứ hai, việc tăng giá là cách đẩy gánh nặng vào người dân mà liên bộ lại làm một cách lạnh lùng, hành chính. Nếu tôn trọng người dân, ít nhất Bộ cũng phải trình bày quỹ bình ổn giá hiện nay là bao nhiêu và đã chi hết bao nhiêu. Tôi cho rằng liên bộ Tài chính - Công Thương nên nói rõ”.
Cũng theo ông Doanh, rõ ràng có lợi ích nhóm trong quỹ bình ổn. Cơ quan quản lý đã để DN xả quỹ bình ổn quá lớn, DN lỗ ít nhưng lại xả quỹ nhiều. “Khi đã liên quan đến số tiền lớn như vậy thì nên có kiểm toán, các hiệp hội vào giám sát vấn đề này” - ông Doanh đề nghị.
“Tôi đồng ý với ý kiến cần giải trình lại về việc sử dụng quỹ bình ổn có đúng không? Quỹ có âm không? Tăng giá như vậy thì bao lâu sẽ khôi phục quỹ bình ổn?” - TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trường ĐH Kinh tế-Luật, nói.
Ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng cần sòng phẳng nhìn nhận lại về cách điều hành giá xăng trong thời gian qua. “Đáng lẽ lúc giá thế giới tăng thì Nhà nước nên cho tăng giá, khi đó người dân dù muốn hay không vẫn thoải mái. Nhưng cơ quan quản lý lại níu lại giá bằng quỹ bình ổn. Giờ hết quỹ thì lại lục tục cho tăng giá trong khi xu hướng giá thế giới đang giảm nhẹ. Vì vậy, thời điểm này, người dân rất dễ cho rằng Nhà nước đang cố tình cho tăng giá” - ông Phong nói.
Sẽ minh bạch để người dân giám sát Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ tối 29-3, trước các câu hỏi của báo chí về việc tăng giá xăng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Hơn một tháng trước, nhiều tờ báo đã phản ánh giá nhiên liệu thế giới tăng cao hơn nhiều giá trong nước, ngoài khả năng chịu đựng của các đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Liên bộ Tài chính - Công Thương đã báo cáo, đề nghị Chính phủ cho điều chỉnh giá. Đồng thời, dự báo giữa tháng 3 trở đi, mùa đông lạnh giá kết thúc thì giá nhiên liệu thế giới sẽ đi xuống. Lúc ấy trong nước mới tăng giá thì dư luận dễ hiểu lầm. Nhưng lúc ấy Thủ tướng cân nhắc tình hình, vì mục đích kiểm soát lạm phát, vì lợi ích người dân mà quyết định chưa tăng giá. Thay vào đó là sử dụng quỹ bình ổn giá để gỡ khó cho doanh nghiệp xăng dầu. Nay quỹ bình ổn giá đã cạn. Giá xăng dầu thế giới tuy có giảm nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với giá cơ sở trong nước, vì vậy buộc phải điều chỉnh tăng giá. Xin khẳng định lại, việc điều chỉnh giá xăng dầu, tăng thì dân kêu, giảm thì nhiều người mừng nhưng tất cả đều phải minh bạch. Không phải liên bộ hay doanh nghiệp thích thì tăng. Điều quan trọng là phải công khai, minh bạch, kể cả quỹ bình ổn giá. Theo báo cáo của liên bộ, các thông tin ấy đều đã được công khai. Đề nghị liên bộ Tài chính - Công Thương chỉ đạo đảm bảo thực hiện đúng. . Tinh thần chỉ đạo là công khai, minh bạch. Nhưng thực tế chỉ khi nào điều chỉnh giá, liên bộ Tài chính - Công Thương mới họp báo công bố, giải thích. Chưa kể, việc trích, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đến nay chưa hề được công khai. Tại sao vậy? + Thứ trưởngTài chínhVũ Thị Mai: Chúng tôi đã công khai hết các căn cứ điều chỉnh giá, tinh thần là tất cả đều phải minh bạch. Riêng vấn đề Quỹ bình ổn giá, chúng tôi xin ghi nhận. Sẽ công khai, minh bạch để báo chí, người dân giám sát. . Lần điều chỉnh giá này chưa thấy Nhà nước chia sẻ với người tiêu dùng. 1 lít xăng hiện cõng 10.000 đồng thuế, phí các loại… Vậy tại sao không giảm thuế? + Quan điểm của liên bộ Tài chính - Công Thương trong điều hành giá xăng dầu là hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Lần điều chỉnh này cũng vậy. Quỹ bình ổn đã được huy động sử dụng hết mới tăng giá. Mức tăng trên cơ sở tính đủ chi phí kinh doanh xăng dầu, đảm bảo lợi nhuận hợp lý cho người kinh doanh. Riêng thuế nhập khẩu, liên bộ đã tính đến. Hiện áp dụng 12% với xăng, 8% với diesel, 10% với dầu hỏa và mazut - đều thấp hơn mức tối đa 20% theo luật định. Vì vậy, chúng tôi quyết định giữ nguyên. NGHĨA NHÂN Việc tăng giá lần này chắc chắn sẽ buộc các DN vận tải phải điều chỉnh tăng giá và cuối cùng cũng lại dồn gánh nặng vào túi của người dân. Nói thật là các DN và hiệp hội đều “sốc” với giá xăng nên chưa ai có thể bình tâm ngồi tính toán xem giá cước vận tải sẽ tăng bao nhiêu là hợp lý. Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Hiện các DN vận tải đang phải chịu đủ thứ phí như phí sử dụng đường bộ, phí giao thông… Sáng mở mắt ra riêng về phí thì mỗi ngày DN của tôi đã mất đến cả chục triệu đồng. Trong khi đó, hiện các đơn hàng vận chuyển lại không có, nhiều DN ế, xe nằm tại chỗ. Giá xăng tăng thì chắc chắn các DN vận tải phải tăng giá theo, biết làm sao được. Ông ĐỖ XUÂN PHÚ, Giám đốc Công ty Vận tải Minh Liên, TP.HCM THÀNH VĂN ghi |
MAI PHƯƠNG