Tang lễ anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy diễn ra sáng 24-9

Sau lễ tang tại TP.HCM, linh cữu phi công Nguyễn Văn Bảy được đưa về quê nhà ở xã Tân Dương, huyện Lai Vung (Đồng Tháp).

Lễ viếng tại quê nhà được tổ chức từ 12 giờ ngày 26-9. Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 12 giờ ngày 27-9, an táng tại nghĩa trang gia đình thuộc xã Tân Dương, huyện Lai Vung (ĐồngTháp). Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bảy (tên khai sinh là Nguyễn Văn Hoa), sinh ngày 2-2-1936 tại xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Người phi công anh hùng đã từ trần hồi 21 giờ ngày 22-9 tại BV Quân y 175 (TP.HCM) do xuất huyết não.

Đại tá Nguyễn Văn Bảy thuộc thế hệ phi công lái máy bay chiến đấu đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cả sự nghiệp của ông gắn liền với dòng máy bay MiG-17 huyền thoại với bảy lần bắn rơi máy bay Mỹ và luôn trở về căn cứ an toàn sau mỗi cuộc không chiến.

Đại tá phi công anh hùng Nguyễn Văn Bảy. Ảnh: TL

Đại tá Nguyễn Thanh Bình, nguyên Phó Giám đốc Xí nghiệp Hải Âu, Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam, cho hay năm 1970, ông về làm sĩ quan chỉ huy bay thuộc Trung đoàn 923, khi đó anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy làm phó trung đoàn trưởng.

Theo ông Bình, dù thời gian gián đoạn, tuy nhiên 10 năm quân ngũ gắn bó với anh Bảy, người chỉ huy, người đồng đội, ông cảm nhận anh Bảy là người tình nghĩa, hiền từ và chân thành với anh em. Tính cách này cũng thấm vào trong công việc của anh. Thế nhưng trong chiến đấu, anh là một con người đầy quyết đoán, mưu lược và sáng tạo. Đó là niềm cảm hứng và truyền lửa cho biết bao thế hệ phi công.

“Anh là người quả cảm với “học thuyết” cận chiến đối với quân chủng không quân, bởi thực tế chứng minh anh từng bị vây giữa đội hình máy bay địch, anh từng nói “sướng” nhất là khi bị vây, bởi cự ly quá gần đối phương không dám bắn vì sợ “quân ta bắn quân ta” thế nên anh mặc sức vẫy vùng tung hoành trong vòng sinh tử ấy. Còn sự quả cảm của anh thì có thể nói có một không hai, đó là khi tận thấy chính xác phi công trong buồng lái mới bắn mà trong chuyên môn quân chủng gọi là bắn chính xác, bắn chắc ăn. “Học thuyết” cận chiến từ đó trở thành bài bình giảng trong quân chủng và áp dụng vào thực tiễn chiến đấu” - ông Bình kể.

Cũng theo ông Bình, khi lui về đời thường cuộc sống, sinh hoạt của ông Bảy cũng bình dị như chất người Nam bộ của ông. Ông không mảy may toan tính danh lợi, lo vun vén riêng tư. Ba người con của ông hai trai, một gái cũng làm những công việc bình thường như bao người, dù cha là anh hùng lực lượng vũ trang.

“Cùng đồng đội bên anh, tôi thắp nén nhang và thầm nói với anh “anh ơi, anh từng nói với em đường vào nhà anh giờ đã bê tông khang trang chứ không sình lầy như bao năm trước em đã về, vậy mà anh đã đi xa…” - ông Bình ngậm ngùi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm