Trong tuần qua, thông tin về việc tăng lương cơ sở, nhiều cán bộ, công chức, viên chức được tăng lương nhưng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sẽ tăng theo, thu hút sự quan tâm của bạn đọc.
Một số bạn đọc đề nghị các cơ quan chức năng nên có phương án tăng mức giảm trừ gia cảnh theo lương cơ sở để phù hợp với thực tế.
Lương không đủ sống, phải nộp thuế
Bạn đọc Tuấn Hải bình luận: “Cách đây một năm, tiền ăn cả gia đình tôi là 150.000 đồng/ngày nhưng hiện nay tăng lên 200.000 đồng/ngày, có khi không đủ. Nếu tính sơ mức chi tiêu hằng tháng trung bình của một người sống ở TP.HCM thì cũng phải trên 6 triệu đồng. Trong khi mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng thì không hợp lý. Vì thế, cơ quan chức năng phải tính toán như thế nào để nâng mức giảm trừ gia cảnh lên cho người nộp thuế”.
Bạn đọc Thiên An ý kiến: “Theo tôi, quy định mức giảm trừ gia cảnh phải được tăng theo mức lương cơ sở. Tức mức lương cơ sở tăng lên 20,8% thì mức giảm trừ gia cảnh để tính thuế TNCN cũng phải điều chỉnh tăng lên”.
“Thực tế hiện nay, mức lương tăng của người lao động không theo kịp mức giá tăng của hàng hóa. Nếu quy định thuế TNCN đã quá lạc hậu thì cần phải sớm sửa luật, theo hướng nâng ngưỡng mức chịu thuế. Có như thế, việc tăng lương cơ sở mới đúng mục tiêu là hỗ trợ người lao động” - bạn đọc Hạnh Nguyễn nêu.
Điều chỉnh giảm trừ gia cảnh theo mức lương
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích theo Luật Thuế TNCN thì mức giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú.
Giảm trừ gia cảnh gồm hai phần, trong đó mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm) và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.
Thực tế hiện nay, mức lương tăng của người lao động không theo kịp mức giá tăng của hàng hóa. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Tại Nghị quyết 954/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, điều chỉnh theo hướng tăng mức giảm trừ gia cảnh. Theo đó, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Mức 4,4 triệu đồng/tháng với giá cả như hiện nay, để lo được cuộc sống cho một đứa trẻ cũng là điều mà nhiều gia đình phải tằn tiện, đặc biệt là tại các đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội.
“Chính những thực tế trên, cần phải điều chỉnh quy định và nâng mức giảm trừ gia cảnh cho đối tượng chịu thuế. Theo đó, khi điều chỉnh quy định thì nên chăng thay vì đưa ra con số cụ thể phải nộp thuế TNCN và mức giảm trừ gia cảnh thì dựa vào tiền lương cơ sở mà điều chỉnh theo” - luật sư Hoan nêu ý kiến.
Các nước châu Á tính thuế thu nhập cá nhân ra sao?
Ở Singapore, một người phải chịu thuế TNCN đối với các việc làm, dịch vụ được thực hiện tại Singapore, bất kể tiền thù lao được trả ở trong hay ngoài Singapore. Còn các cá nhân cư trú có thu nhập từ các nguồn bên ngoài Singapore không phải chịu thuế đối với khoản thu nhập đó. (Theo trang HSBC Expat)
Thuế suất của thuế TNCN ở Singapore đối với người nộp thuế cư trú là thuế lũy tiến. Điều này có nghĩa là những người có thu nhập cao phải trả mức thuế cao tương ứng, với mức thuế suất thuế TNCN cao nhất hiện nay là 22%, theo Cơ quan Doanh thu nội địa Singapore (IRAS).
Ở Trung Quốc (TQ), thuế TNCN cho người cư trú, như công dân TQ, người nước ngoài ở TQ theo thời gian quy định, cũng tính theo thuế lũy tiến.
Chẳng hạn thu nhập 36.000-144.000 nhân dân tệ (CNY) sẽ chịu thuế suất là 10%, còn thu nhập trên 960.000 CNY sẽ chịu thuế suất là 45%.
Theo trang HR One, mỗi loại thu nhập, chẳng hạn như tiền lương, tiền lãi, tiền tác quyền, tiền lời từ việc cho thuê… sẽ có các ngưỡng chịu thuế TNCN khác nhau. Chẳng hạn, theo Luật Thuế TNCN của TQ, mức đóng thuế TNCN là từ 5.000 CNY trở lên (khoảng 16,5 triệu đồng).
ĐỨC HIỀN