Tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội đang diễn ra, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) dù thừa nhận những chuyển biến tích cực dưới sự điều hành của Chính phủ nhưng cũng cho rằng còn nhiều tồn tại.
Phải tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy
“Những kết quả đạt được cũng chỉ là thành công ban đầu và chủ yếu nhờ vào các giải pháp mang tính ngắn hạn cộng với sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều vấn đề mang tính cơ cấu của nền kinh tế mới chỉ được nhận diện mà chưa có phương án giải quyết một cách căn cơ” - ông Lộc nói.
ĐB Vũ Tiến Lộc cho rằng: Kinh tế-xã hội vẫn còn những câu chuyện "cười ra nước mắt". Ảnh: CHÂN LUẬN
Lấy ví dụ về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ĐB Lộc cho rằng: “Việt Nam là một trong những quốc gia nói nhiều nhất về “cách mạng 4.0” nhưng nếu tư duy quản lý và các chính sách về giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ .v.v. không có những thay đổi căn bản thì lấy đâu ra nguồn nhân lực và phát minh, sáng chế để khởi nghiệp, để ứng dụng vào sản xuất kinh doanh?”.
Đặc biệt, theo ĐB Lộc, Chính phủ đã cố gắng cân bằng ngân sách, khống chế nợ công bằng các khoản thu một lần như bán đất, bán tài sản công hay thu từ cổ tức của các DNNN.
“Khi các nguồn này dần cạn kiệt chúng ta phải chuyển sang tăng thu từ thuế. Nhưng nếu chủ trương tinh giản bộ máy, biên chế để giảm chi thường xuyên, để lấy nguồn cho đầu tư được thực hiện tốt hơn thì chúng ta sẽ không phải tăng thuế, phí dồn dập, tận thu khiến người dân bức xúc” - ĐB Lộc nói.
Ông cũng nhấn mạnh nếu tăng thuế quá mức sẽ tạo nên một sự dịch chuyển nguồn lực từ khu vực tư đang hoạt động hiệu quả sang khu vực công hoạt động kém hiệu quả hơn.
Lấy Quỹ Bảo hiểm xã hội làm ví dụ, ĐB Lộc phân tích: “Việc tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu của các quốc gia để thích ứng với tình trạng già hóa dân số. Nhưng đó chỉ là một khía cạnh của vấn đề cân đối thu-chi của Quỹ. Nếu khả năng sinh lời của Quỹ Bảo hiểm xã hội không đủ bù đắp được lạm phát cũng như tốc độ tăng lương cơ bản, lương tối thiểu, thì việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng không giải quyết được vấn đề. Tôi chưa thấy các cơ quan chức năng bàn đến chuyện này” - ông Lộc nói.
Cười ra nước mắt
Ghi nhận những nỗ lực về cải cách thể chế nhưng ĐB Lộc nói: “Vẫn còn những câu chuyện cười ra nước mắt, chỉ có ở Việt Nam, như “một thỏi sô-cô-la cõng 13 giấy phép” hay chuyện “thời gian nuôi gà còn ngắn hơn thời gian xin giấy phép được bán gà” vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi...”.
ĐB Lộc nhận xét, hiện vẫn còn bốn bộ ngành còn chưa rà xét và xây dựng phương án đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, bốn bộ ngành khác còn chưa xây dựng được dự thảo nghị định.
Mặt khác, với yêu cầu giải quyết tận gốc rễ của vấn đề là cơ chế xin-cho, ĐB Lộc cho rằng các loại “luật ống, luật khung” không phải là giải pháp. Bởi những loại luật này vẫn cần phải có các nghị định, thông tư hướng dẫn và tình trạng giấy phép con, cháu và các thủ tục hành chính rườm rà sẽ biến tướng, phục hồi và vẫn đè nặng lên doanh nghiệp.
Để tập trung vào nhiệm vụ cải cách thể chế, ĐB Lộc đề nghị các cơ quan Chính phủ cần phải được giải phóng khỏi những việc mà xã hội, thị trường và cấp dưới có thể làm.
“Cần đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa, bỏ nhanh chức năng chủ quản doanh nghiệp nhà nước của các bộ ngành, đẩy mạnh xã hội hóa và chuyển giao dịch vụ công, trong đó có các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư cho xã hội và thị trường, đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho địa phương và cơ sở theo đúng tinh thần của các nghị quyết của Đảng và của Quốc hội…” ĐB Lộc nói và lưu ý đây là kỳ họp đầu tiên trong nhiều năm, Quốc hội chỉ họp trong 20 ngày do Chính phủ không chuẩn bị kịp được các dự thảo luật.
“Điều này cho thấy các bộ ngành đã phải ôm đồm quá nhiều công việc và đã không dành đủ thời gian và tâm sức để thực hiện chức năng chính yếu của mình là xây dựng thể chế và hoạch định chính sách” - ĐB Lộc nói.
Dứt bài phát biểu bảy phút, ĐB Lộc hy vọng các cơ quan Chính phủ cần quan tâm hơn đến những cải cách thể chế sâu rộng, mang tính hệ thống và dài hạn để giải phóng sức dân, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trong nước.
Bởi “một người lo bằng kho người làm” và Đảng đã nói: “Cải cách thể chế là khâu đột phá”.