Tăng trưởng, lạm phát năm 2024 và mách nước với các nền kinh tế

(PLO)- Kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo tăng trưởng khá khiêm tốn, lạm phát có giảm song các chính phủ vẫn cần phải nỗ lực nhiều.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nền kinh tế thế giới vừa trải qua một năm đầy thăng trầm. Ngoại trừ một số điểm tích cực, bức tranh kinh tế thế giới vẫn còn ảm đạm và được dự báo sẽ phải đối mặt với thách thức trong năm tới. Lạm phát mặc dù có giảm, song cuộc chiến chống lại tình trạng này vẫn còn khá cam go.

Tăng trưởng khiêm tốn

Trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm tới vẫn ở mức khiêm tốn, do tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ, thương mại yếu kém, niềm tin kinh doanh và niềm tin người tiêu dùng thấp.

OECD dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu là 2,9% cho cả năm 2023, sau đó giảm nhẹ xuống 2,7% vào năm 2024 và cải thiện đôi chút lên 3,0% vào năm 2025. Châu Á dự kiến ​​sẽ tiếp tục chiếm phần lớn tăng trưởng toàn cầu trong năm 2024-2025, tương tự như năm 2023.

Tăng trưởng GDP ở Mỹ được dự đoán là 2,4% vào năm 2023, trước khi giảm xuống 1,5% vào năm 2024 và sau đó tăng nhẹ lên 1,7% vào năm 2025, nhờ chính sách tiền tệ dự kiến ​​sẽ được nới lỏng do lạm phát đang dần giảm.

kinh tế thế giới - lạm phát
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở San Diego (bang California, Mỹ). Ảnh: GETTY IMAGES

Tại khu vực đồng euro - nơi bị ảnh hưởng tương đối nặng nề do chiến sự Nga-Ukraine và cú sốc giá năng lượng, tăng trưởng GDP được dự đoán là 0,6% vào năm 2023, trước khi tăng lên 0,9% vào năm 2024 và 1,5% vào năm 2025.

Trung Quốc dự kiến tăng trưởng ở mức 5,2% trong năm nay, trước khi giảm xuống 4,7% vào năm 2024 và 4,2% vào năm 2025 do những căng thẳng đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản và tỉ lệ tiết kiệm hộ gia đình tiếp tục ở mức cao.

Giới chuyên gia nhận định rằng các nền kinh tế châu Á ít bị tác động tiêu cực hơn, do có cách tiếp cận khác với các nền kinh tế tiên tiến của phương Tây, có mức lạm phát tương đối thấp hơn, dẫn đến phản ứng từ các ngân hàng trung ương hạn chế hơn.

“Đó là một trong những lý do khiến chúng tôi cho rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính trong năm 2024” - Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế toàn cầu tại S&P Global Market Intelligence (nhà cung cấp dịch vụ thông tin tài chính - Mỹ), ông Ken Wattret nói.

Cuộc chiến lạm phát vẫn gay go

Theo một số nhà kinh tế hàng đầu, các ngân hàng trung ương dự kiến ​​sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất ở mức độ nhẹ vào giữa năm 2024, hãng AA đưa tin. Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giữ nguyên mức lãi suất 5,25% -5,50%. Ngân hàng Anh cũng giữ lãi suất chính sách ở mức 5,25%, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng duy trì lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay cận biên và lãi suất tiền gửi lần lượt ở mức 4,50%, 4,75% và 4,00%.

Các ngân hàng trung ương, chủ yếu ở các nền kinh tế lớn, cho biết sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.

Theo ông Ahmet Ihsan Kaya - nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia Anh (NIESR), các quyết định của các ngân hàng trung ương về thời điểm và tốc độ bắt đầu cắt giảm lãi suất sẽ là một trong những động lực chính cho nền kinh tế toàn cầu trong năm tới.

“Mặc dù lạm phát chung đã giảm đáng kể, chủ yếu là do giá lương thực và năng lượng giảm, nhưng lạm phát cơ bản ở các nền kinh tế tiên tiến vẫn dai dẳng. Chúng tôi dự đoán các ngân hàng trung ương sẽ giữ lãi suất chính sách ở mức cao trong thời gian dài nữa, và điều này ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng toàn cầu vào năm 2024” - ông nói.

Tuy nhiên, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỉ lệ lạm phát toàn cầu được dự đoán là 5,8% vào năm 2024, với lạm phát cơ bản dự kiến sẽ không quay trở lại mức mục tiêu khoảng 2% cho đến năm 2025. Đồng quan điểm, Tổng thư ký OECD Mathias Cormann nhận định rằng lạm phát năm tới sẽ giảm, nhưng để quay lại mức mục tiêu 2% thì phải tới ít nhất năm 2025.

Nhiều vấn đề tồn đọng

Báo cáo của S&P Global Market Intelligence (nhà cung cấp dịch vụ thông tin tài chính - Mỹ) cho biết rằng hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu đã phục hồi đáng kể vào năm 2023.

Tuy nhiên, nguy cơ vẫn tồn tại, đặc biệt là trong các lĩnh vực chính sách công, lao động, và chính sách môi trường, có thể tác động mạnh mẽ đến triển vọng của chuỗi cung ứng trong năm 2024.

kinh-te-the-gioi-660.jpeg
Các xe container xếp hàng dài ở cụm cảng Ninh Ba-Chu Sơn (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc). Ảnh: REUTERS

Ngoài ra, các yếu tố như hiện tượng thời tiết El Nino, chiến sự Nga-Ukraine, xung đột Israel-Hamas, cũng như các biến động chính trị khác đều tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng, tốc độ tăng trưởng, và thị trường lao động ở nhiều khu vực. Những yếu tố này cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hàng hóa và năng lượng trên toàn cầu, dẫn đến sự tăng cao của giá cả lương thực và năng lượng.

Sự kiện bầu cử quan trọng trong năm tới, bao gồm ở Mỹ, Nga, Ấn Độ, Indonesia, Mexico,... cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến triển vọng kinh tế toàn cầu, đặc biệt cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.

Theo tờ The New York Times, các nhà lãnh đạo đắc cử sẽ đưa ra các quyết định chính sách quan trọng, tác động đến trợ cấp doanh nghiệp, thuế quan, chuyển giao công nghệ, phát triển trí tuệ nhân tạo, rào cản thương mại, đầu tư, giảm nợ, và quá trình chuyển đổi năng lượng. Tất cả những quyết định này đương nhiên là không thể dự đoán trước được.

Mách nước chính sách

Theo OECD, trước tình hình trên, các ưu tiên chính sách quan trọng cho các chính phủ hiện nay là đảm bảo lạm phát được giảm bớt một cách lâu dài, giải quyết các áp lực tài chính ngày càng gia tăng và cải thiện triển vọng tăng trưởng bền vững và toàn diện trong trung hạn.

Đầu tiên, chính sách tiền tệ cần tiếp tục hạn chế cho đến khi có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy áp lực lạm phát cơ bản đã giảm xuống một cách lâu dài, với kỳ vọng lạm phát sẽ giảm bớt hơn nữa và tái cân bằng cung cầu trên thị trường lao động và tiêu dùng.

Thứ hai, chính sách tài khóa cần chuẩn bị cho áp lực chi tiêu trong tương lai. Các chính phủ phải đối mặt với áp lực tài chính ngày càng tăng do gánh nặng nợ cao và chi tiêu bổ sung cho nhóm dân số già, quá trình chuyển đổi khí hậu và quốc phòng. Chi phí dịch vụ nợ cũng tăng lên khi các khoản nợ có lãi suất thấp đáo hạn, và nếu không hành động, gánh nặng nợ nần trong tương lai có thể sẽ tăng lên đáng kể.

Theo đó, các khuôn khổ tài chính trung hạn tiềm năng, với kế hoạch chi tiêu và thuế rõ ràng nhằm giải quyết áp lực tài chính trong tương lai và duy trì khoản đầu tư cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng dài hạn và chuyển đổi khí hậu, cũng rất cần thiết để đảm bảo tính bền vững và mang lại sự linh hoạt để ứng phó với những cú sốc trong tương lai.

Thứ ba, các chính phủ cần giữ thị trường mở và thực hiện cải cách cơ cấu để khôi phục tăng trưởng. Để đảo ngược tình trạng suy giảm tăng trưởng kinh tế lâu dài và giải quyết những thách thức cấp bách do dân số già đi, quá trình chuyển đổi khí hậu và số hóa, cần phải có những cải cách cơ cấu mạnh mẽ để tiếp thêm sinh lực cho tăng trưởng và cải thiện chất lượng tăng trưởng. Những nỗ lực nhằm cải thiện khả năng phục hồi của chuỗi giá trị cần tránh làm xói mòn những lợi ích về hiệu quả mà thị trường mở mang lại.

Ngoài ra, các chính phủ cũng cần phải tăng cường hợp tác đa phương để vực dậy thương mại toàn cầu; đẩy nhanh quá trình khử cacbon; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng xanh và kỹ thuật số…

“Cần có những nỗ lực mạnh mẽ hơn để xây dựng lại nền tài chính, cũng như thúc đẩy tăng trưởng. Để đảm bảo tăng trưởng mạnh mẽ hơn, chúng ta cần tăng cường cạnh tranh, đầu tư và kỹ năng, đồng thời cải thiện hợp tác đa phương nhằm giải quyết những thách thức chung, như thúc đẩy dòng chảy thương mại toàn cầu và có hành động ứng phó với biến đổi khí hậu” - Tổng thư ký OECD Mathias Cormann cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm