Bằng chứng là thuốc lá có tăng giá dài dài cũng chẳng mấy ai phàn nàn, trên bao có in hình ung thư vẫn không mấy ai sợ trong khi người nào cũng oán than nếu thuốc men tăng giá, cứ như thuốc lá là thuốc... bổ!
Ai cũng muốn nói không với bệnh hoạn nhưng với cuộc sống căng thẳng được đặt tên là văn minh của thế kỷ 21, với nhịp sống tất bật trong các TP lớn như Hà Nội, Sài Gòn, nơi hàng triệu người không chen chân mà chen xe trên các con đường nhỏ xíu ngắn ngủn ngập rác, nói không với thầy thuốc quả thật là chuyện khó tin. Tránh thầy thuốc sao được khi số cây xanh làm nhiệm vụ lá phổi cho TP chẳng còn được bao nhiêu! Né thầy thuốc sao nổi khi stress do kẹt xe, theo đánh giá của chuyên gia về bệnh do căng thẳng thần kinh, là loại căng thẳng độc hại bậc nhất nếu so với các nguyên nhân khác!
Bào hoài phải mòn!
Thêm vào đó, chạy trời sao cho khỏi nắng nếu sức đề kháng không ngừng bị đục khoét bởi độc chất trong môi trường ô nhiễm, trong thực phẩm không an toàn, trong văn phòng cao ốc thiếu dưỡng khí... Tránh sao khỏi gặp thầy thuốc khi sức kháng bệnh, nói theo tiếng chuyên môn là hệ miễn dịch, sớm muộn nếu không ù lỳ theo kiểu ngu gì mà làm thì cũng phản ứng theo kiểu nhanh nhảu đoảng một cách bấn loạn. Mong chi đến chuyện thủ huề, thua là cái chắc nếu chấp nhận khoanh tay ngồi chờ lúc “chợt một ngày tóc trắng như vôi”.
Tại sao không thiền khi đang kẹt xe? Xứ mình chẳng phải xưa nay nổi tiếng nhờ lòng nhẫn nại, nhờ tính hiếu khách đó sao?
Không đủ trớn, khó qua cầu
Nhưng nói thế không để thầy thuốc có cớ bó tay, cũng không để biện hộ cho thái độ chủ bại của người bệnh khi thụ động trao hết vận mạng may rủi vào tay thầy thuốc. Biết là phước chủ may thầy nhưng thường thì phước bất trùng lai, trong khi họa vô đơn chí mới kẹt cho người tiêu dùng (đồng nghĩa với người dễ tiêu đời vì phải thường dùng... thuốc). Để có thể đối đầu với cuộc sống trái nghĩa khỏe mạnh, chỉ còn cách duy nhất hòng thoát khỏi bàn tay ngón nào cũng dài của thầy thuốc, đó là làm sao bảo vệ nội lực. Bên cạnh nếp sinh hoạt sao cho cân đối giữa làm việc và nghỉ ngơi, bên cạnh chế độ dinh dưỡng đừng theo kiểu cân từng gam, đo từng li nhưng cũng đừng theo kiểu chọn bia thay nước, điểm mấu chốt để cơ thể chuyển bại thành thắng trước đối thủ quá mạnh chính là làm sao để mỗi ngày ta chọn cho được một niềm vui. Nếu được hai, ba càng tốt! Kiểu nào cũng được, miễn vui là chính.
Có khó lắm không?
Thầy thuốc ở Ấn Độ, nơi đông dân hơn xa nước mình, nơi stress không thua nước ta, không vô cớ tán dương phương pháp tập cười cho thường trong ngày, như nhân tố quyết định trong phác đồ điều trị nhiều căn bệnh thời đại. Thầy thuốc ở Hoa Kỳ, nơi luôn chiếm giải quán quân về số người nhồi máu cơ tim do stress, ắt hẳn phải có lý do chính đáng khi khuyên người dân bên đó tập thiền thay vì uống thuốc. Tại sao không thiền khi đang kẹt xe? Tại sao không tập cười trong giờ giải lao? Xứ mình chẳng phải xưa nay nổi tiếng nhờ lòng nhẫn nại, nhờ tính hiếu khách đó sao? Cớ sao bây giờ ai nấy đều khó đăm đăm khi ra đường, khi ngồi vào bàn giấy tiếp dân, khi lên bục giảng bài...? Đâu rồi nội tiết tố endorphin của não bộ để mỗi ngày mới là một bắt đầu của tin yêu và hy vọng? Đâu rồi nội tiết tố serotonin để gặp cảnh dù éo le cách mấy gia chủ vẫn ung dung ngoài vòng cương tỏa? Tại sao lại tự tay giúp sức để nội tiết tố stress của tuyến giáp, tuyến thượng thận tung hoành ngang dọc trên nỗi buồn của nạn nhân? Câu trả lời xin dành cho... thầy thuốc!
Cóqua cólại mới toạilòng nhau
Nói không với thầy thuốc quả thật rất khó khi bệnh tật cách mấy không mời cũng đến. Mặt khác, cũng không nên khăng khăng cương quyết nói không với quan lang vì nếu thế thì thầy thuốc lấy gì để sống khi giá vàng, giá nhà, giá đất tất cả đều tăng! Ai cũng hiểu “(thầy) thuốc là con dao hai lưỡi” nhưng thiếu thầy, thiếu thuốc trong lúc tối lửa tắt đèn lắm lúc khó vui. Thôi thì chỉ còn nước thân chúc độc giả ít khi phải “dạ, vâng” với thầy thuốc.
Định viết thêm ít hàng nhưng sực nhớ đã đến ngày tái khám để xin toa thuốc mới. Hy vọng lần này trên toa có gì khác lần trước để khi ra nhà thuốc tránh được cảm giác “thêm lần nữa thể theo lời yêu cầu của khán giả”. Lại thêm một lần khó lòng nói “không”!
Cuộc đời đằng nào cũng là bể khổ. Khóc thêm nào có ích gì! Tại sao ta không thử một lần ra khơi với nụ cười “còn chơi hết thôi”?! Trời vào thu buồn đứt ruột. Xin vớt vát với lời chúc độc giả của Pháp Luật Chủ nhật sáng nào cũng sẵn sàng ra sân với tinh thần tới luôn bác tài dù là… khó. Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai!