Tiên nữ tất nhiên không cần căng chỉ da mặt, hút mỡ bụng… vì tiên đâu cần lo tiền đóng thuế, mua nhà trả góp, chạy trường, sắm quà Tết biếu sếp… Tiên vì thế đâu có mất ngủ bao giờ!
Báo cáo của chuyên gia về bệnh do béo phì trên thực tế chỉ là tiếng kêu báo động được lặp lại. Thầy thuốc đã biết từ lâu là phế phẩm được bài tiết nhanh hơn trong giấc ngủ, thực bào và kháng thể được tổng hợp nhiều hơn khi gia chủ ngáy o o, tiến trình thoái biến chất béo được gia tốc khi chủ nhà hết biết trời đất, lá gan hoạt động hiệu quả hơn nếu chuyến tàu đêm chạy suốt đến sáng. Nhờ giấc ngủ ngon nên gia chủ có ngoại hình thấy mà mê, thay vì thấy mà ớn!
Càng xì-trết càng hảo ngọt
Nạn nhân của stress có khuynh hướng “hảo ngọt” vì đường vừa là chất cung cấp năng lượng nhanh nhất, vừa có tác dụng trấn an thần kinh nhạy cảm dưới kích ứng của stress. Kẹt một nỗi là thói quen ăn ngọt cũng từa tựa như ghiền cà phê, thuốc lá, nghĩa là sớm muộn cũng phải tăng “đô”. Nếu với người khác thiếu chút đường không đến độ trầm trọng thì với nạn nhân của stress lại là chuyện chẳng khác nào thiếu… thuốc! Cũng vì quen với lượng đường cao trong máu nên “stress nhân” thậm chí “xấu nết” nếu không kịp ăn!
Tăng vòng này, giảm hai vòng kia
Do tác động huy động chất đường của corticoid mà nạn nhân của stress cuối cùng chẳng khác người bệnh tiểu đường bao nhiêu. Cũng từ đó mà rối loạn biến dưỡng chất béo len lén vào nhà với hậu quả là nạn nhân bị tăng mỡ máu cho dù có cữ món béo đến phát thèm. Tệ hơn nữa là mỡ được ký gửi dưới thành bụng khiến vòng số 2 nổi bật trong khi vòng số 1 và số 3 thường khi xẹp lép! Khỏi dông dài cũng hình dung được ngoại hình của nạn nhân “đẹp” đến cỡ nào!
Đừng ăn ngọt khi căng thẳng thần kinh. Kẹt lắm là trái cây khô vì tuy ngọt nhưng vẫn chưa bằng đường cát, bột ngọt.
Chuyện nhỏ nhưng khó
Đáng lo hơn nhiều là tác hại của nội tiết tố tuyến thượng thận tiếp tục kéo dài khá lâu cho dù tình huống stress đã cao bay xa chạy. Chính vì thế mà chuyên gia về bệnh do stress đã khuyên đối tượng thuộc nhóm “mỡ treo trước miệng mèo” ráng tập vài chuyện không quá khó. Đó là:
• Đừng ăn ngọt khi căng thẳng thần kinh. Kẹt lắm là trái cây khô vì tuy ngọt nhưng vẫn chưa bằng đường cát, bột ngọt.
• Tránh món vừa hưng phấn vừa tăng đường huyết như cà phê đá ngọt hơn chè.
• Tập thiền thay vì chọn hình thức giải trí ăn thua đủ vì bấy nhiêu stress của công việc đã quá đủ để sinh bệnh. Thêm chi cho khổ!
Chuyện vẫn chưa xong
Nhiều người vẫn tưởng càng ngủ nhiều càng dễ mập. Bằng chứng là nhiều người ốm o, xanh xao thấy rõ sau vài đêm mất ngủ. Nếu vì thế rồi tưởng ngủ càng ít càng dễ sụt cân thì hố nặng. Trái lại mới kẹt cho người lỡ thắm da thắm thịt! Các nhà nghiên cứu ở Đức đã chứng minh mối liên hệ mật thiết giữa chuyện thiếu ngủ ở người quá xì-trết và tình trạng béo phì do rối loạn nội tiết tố, qua đó cảm giác thèm ăn, nhất là mê ăn món ngọt, món béo bội tăng đến mức ngoài vòng kiểm soát nếu gia chủ không ngủ thật sâu trong bốn giờ đầu. Khi đó lượng nội tiết tố leptin, chất có nhiệm vụ phong bế cảm giác thèm ăn, thiếu hụt trầm trọng trong khi chất đối kháng có tên là ghrelins, chất làm đói bụng, chiếm thế thượng phong. Gia chủ vì thế giật mình khi mới canh hai vì đói đến độ mơ thấy nhà hàng búp-phê ngay trong bếp. Phần lớn trong số họ cách mấy cũng tìm cách ăn khuya. Đã vậy, ăn vụng bao giờ cũng ngon! Khỏi nói vì ngon miệng nên thường ăn… hết!
Mách có chứng
Kết quả của một công trình nghiên cứu kéo dài 16 năm với sự tham gia của gần 70.000 phụ nữ ở Đức, xứ không bao giờ thiếu bia và món giò heo nướng giòn da, cho thấy người càng ngủ ít càng dễ tăng cân. Đáng nói là tình trạng này vẫn xảy ra cho dù nạn nhân ăn uống kiêng cữ và thậm chí không quên vận động! Điều đó cho thấy để giữ thể trọng trong định mức khỏe mạnh, giấc ngủ quan trọng hơn cả chế độ dinh dưỡng!
Thực trạng đó càng nhanh chân hơn nữa nếu nạn nhân của chuyện ngủ xong còn thèm lại:
• Uống nước không đủ trong ngày khiến tạp chất, phế phẩm không được bài tiết qua đường tiết niệu.
• Lạm dụng thuốc hóa chất tổng hợp, đứng đầu là thuốc giảm đau, thay vì ưu tiên cho các phương pháp không dùng thuốc.
• Thân thiện với thuốc lá, rượu bia, thay vì cương quyết nói không để lá gan được dịp xả hơi.
Giao lưu Đông y thế kỷ 21 Nhân dịp ra mắt phụ bản Đông y thế kỷ 21, tuần báo Khoa Học Phổ Thông cùng diễn giả là BS Lương Lễ Hoàng tổ chức buổi giao lưu xoay quanh các nội dung: “Làm sao phòng tránh ung thư?”, “Vì sao đừng để trẻ thiếu canxi?”, “Helicobacter có đáng sợ?”... Buổi giao lưu sẽ diễn ra vào sáng thứ Bảy 20-5, từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30 tại hội trường Queen Hall, khách sạn Royal Kim Đô, 135 Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM. Vào cửa tự do. |