Tập huấn, phổ biến chính sách, pháp luật về chủ quyền biển, đảo năm 2024

(PLO)- Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị nhằm tập huấn truyền thông về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển và đại dương; về quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông...

Sáng 16-8, tại TP.HCM, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật về chủ quyền biển, đảo năm 2024.

Tham dự hội nghị có ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông; Thượng tá Phạm Ngọc Khoái - nguyên Trợ lý phòng Tuyên huấn Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và ThS Nguyễn Thị Tuyết Giang, Trưởng phòng Phòng Công pháp quốc tế Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp và các phóng viên, biên tập viên công tác tại các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Hồng Hải cho biết, thực hiện Quyết định số 300/QĐ-BTTTT ngày 12-3-2024 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành kế hoạch triển khai nội dung tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật về chủ quyền biển, đảo của năm 2024, hội nghị tổ chức nhằm tập huấn truyền thông chính sách, pháp luật của Việt Nam về biển, hải đảo; về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển và đại dương; về quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông; về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo và về sự phát triển bền vững kinh tế biển; nhận diện và bác bỏ thông tin sai lệch, quan điểm sai trái, xuyên tạc về biển và đại dương.

Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông, phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: THẢO HIỀN

“Biển Đông với ý nghĩa chiến lược quan trọng, luôn là tâm điểm về quân sự và sự phức tạp về pháp lý. Nhìn lại năm 2023 và những diễn biến xảy ra trong những tháng đầu năm 2024, chúng ta thấy rằng vùng biển này đang nóng lên do sự tác động qua lại phức tạp giữa các nỗ lực ngoại giao, thế trận quân sự, hợp tác khu vực, và vi phạm pháp lý. Việc giải quyết các thách thức ở Biển Đông sẽ đòi hỏi phải có chính sách ngoại giao đa sắc thái, các nỗ lực hợp tác trong khu vực và cam kết duy trì các chuẩn mực quốc tế.

Những biến động tại Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích tối cao của dân tộc là an ninh, chủ quyền quốc gia. Do đó, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo là quá trình đấu tranh lâu dài, cần phải kết hợp sức mạnh nội lực của quốc gia, kết hợp sự ủng hộ từ quốc tế và quan trọng là đảm bảo giữ vững hòa bình, ổn định trên thực địa và tuân thủ pháp lý quốc tế” - ông Hải phát biểu.

Thượng tá Phạm Ngọc Khoái - nguyên Trợ lý phòng Tuyên huấn Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên Phòng trình bày về tình hình biên giới và công tác thực thi pháp luật của Bộ đội Biên phòng trên biên giới. Ảnh: THẢO HIỀN

Tại hội nghị, các đại biểu được lắng nghe các bài trình bày về: “Tình hình biên giới và công tác thực thi pháp luật của Bộ đội Biên phòng trên biên giới”, “Giới thiệu một số nội dung về chính sách, pháp luật về biển, đảo trong bối cảnh hiện nay”...

Từ đó, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển và đại dương đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và việc bảo vệ Tổ quốc, tăng cường công tác truyền thông, nâng cao hiểu biết về hợp tác quốc tế và phát triển bền vững kinh tế biển; đa dạng hóa các hình thức và phương pháp truyền thông về chính sách, pháp luật liên quan đến biển cũng như hợp tác quốc tế về biển và đại dương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới