Theo NDTV, có tổng cộng 95 máy bay, 16 tàu chiến và hai tàu ngầm hải quân ba nước sẽ tham gia cuộc tập trận ở Chennai (Đông Nam Ấn Độ) và vịnh Bengal. Đáng chú ý, về phía Mỹ có sự tham gia của tàu sân bay USS Nimitz, tàu tuần dương USS Princeton, các khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Howard, USS Shoup và USS Kidd cùng một tàu ngầm tấn công chớp nhoáng Los Angeles và máy bay tuần tra săn ngầm Poseidon P-8A.
Trong khi đó, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF) triển khai tàu sân bay trực thăng JS Izumo. Phía Ấn Độ nổi bật với tàu sân bay INS Vikramaditya. “Đây là một thông điệp chiến lược gửi tới Trung Quốc (TQ)” - Thiếu tướng hải quân Mỹ William Byrne nhận định trước báo giới Mỹ về cuộc tập trận này.
Cuộc tập trận sẽ được tiến hành cả trên đất liền và trên biển tới ngày 17-7 với hàng loạt hoạt động giao lưu như tuần tra hàng hải, trinh sát, tác chiến chống ngầm và tàu nổi, diễn tập sơ tán, tìm kiếm và cứu hộ, trao đổi thông tin liên lạc. “Tập luyện cùng nhau là một động thái tốt bởi lẽ chúng ta sẽ học hỏi từ nhau và cùng nhau tiến bộ. Chúng ta sẽ biết chúng ta là ai và năng lực của chúng ta ra sao” - ông Byrne nói.
Về phía Bắc Kinh, ngay trước khi cuộc tập trận diễn ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Cảnh Sảng hôm 7-7 đã cảnh báo: “Chúng tôi hy vọng loại hình quan hệ và hợp tác này sẽ không nhắm trực tiếp vào quốc gia thứ ba và rằng nó sẽ có lợi cho hòa bình và an ninh khu vực”.
Theo NDTV, Ấn Độ cực kỳ lo ngại trước việc TQ triển khai ít nhất sáu tàu ngầm tới Ấn Độ Dương từ năm 2013. Nước này còn xây các cảng quân sự ở Sri Lanka, Bangladesh và Pakistan. Động thái này cho thấy Bắc Kinh ngày càng tăng cường ảnh hưởng tại sân nhà của Ấn Độ.
Cuộc tập trận cũng được tiến hành trong bối cảnh căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và TQ tăng nhiệt đột ngột trong một tháng nay ở khu vực Sikkim. New York Times nhận định đây là cuộc tập trận lớn nhất trong số cuộc tập trận Malabar từ trước đến nay vì lần đầu tiên các tàu sân bay ba nước hội quân.