Ngày 14-11, Bộ Công Thương đã có thông tin về định hướng phát triển công nghiệp ô tô giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó, Việt Nam phát triển công nghiệp ô tô trở thành ngành công nghiệp quan trọng để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước.
Cụ thể, ngành công nghiệp ô tô tập trung vào hình thành doanh nghiệp quy mô lớn (dẫn dắt thị trường). Thu hút và tập trung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất các dòng xe ưu tiên có quy mô công suất trên 50.000 xe/năm và dự án sản xuất các bộ phận động cơ, hộp số, cụm truyền động.
Chiến lược phát triển ô tô tập trung vào các sản phẩm xe con phù hợp với người Việt Nam. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG
Đối với xe chở người đến chín chỗ ngồi, chiến lược tập trung vào phát triển các sản phẩm xe con phù hợp với người Việt Nam và xu hướng phát triển xe con của thế giới (xe thân thiện môi trường: eco car, hybrid…) gồm: Xe cá nhân, kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, thân thiện với môi trường và giá cả phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam.
Đối với xe tải và xe khách: tập trung vào phát triển các chủng loại sản phẩm sản xuất trong nước có lợi thế và các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, nông thôn; các loại xe chuyên dùng, gồm có: xe tải nhỏ đa dụng phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn; xe khách tầm trung và tầm ngắn; xe chở bê tông, xi téc và đặc chủng an ninh-quốc phòng; xe nông dụng đa chức năng.
Về công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương cho biết định hướng cho thời gian tới là tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp lớn nước ngoài trong việc sản xuất linh kiện và phụ tùng, trong đó tập trung vào các bộ phận quan trọng, hàm lượng công lượng công nghệ cao để phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước, thay thế nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến năm 2015, ngành sản xuất ô tô có trên 400 doanh nghiệp, tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng. Đa số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 460.000 xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 47%, doanh nghiệp trong nước khoảng 53%.
Tuy nhiên, mục tiêu đưa ra tỉ lệ nội địa hóa đối với ô tô dưới chín chỗ ngồi là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010; tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7%-10%. Ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp ô tô đã hình thành nhưng mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm-lốp, sản phẩm nhựa... Chỉ một số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.