Bộ trưởng Thể cho rằng dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông có nhiều hạng mục chậm tiến độ. Cụ thể là việc hoàn thành nhà ga, kết nối, quy trình nghiệm thu, phối hợp của các đơn vị liên quan, chuẩn bị kiểm định vận hành an toàn hệ thống…
Người dân Hà Nội tham quan tàu Cát Linh-Hà Đông. Ảnh: Lê Hiếu
Đến nay vốn bổ sung 250 triệu USD đã được khơi thông nhưng tiến độ giải ngân chậm. Do đó Bộ trưởng Thể yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt phải làm việc với nhà thầu để ngày 15-7 phải đưa điện lưới quốc gia kết nối với hệ thống vận hành tàu. Đến cuối tháng 7, đầu tháng 8, nhà thầu phải đóng điện xong cho các đoàn tàu và tiến hành chạy thử.
“Trong quá trình vận hành kỹ thuật, nhà thầu tiếp tục hoàn thiện các hạng mục phục vụ hành khách” - Bộ trưởng chỉ đạo.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt phối hợp với Hà Nội rà soát chuyên gia, cán bộ, nhân viên đã được đào tạo để khi hoàn thiện vận hành trơn tru, hiệu quả cao tuyến đường sắt này.
Ngoài ra, các đơn vị của Bộ GTVT phải phối hợp với Hội đồng nghiệm thu nhà nước tiếp cận, tìm hiểu hồ sơ, thực tế… để giám sát, kiểm tra dự án. Việc nghiệm thu đánh giá an toàn của hệ thống phải đặc biệt chú trọng từ khâu kiểm tra thiết kế đến thực tế để đảm bảo tuyệt đối an toàn chạy tàu cho người và phương tiện.
Lộ trình dự án Cát Linh-Hà Đông. Đồ họa: Hữu Nhân
Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông dài 13 km, gồm 12 ga đi trên cao. Dự án thực hiện từ tháng 11-2008 và ban đầu dự kiến đến tháng 11-2013 hoàn thành, với tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD.
Tuy nhiên, với tiến độ chậm, đến tháng 10-2011, dự án mới chính thức triển khai và điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỉ đồng). Sau nhiều lần chậm tiến độ, Bộ GTVT khẳng định sẽ tiến hành khai thác thương mại vào cuối năm 2018.