Theo TS Phạm Sanh, các dự án đội giá “khủng” đều có vốn nhà nước hoặc được Nhà nước bảo lãnh vay từ nước ngoài. Về khách quan, có thể thấy các chủ đầu tư (kể cả các bộ, ngành) chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý; chịu sức ép - thậm chí sự áp đặt của nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng về chủ quan vẫn là do lỗ hổng quản lý đã kéo dài, tạo điều kiện để một nhóm người lợi dụng.
Đừng đổ thừa “thiếu kinh nghiệm”
. Phóng viên: Ý kiến của ông về những nguyên nhân mà Bộ GTVT giải thích cho việc đội vốn ở dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông?
+ TS Phạm Sanh: Giải trình về lý do tăng tổng mức đầu tư của các dự án đội vốn đều theo mô típ: Do công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng, do chưa có kinh nghiệm và thiếu năng lực, do “kẹt” mặt bằng, trượt giá; do tư vấn lập dự án, điều tra khảo sát và thiết kế cơ sở thiếu sót; do các quy định của nhà tài trợ nước ngoài…
Ở dự án metro Cát Linh - Hà Đông cũng vậy, Bộ GTVT đưa ra chín nguyên nhân làm dự án đội vốn như do giải phóng mặt bằng chậm, trượt giá, kinh nghiệm và năng lực quản lý hợp đồng EPC không có, tư vấn lập dự án và thiết kế cơ sở (TEDI) không kinh nghiệm… Theo tôi, các nguyên nhân này khó thuyết phục với một dự án có quy mô lớn như vậy. Không thể nào chấp nhận được những nguyên nhân về kỹ thuật như “quên” xử lý nền đất yếu, tăng số tầng nhà ga, bổ sung một số hạng mục đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn Trung Quốc…
Về nguyên nhân do biến động giá cũng rất thiếu thuyết phục khi chỉ số giá xây dựng trong những năm qua không biến động lớn. Còn kẹt mặt bằng là chuyện thường xảy ra nhưng vấn đề là phải biết quản lý rủi ro, đưa dự phòng vào trong tổng dự toán ngay từ đầu.
Cầu Phú Mỹ là một công trình được ngợi ca ở TP.HCM nhưng chỉ riêng mức đội vốn của công trình này đã đủ để xây cầu Sài Gòn 2. Ảnh: MP
. Vậy lý do “thiếu kinh nghiệm” phải được nhìn nhận ra sao? Và ông đánh giá như thế nào về khả năng có sự “bắt tay” ngầm giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư?
+ Chủ đầu tư là Cục Đường sắt Việt Nam mà “thiếu kinh nghiệm”? Một nhà thầu do phía tài trợ Trung Quốc giới thiệu lại “thiếu kinh nghiệm”? Luật Xây dựng 2005 và các nghị định về quản lý dự án, quản lý chất lượng công trình và nhiều văn bản của Bộ GTVT đều quy định rõ về năng lực kinh nghiệm ban quản lý dự án, về tiêu chuẩn lựa chọn tư vấn, nhà thầu. Do vậy theo tôi, không có chuyện thiếu kinh nghiệm mà chỉ có thiếu trách nhiệm, cố tình không thực hiện các quy định cơ bản nhất của pháp luật. Ví dụ, làm gì có chuyện cho phép tạm duyệt tổng dự toán mà đã ký kết hợp đồng EPC, làm gì cho phép đã thi công 50% khối lượng rồi mới tính điều chỉnh tổng mức tăng trên 35%.
Dễ dãi lại không quy trách nhiệm
. Nhưng thưa ông, có nguyên nhân nào đến từ việc dễ dãi duyệt tăng vốn nên “cứ xin duyệt dự án đi đã, rồi sau đó xin tăng vốn sau” không?
+ Các dự án đội vốn “khủng” là các dự án trọng điểm nên nguyên nhân từ việc tìm mọi cách để duyệt dự án trước, rồi khi thực hiện sẽ xin điều chỉnh vốn ít xảy ra. Tôi cho rằng nguyên nhân chính do chưa nghiên cứu kỹ về mục tiêu, phạm vi dự án, không nắm vững công nghệ, chưa tính kỹ hiệu quả dự án… nên đưa ra tổng mức đầu tư chiếu lệ. Sau khi chọn nhà thầu (hoặc nhà đầu tư) thì bị dẫn dắt, đi từ thay đổi này đến bổ sung khác. Nếu chủ đầu tư “cứng cựa” thì không ảnh hưởng nhiều nhưng chỉ cần một chút sơ hở (do vô tình hoặc có chủ ý) thì sẽ sa vào “quỹ đạo” do nhà thầu điều khiển.
Ở các dự án có yếu tố nước ngoài, kết quả thực hiện dự án nhiều khi ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại và phải qua nhiều vòng đàm phán mới có được vốn. Trong khi đó, việc điều chỉnh vốn theo đề nghị của nhà thầu khi dự án đã chạy (thường trên 50% nên rơi vào thế chẳng đặng đừng) rất dễ xảy ra. Trình tự điều chỉnh cũng rất đơn giản: Dưới báo lên, trên ủy quyền giao trách nhiệm cho dưới. Rồi để chắc ăn, chủ đầu tư, các bộ/ngành và địa phương làm theo thói quen bao cấp: Nhờ Viện Kinh tế (Bộ Xây dựng) thẩm tra phê duyệt hoặc tạm duyệt định mức đơn giá, thậm chí cả tổng mức điều chỉnh do nhà thầu hoặc nhà đầu tư tính toán.
. Cách làm này dẫn đến những hệ quả xấu gì, thưa ông?
+ Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án “khủng” quá dễ dãi, không phân tích, đánh giá kỹ nguyên nhân đội vốn, áp dụng quy định trượt giá nửa vời, lại không kỷ luật ai dẫn đến tâm lý “lờn thuốc”. Hậu quả là bị nhà thầu hoặc nhà đầu tư bắt mạch lợi dụng, cứ thi công nửa chừng lại đòi điều chỉnh tăng vốn.
Việc điều chỉnh tổng mức như vậy rất hời hợt và dễ sai lầm trong kiểm soát chi phí dự án. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy suất đầu tư các công trình hạ tầng Việt Nam ngày càng cao so với thế giới.
“Níu” tư vấn, quy trách nhiệm cá nhân
. Theo ông, có sự liên hệ gì giữa việc tăng vốn và những thông tin tiêu cực về việc đơn vị tư vấn hối lộ quan chức? Tư vấn rất quan trọng nhưng việc ràng buộc trách nhiệm của họ còn lỏng lẻo cũng là nguyên nhân dẫn đến đội vốn?
+ Tư vấn là một hoạt động dịch vụ có hàm lượng chất xám và chuyên môn khá cao, rất hiệu quả nhưng khó kiểm soát chất lượng. Có những công thức, những con số chỉ một mình tư vấn hiểu, chủ đầu tư chỉ biết kiểm tra và tin tưởng vào nhau là chính. Ở nhiều công trình trong nước đang có hiện tượng móc ngoặc giữa tư vấn-nhà thầu, thậm chí có cả chủ đầu tư để tăng khối lượng, tăng an toàn vô cớ gây lãng phí, sử dụng định mức không phù hợp nhằm tăng vốn, dẫn tới có lợi cho nhà thầu và cả cho tư vấn.
Hiện Luật Xây dựng và các quy định về quản lý chất lượng, quản lý hợp đồng đều có những điều khoản quy trách nhiệm tư vấn, cả thẩm tra thẩm định. Tuy nhiên, lỗi của tư vấn thường gây lãng phí nhưng khó tranh luận đến cùng do tính chuyên môn cao nên mọi người xem nhẹ và bỏ qua. Chỉ trừ những trường hợp phạm pháp quả tang, mà điều này cũng rất khó phát hiện.
Theo tôi, phải có ràng buộc về thưởng phạt trong hợp đồng, có chế tài quyết liệt (như cấm hành nghề trong một thời gian), cần thiết đưa ra pháp luật một vài trường hợp để làm gương khi gây ra thiệt hại lớn như trường hợp dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
. Theo ông, cần làm gì để giảm thiểu tình trạng đội vốn khá phổ biến như hiện nay?
+ Có rất nhiều việc phải làm. Trước hết cần hoàn thiện quy định quản lý đầu tư xây dựng đầy đủ, rõ ràng theo thông lệ quốc tế. Ngoài ra, cần mạnh dạn xóa bỏ cách tính giá dựa trên định mức đơn giá bất biến và không gian, chuyển hẳn sang giá thị trường, không còn khái niệm trượt giá, điều chỉnh hệ số nhân công, xe máy…
Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cũng cần nâng cao trách nhiệm trong việc kiểm soát thực hiện dự án đầu tư, đặc biệt các dự án vốn nhà nước và dự án vay vốn nước ngoài. Trong các hợp đồng EPC dứt khoát phải theo thông lệ hợp đồng trọn gói cho những công việc hạng mục chính. Cạnh đó, phải lựa chọn, bố trí chủ đầu tư có năng lực, kinh nghiệm và quy trách nhiệm, thưởng phạt cụ thể. Trong ngành GTVT không nên có tình trạng khép kín mà cần đấu thầu công khai, thông tin rõ ràng về các dự án hạ tầng, tham khảo phản biện xã hội và xử lý các tiêu cực đến nơi đến chốn.
. Cám ơn ông.
MINH PHONG thực hiện
Các dự án đội vốn “khủng” - Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên được duyệt với tổng vốn đầu tư 17.400 tỉ đồng vào năm 2007. Năm 2011, tổng vốn đầu tư của dự án được điều chỉnh tăng lên 47.325 tỉ đồng, tức tăng thêm gần 30.000 tỉ đồng. - Dự án cầu Phú Mỹ được duyệt vào năm 2004 với tổng mức đầu tư trên 1.800 tỉ đồng, được đầu tư theo hình thức BOT, do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng cầu Phú Mỹ (PMC) làm chủ đầu tư. Trong quá trình thi công, PMC đề nghị điều chỉnh vốn lên gần 2.180 tỉ đồng. Hơn một năm sau khi cầu Phú Mỹ khánh thành, PMC lại xin đội vốn và tháng 2-2011, Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) thông báo kết quả thẩm tra dự toán tổng mức đầu tư cầu gần 3.300 tỉ đồng. Cũng trong năm 2011, Sở Xây dựng TP.HCM nói tổng mức đầu tư trên 2.940 tỉ đồng, Sở Kế hoạch và Đầu tư nói gần 2.400 tỉ đồng nhưng Sở GTVT nói chỉ gần 1.900 tỉ đồng (chưa kể thuế, trượt giá ngoại tệ, lãi vay). Trước tình trạng loạn số liệu như trên, TP.HCM giao cho cơ quan kiểm toán độc lập kiểm toán và đến tháng 5-2013, tổng mức đầu tư được xác định là 3.250 tỉ đồng, tức đội vốn lên hơn 1.400 tỉ đồng so với ban đầu. Mức đội vốn này tương đương với chi phí xây dựng cầu Sài Gòn 2. Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương có vốn đầu tư ban đầu hơn 6.500 tỉ đồng nhưng đã phải điều chỉnh lên gần 9.900 tỉ đồng, trội hơn 3.000 tỉ đồng. Thanh tra Chính phủ kết luận chất lượng chuẩn bị đầu tư thấp, thực hiện không đúng quy định về quản lý chi phí, làm tăng tổng mức đầu tư… |
TSKH NGUYỄN QUANG THÁI, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam: Có kẽ hở cho nhà thầu lách Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đội vốn 390 triệu USD (100%) không có gì lạ đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách, ODA bởi đây là câu chuyện đã xảy ra lâu nay. Nguyên nhân là do cơ chế, chính sách có kẽ hở để nhà thầu lách quy định: Ban đầu họ đưa ra giá thấp để trúng thầu, sau đó tìm mọi cách điều chỉnh vốn. Trong chuyện này vấn đề nằm ở khâu con người, cụ thể là khâu quản lý, công tác thanh, kiểm tra kém. Quy chế quản lý đã có nhưng thực hiện chưa tốt, các dự án đầu tư dàn trải, kéo dài thời gian nhằm có cớ để tăng vốn đầu tư. Trong khi đó các dự án đầu tư chủ yếu lấy từ nguồn vốn đi vay; đó là áp lực nợ công và nếu vốn tăng lên sẽ làm cho nợ công càng lớn, chất lượng nợ công càng giảm sút, nguy hiểm. Luật Đầu tư công sắp tới trình Quốc hội là giải pháp quản lý chặt hơn các dự án đầu tư công bên cạnh Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư. TS LÊ ĐĂNG DOANH, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: Cần quy trách nhiệm cá nhân Các dự án đầu tư vượt dự toán có nguyên nhân chủ quan là khâu thẩm định dự án, chọn nhà thầu có vấn đề. Trong quá trình lập dự toán, ban quản lý chưa tính đến các phương án phát sinh, chưa nắm rõ giá xây dựng công trình tương tự trên thế giới dẫn đến dự toán thiếu thực tế. Điều quan trọng hơn là cách thức chọn nhà thầu, ai cũng muốn chọn nhà thầu giá rẻ nhưng lại muốn chất lượng tốt. Nhà thầu Trung Quốc luôn là sự lựa chọn đầu tiên bởi các nhà thầu đến từ các nước khác như Nhật, Hàn Quốc, EU thường có giá cao hơn. Vượt dự toán là vấn đề rất đáng lo ngại. Nếu là các công ty tư nhân, họ sẽ nghiên cứu rất kỹ hiệu quả dự án, khi có kết quả chắc chắn thì mới bỏ tiền ra làm. Nếu diễn biến trong quá trình đầu tư khác 5% với dự kiến ban đầu, họ sẽ cân nhắc có làm dự án hay không. Trong khi đó dự án nhà nước có thể vượt dự toán hàng ngàn tỉ đồng, đội giá 100% chứng tỏ quá trình thực hiện dự án có những sai sót lớn. Đây là điều cần xem xét quy trình trách nhiệm, làm rõ nguyên nhân và các quy định liên quan đến đầu tư. Theo tôi, nếu cứ để tái diễn tình trạng vốn thực hiện dự án vượt dự toán sẽ tạo thành tiền lệ xấu mà không có nhà nước nào, công ty nào, doanh nghiệp nào chịu đựng được. TRÀ PHƯƠNG ghi Kỹ sư NGUYỄN VĂN ĐỰC, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành: Một bên là “xương máu”, một bên là “bò tùng xẻo” Sở dĩ khối tư nhân quản lý nguồn vốn đầu tư xây dựng tốt hơn vì đơn giản đó là đồng tiền xương máu của chúng tôi nên phải chặt chẽ từng đồng. Hễ cứ phải bỏ tiền túi ra thì người ta sẽ tiết kiệm nhất nhưng luôn yêu cầu hiệu quả cao nhất. Lãng phí và tính toán sai thì mình chết trước tiên. Trong khi đó tiền của Nhà nước hay được gọi vui là “con bò tùng xẻo” nên người ta thường xẻo càng nhiều càng tốt. Đã có một số công trình được phát hiện phương pháp thi công gây lãng phí, làm đội vốn đầu tư và hoàn toàn có thể thay thế bằng phương pháp khác hiệu quả hơn mà chi phí giảm rất nhiều. Thế nhưng những góp ý tâm huyết đó không được xem xét. Nếu nói công trình nhà nước hay bị đội vốn vì lý do trượt giá thì chẳng lẽ khối tư nhân lại không bị ảnh hưởng? Vấn đề là ngay từ đầu, công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước có định mức quá cao, cao hơn nhiều so với cùng công trình tương đương nhưng do tư nhân thực hiện. Tôi còn nhớ có công trình định mức của phía Nhà nước là 6-7 triệu đồng/m2, trong khi cũng tương đương như vậy thì phía tư nhân chỉ cần 3-4 triệu đồng/m2. Ông LÊ HỮU NGHĨA, Giám đốc Công ty Lê Thành: “Chưa bị đội giá đồng nào” Tất cả dự án của Công ty Lê Thành từ trước đến nay chưa đội giá một đồng nào. Chúng tôi có phương pháp riêng, nói nôm na là “chìa khóa trao tay” khi giao cho một đơn vị làm trọn vẹn công trình, đến khi kiểm tra thấy ưng ý thì chúng tôi mới nhận công trình và trả tiền. Khi mình bỏ tiền ra thì tất nhiên phải tính toán chặt chẽ chi phí đầu tư nhưng vẫn đặt yêu cầu cao về chất lượng công trình. Nói về định mức thì hiện nay các công trình nhà nước rất cao, cao hơn của tư nhân nhiều. Định mức thấp hơn chẳng qua vì được tính toán chặt chẽ, hiệu quả nhất nhưng ít lãng phí nhất. Không phải định mức thấp hơn thì chất lượng công trình sẽ thấp. Bởi đơn giản một điều, trước khi chung cư được bán cho khách hàng thì công trình này là tài sản của chủ đầu tư. Mà nhà của mình thì mình phải lo xây dựng với chi phí thấp nhất nhưng đẹp nhất, chất lượng nhất. CẨM TÚ ghi |