Đó là khẳng định của GS Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, tại hội thảo đổi mới công tác thẩm định dự án đầu tư công, ngành giao thông vận tải, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tổ chức ngày 30-11.
Theo GS Lã Ngọc Khuê, nhiều tuyến metro Việt Nam tăng vốn trên 100% so với ban đầu: “Cụ thể, như tuyến tuyến Nhổn - ga Hà Nội, sau hai lần điều chỉnh là 33.000 tỉ đồng. Tiếp đến là tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tổng mức đầu tư dự án ban đầu là 552 triệu USD, sau điều chỉnh là 886 triệu USD (tăng lên hơn 330 triệu đồng).
GS Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, có những phát biểu khá thẳng thắn tại hội thảo. Ảnh: VIẾT LONG
Đặc biệt, gần đây là tuyến metro số 1 ở TP.HCM, tổng mức đầu tư của dự án tăng từ 17.387 tỉ lên trên 47.325 tỉ đồng. Điều lạ là TP.HCM có văn bản gửi các bộ, ngành và Thủ tướng xin vốn nhưng không ai phản biện tại sao lại tăng vốn, những lý giải trên đã hợp lý chưa… Và cứ thế các dự án âm thầm thi nhau tăng” - ông Khuê nhấn mạnh.
Từ những vấn đề trên, theo GS Lã Ngọc Khuê điều mà ông lo lắng nhất đối với các công trình giao thông chính là việc kiểm soát nguồn vốn đầu tư. Đặc biệt, các số liệu dự báo của Việt Nam rất “cao su”: “Đơn cử như dự báo lưu lượng xe tuyến cao tốc Bắc-Nam, lúc đầu trình một kiểu nhưng sau đó thay đổi lại…”, ông Khuê nêu dẫn chứng.
Nhiều đại biểu phát biểu cho rằng cần có cơ quan thẩm định độc lập đối với các công trình giao thông trong thời gian tới. Ảnh: VIẾT LONG
Ngoài ra, GS Lã Ngọc Khuê cũng lo lắng về tình trạng độc quyền về tư vấn thiết kế giao thông.
Ở góc độ quy hoạch, TS Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT), cho rằng việc xác định ưu tiên đầu tư các dự án giao thông đang gặp nhiều vấn đề.
“Trước đây, chúng ta cứ đầu tư “làng nhàng”, nào là mở rộng quốc lộ 1A, đường mòn Hồ Chí Minh, quay về đầu tư đường ven biển... Giờ quyết định cuối cùng là đầu tư cao tốc Bắc-Nam. Chúng ta không tính được dự án nào là ưu tiên…” - ông Hồ khẳng định.
Theo TS Lưu Bích Hồ, trước đây khi làm một dự án giao thông các cơ quan nhà nước luôn đặt nặng vấn đề quốc phòng. Tuy nhiên, giờ phải thay đổi, phải đặt lợi ích kinh tế lên trên hết. Lịch sử không có từ “giá như” nhưng nhìn lại nếu trước đây dự báo tốt, có nghiên cứu tâm huyết thì giờ đây hệ thống giao thông đã khác rất nhiều…
“Hiện chúng ta đang hô hào xây dựng các công trình giao thông, trong khi đó ngân sách và nguồn vốn huy động từ các ngân hàng hạn hẹp, thu hút đầu tư nước ngoài chưa thấy. Nên việc đầu tư hạ tầng giao thông sắp tới là vô cùng khó khăn…” - ông Lưu Bích Hồ nhận định.