Một công trình song hành cùng sự phát triển kinh tế của Sài Gòn trong suốt thế kỷ 20 đang bắt đầu đi vào cõi chết. Bài này để nhìn lại Tax trước khi... biến mất.
Bài viết này tôi muốn đi sâu vào giá trị thương mại và kinh tế của thương xá Tax, vai trò của thương xá trong việc nâng cao vị thế của Sài Gòn. Từ đó khẳng định giá trị lịch sử của công trình này, qua con mắt của kiến trúc sư và người nghiên cứu lịch sử kiến trúc quốc tế.
Kiến trúc thương mại hiện đại bậc nhất thế giới
Trong phân loại kiến trúc, thương xá Tax nằm trong nhóm “department stores” vì là một tòa nhà dành cho mục đích thương mại thuần túy, được chia ra cho thuê với nhiều gian hàng (còn gọi là departments) và được chủ quản bởi một đối tượng cụ thể. Phân loại công trình “department stores” này là động lực phát triển kinh tế vào đầu thế kỷ 20, khi những mặt hàng xa xỉ được trưng bày ở nơi công cộng nhưng vẫn đảm bảo sự kín đáo và sang trọng trong một tòa nhà có không gian mở. Khái niệm về “one-stop shopping” (mua sắm một điểm dừng) bắt đầu tại đây khi người mua không phải đi từ đầu này sang đầu kia của TP chỉ để mua một bộ tách trà và một lọ nước hoa, mà chỉ cần đến một department store để các món hàng được dâng lên tận tay. Sau này vào giữa thế kỷ 20, vào thời hậu Thế chiến, các department stores ở Mỹ phát triển thành cụm và tạo thành hệ thống malls (siêu trung tâm mua sắm) mà chúng ta thường thấy ngày nay.
Ánh sáng và không gian: Hai cách tân quan trọng
Tuy nhiên, trong khi các malls ngày nay thường nằm trong một khu vực xa trung tâm TP vì đòi hỏi diện tích rộng, những department stores lại rất thường xuất hiện ngay khu trung tâm sầm uất, phục vụ nhu cầu mua sắm của cư dân thành thị và thể hiện lối sống hiện đại của kỷ nguyên mới. Có thể nói department stores là biểu tượng của kinh tế và sức mua sắm của nửa đầu thế kỷ 20, đặc biệt là đối với các nước Âu Mỹ. Các stores này là phiên bản hiện đại và cao cấp của các chợ bazaars, vốn không khác gì chợ phiên ngoài trời trong văn hóa Việt Nam.
Vì thường nằm ở vị trí trung tâm TP vốn được quy hoạch theo block, những department stores thường chiếm trọn cả block đường và lợi dụng vị thế của các góc đường để đặt cửa chính nhằm tôn lên giá trị công cộng của chúng. Người ta gặp nhau ở đâu? Ở góc đường, nơi lưu thông giao thoa nhộn nhịp và là nơi chúng ta có thể cho chính xác địa chỉ bằng cách đọc tên đường. Nếu bạn đến Manhattan, tôi sẽ đưa bạn mẩu giấy ghi vỏn vẹn “Chambers & Broadway”, bạn chỉ cần đi dọc theo đại lộ Chambers huy hoàng tiến thẳng xuống con phố Broadway nổi tiếng là sẽ đứng ngay góc đường trước tòa nhà Marble Palace, vốn là tòa nhà thương mại đầu tiên cũng như department store đầu tiên của New York, xây dựng từ năm 1846.
Trong một số trường hợp, các tòa nhà này còn có thể được xây theo dạng phức hợp (mixed-use) với văn phòng cho thuê được đặt trên các tầng cao hơn, ngăn giữa khu mua sắm ở dưới và các văn phòng ở trên thường là một hay hai tầng chuyên dùng để chứa hàng (supply/storage floors). Điểm mới của kiến trúc thương mại cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 này là sự thể hiện của cấu trúc công trình ra bên ngoài, khi chúng ta có thể dễ dàng đọc được lưới hệ thống của cấu trúc với hàng cột theo chiều thẳng và từng tầng theo chiều ngang. Thành công của hệ thống lưới nằm ở chỗ nó tạo ra một trật tự phòng ốc hợp lý có thể quan sát từ bên ngoài, thích hợp cho không gian mua sắm và cả làm việc. Một điểm cách tân về công nghệ xây dựng là việc dùng sắt đúc hoặc thép làm lõi chịu lực, cho dù chất liệu bên ngoài của các tòa nhà vẫn là đá hoa và gạch. Việc này cho phép hai thứ xảy ra:
1. Diện tích cửa sổ được mở rộng đáng kể, giúp ánh sáng tự nhiên lọt vào những khu trưng bày và hệ thống cửa sổ có thể mở ra để giúp thoáng đãng bên trong. Đây là điều sẽ khó được bắt gặp lần nữa sau này trong những thiết kế mới, vì người ta cho rằng khách hàng sẽ bị phân tâm nếu có thể quan sát cảnh bên ngoài. Do đó các stores hiện đại thường không sử dụng cửa sổ mà chỉ dùng ánh sáng nhân tạo. Cửa sổ diện rộng còn giúp người qua đường chiêm ngưỡng sự trang trí lộng lẫy của các cửa hàng mỗi dịp lễ hội, đặc biệt là Giáng sinh, tạo ra điểm nhấn về văn hóa đô thị của kiểu kiến trúc này.
2. Không gian bên trong hoàn toàn thoát khỏi những bức tường chịu lực mà chỉ còn những hàng cột, giúp cơi nới diện tích trưng bày hàng hóa. Khi cần phân chia không gian, chỉ cần đặt những bức ngăn tạm thời và cách sắp xếp các bức ngăn có thể thay đổi tùy nhu cầu.
Những yếu tố quen thuộc đó đều có ở thương xá Tax.
Mô hình Tax có rất sớm so với thế giới
Việc Sài Gòn có tận hai department stores như thương xá Tax và Nouveautés Catinat (Catinat có trước nhưng rất tiếc... không còn) mà lại có rất sớm so với cả nước ngoài nói lên tầm vóc của TP này trên phương diện kinh tế và ngoại giao, với phần lớn những món hàng đều là cao cấp và xa xỉ dành để phục vụ giới thượng lưu trong và ngoài nước. Khách hàng đặt chân vào bên trong trung tâm mua sắm này sẽ có cảm giác mình là thánh vì được bước lên những bậc thang grand stairs, trên đầu là không gian trống xuyên suốt ba tầng lầu tạo nên một atrium cao gấp bốn lần bình thường. Những bậc thang tinh xảo và không gian cao hơn bình thường là hai chi tiết thường thấy trong những thiết kế tráng lệ của các dinh thự Tây Âu. Ở đây, bạn được tặng không gian cao gấp bốn khi bước lên trong thương xá Tax, khiến bạn có cảm giác không có sự giới hạn về cao độ. Ngoài ra, các chi tiết cầu kỳ của nội thất từ đầu thế kỷ 20 khiến giá trị người viếng thăm càng như được tôn lên, khi không chỉ những món hàng mà mỗi thứ bạn chạm vào từ lan can cầu thang đến thanh cột, tất cả đều mang phẩm chất của những gì cao nhất. Sự thiếu hiểu biết của con người qua những lần trùng tu chắc chắn đã làm mất đi phần nào giá trị nguyên bản của tòa nhà này nhưng chúng ta vẫn có thể cảm nhận được hơi thở quý phái của một thiết kế cao cấp.
Việc điểm qua những department stores có dáng dấp và vai trò tương tự Tax cho ta thấy ba điểm:
1. Thương xá Tax xứng đáng được xem xét là một di sản nếu dùng thời gian làm căn bản. Vai trò thương mại của công trình song hành cùng sự phát triển của Sài Gòn trong suốt thế kỷ 20. Hơn nữa, nó đánh dấu một thời kỳ lịch sử của Sài Gòn nói riêng và của người Việt nói chung.
2. Thương xá Tax vẫn còn có thể sử dụng lâu dài hơn nữa. Những ví dụ với những công trình có tuổi thọ cao hơn hẳn Tax mà vẫn được sử dụng hiệu quả cho đến ngày nay đã chứng minh điều này. Phá bỏ đi một tòa nhà vẫn còn sử dụng được là một sự lãng phí. Chúng ta phải có trách nhiệm cân nhắc lại việc đầu tư vào công trình mới: Chúng ta có thật sự cần tòa nhà 40 tầng không trong khi những cao ốc khác ở Sài Gòn chưa hoạt động hết? Chúng ta có cần một cao ốc ngay vị trí của Tax không? Việc một cao ốc 40 tầng hiện diện ở vị trí vàng sẽ làm cảnh quan đô thị trở thành một bức tranh chắp vá, điều đó có đáng làm không?
3. Thương xá Tax hoàn toàn có thể được cải tạo lại để phục vụ cho hướng phát triển mới. Những department stores cũ xưa không đảm bảo yêu cầu an toàn còn có thể được phục dựng để lột xác thành những khách sạn sang trọng hay những văn phòng cao cấp, tại sao Tax - một tòa nhà vẫn đáp ứng đủ các yêu cầu - lại không thể?
KTS VŨ DUY QUANG, nhà nghiên cứu lịch sử kiến trúc quốc tế
Sẽ còn lại gì mà kể về Sài Gòn? Có bao giờ bạn tự đặt câu hỏi, tại sao một tòa nhà 40 tầng nằm đâu cũng được mà phải đặt ở vị trí này? Để có sự hài hòa của một đô thị đậm chất cổ điển kiểu Pháp như Sài Gòn, không thể để một tòa cao ốc của kính và thép cắt xé đi sự nối kết của một Nhà thờ Đức Bà kiểu Gothic, một Nhà hát lớn kiểu Phục Hưng và một Tòa đô chính kiểu Tân Cổ Điển được. Lúc này bạn vẫn còn có thể chỉ vào thương xá Tax và giới thiệu về lịch sử dân tộc: “Người Pháp từng có mọi thứ ở đây nhưng như bạn thấy đấy, chúng tôi giành lại được tất cả những gì thuộc về chúng tôi”. Nhưng chỉ năm sau thôi, khi tòa cao ốc 40 tầng nọ đã được khánh thành, chúng ta sẽ còn lại gì mà kể về Sài Gòn? Chúng ta có đau buồn không khi mai này phải kể với con cái rằng Sài Gòn từng rất đẹp nhưng hiện giờ nó không hẳn là Dubai, mà nó cũng không hẳn là Hong Kong và thực sự là nó không còn là gì hết? |