Nước mắt rơi ở thương xá Tax...

Trơ trọi, trống trải… Cái sầm uất, nhộn nhịp của một khu thương mại với bề dày hơn 100 năm lịch sử đã không còn. Những tiểu thương ở đây, có người gắn bó 30 năm, có người chỉ bảy, tám năm. Dù ngắn ngủi hay lâu dài thì giờ phút phải rời xa nơi đã gắn bó như ngôi nhà thứ hai khiến nhiều tiểu thương không tránh khỏi ngậm ngùi.

Nghẹn ngào giây phút cuối…

Bà Bảy Hợi (bán hàng ăn tại thương xá Tax), từng là nhân viên của khu thương xá, đã có hơn 30 năm sống cùng nó, chứng kiến những thay đổi từng ngày đã không thể nói được gì khi tiếp xúc ban đầu với chúng tôi. Bà nhường cho đứa con gái nói thay mình. Con gái bà, chị Oanh, nói mà nét buồn đượm đầy trên đôi mắt: “Buồn lắm! Tôi gắn bó hơn 18 năm nay, nhiều kỷ niệm không sao nói được, giờ người ta nói bỏ là bỏ, tôi chẳng biết làm gì hơn. Chỉ thấy lòng mình nặng trĩu, nặng vì cái tình, cái nghĩa với nơi này”.

Ánh mắt lẩn tránh, bà Bảy Hợi đã đứng dậy đi chỗ khác khi tôi quay sang nhìn bà. Đằng sau tia nhìn giấu vội, đằng sau câu nói “có gì đâu mà nói”, tôi cảm nhận được phần tan nát trong bà lúc này. Để rồi sau đó khi tôi chào bà bằng một cái ôm thật chặt, nước mắt bà vỡ òa trên vai tôi: “Gắn bó hơn nửa đời người, tôi cảm thấy tiếc lắm. Biết bao nhiêu tình cảm, tình thương, tình bạn bè gắn bó với nhau chừng ấy thời gian, giờ nói bỏ là bỏ. Tôi cảm thấy tiếc, xót xa vô cùng. Làm sao mà nói hết cái cảm giác trong tôi lúc này được…” - giọng bà run run.

 
Anh Hà Viết Thụy ngậm ngùi nhìn từng đoàn người thay phiên chụp ảnh lưu niệm để chia tay thương xá. Ảnh: H.T.DŨNG

Đủ mạnh mẽ để đón nhận những điều sẽ xảy đến, vẫn niềm nở bán hàng, vẫn tươi cười và nhiệt tình giải đáp khách hàng nhưng chị Du (cửa hàng Ethnic Folk Art Anh) vẫn không thể giấu được sự yếu mềm khi ôm chầm lấy cô bạn đến thăm và khóc nức nở. Đôi mắt đỏ hoe, chị Nhi (bạn chị Du) bùi ngùi: “Mình chỉ mới quen Du gần đây nhưng rất thân thiết. Hôm qua Du gọi điện thoại bảo bữa nay là ngày cuối cùng Du đứng bán ở khu thương xá này. Sáng nay mình đến thăm Du mà lòng vụn vỡ, dù biết trước nhưng khi đến gặp em, hai chị em đã không thể nói gì mà ôm nhau khóc nức nở”. Những lần trước đây, chị Nhi thường đến khu thương xá Tax vào dịp lễ để vui chơi cùng gia đình. “Hôm nay, sự hoang tàn và trống trơn của khu thương xá khiến mình xót xa vô cùng. Nhanh quá, mau quá, thật sự mình vẫn chưa thể chấp nhận được. Chỉ là khách hàng thôi nhưng mình đã cảm thấy khó chấp nhận và tiếc như vậy, huống gì là tiểu thương…” - chị Nhi nghẹn lời, bỏ lửng câu nói.

Liên tục từ chối lời gợi hỏi của nhiều PV, chị Minh Phương (cửa hàng Đông Phương Xưa & Nay) ngậm ngùi: “Mấy anh, mấy chị còn hỏi nữa là tôi sẽ khóc mất thôi!”. Sau một hồi giấu mặt lau nước mắt, chị nói: “Làm sao mà không buồn được. Gắn bó hơn 20 năm nay, thời gian ở đây còn nhiều hơn ở nhà. Giờ họ bảo làm công trình công cộng, tôi cũng sẽ tự nguyện làm theo nếu thật sự có ích cho của chung. Nhưng tôi chỉ muốn lưu giữ được những giá trị cổ, thay mới nó đi chúng ta sẽ mất đi nhiều thứ, “giả cổ” thì làm sao mà giống được. Tôi biết tìm những kỷ niệm cũ này ở đâu…”.

“Không có gì là mãi mãi…”

“Never forever…” - một khách hàng người Việt gốc Pháp đã động viên chị chủ hàng DunBach như vậy khi đến đây mua hàng và nhìn những giọt nước mắt chia tay ngậm ngùi. Sống ở nước ngoài nhiều năm nay nhưng mỗi lần có dịp về Việt Nam, vị khách này đều đến thương xá Tax để mua hàng. Ông nói: “Thương xá Tax là nơi quy tụ nhiều nét văn hóa nhất của đất nước Việt Nam, nó thể hiện rõ giá trị của một nền văn hóa đa dạng với nhiều mặt hàng đặc trưng”.

Nữ trang đã dọn sạch, chỉ còn lại mâm trái cây cúng tạm biệt để dọn về nơi khác. Ảnh: H.T.DŨNG

Chị Đinh Thị Minh Phương, chủ quầy quần áo Đông Phương Xưa & Nay, không kềm được cảm xúc khi nói lời chia tay với khách hàng và thương xá. Ảnh: H.T.DŨNG

Là một khách hàng thường xuyên tới đây, chị Vân (sống gần chợ Tân Định) cho biết: “Tôi cũng hay tới đây xem và mua đồ. Gắn bó mấy chục năm nay rồi, với người sinh ra và lớn lên ở đây như tôi thì khó lòng chấp nhận được. Hơn 100 năm, nó quá sống động với lịch sử nước nhà. Tiếc thay cho một công trình, một người bạn của chúng tôi. Thương xá này là nơi quảng bá hình ảnh của đất nước, người nước ngoài thường đến đây để xem và mua hàng, dù ít dù nhiều nó cũng góp phần lưu giữ văn hóa của mình. Vậy mà…” - chị bỏ lửng câu nói giữa chừng. Cùng cảm xúc đó, cụ ông Trần Văn Đai (92 tuổi) đến đây để chứng kiến những giờ phút cuối cùng của khu thương xá. Ông bảo người nhà chụp cho ông tấm ảnh để làm kỷ niệm. Ông run giọng: “Nơi đây như một công trình mang giá trị lịch sử, bề dày của nó đi cùng với tuổi thơ và chứng kiến sự trưởng thành của tôi. Giờ không được nhìn thấy nó nữa, với thế hệ người già chúng tôi đó là một sự mất mát…”.

Loanh quanh nhiều khu vực khác nhau của khu thương xá không khó để bắt gặp hình ảnh khách hàng thay nhau chụp ảnh. Trò chuyện với chúng tôi được một lúc, chị Oanh liền nhắc nhở: “Tí nữa phải tranh thủ chạy lên khu trung tâm thương xá chụp ảnh để làm kỷ niệm. Chị mới chụp với khu nhà ăn này rồi, lát chị tranh thủ chạy lên trên kia”. Cũng như chị Oanh, bà Bảy Hợi cũng kêu cháu mình chụp cho mấy tấm ảnh. Bà đứng đó, giữa khu vực nhà ăn, nụ cười hồn hậu vẫn không giấu được nỗi buồn trên đôi mắt.

Dòng người tấp nập qua lại, đâu đó là lời mời, lời ngỏ giá, thoáng đâu đó là những ánh mắt nhìn chăm vào chiếc đồng hồ trên tay. “Chỉ còn một tiếng nữa thôi, mọi người tranh thủ ngắm nghía, mua bán đi”. “Còn có bao nhiêu thời gian nữa đâu, chụp ảnh lẹ lên chị…”. Lời người bán, người mua văng vẳng. Đâu đó dõng dạc hơn là câu nói của một nhân viên phát rõ ràng trên loa: “Đã gần đến giờ thương xá Tax đóng cửa…” - những từ tiếp theo nhòe dần đi trong từng bước chân của dòng người hối hả.

THANH TUYỀN

Thương xá Tax có từ những năm 80 của thế kỷ 19, là một phần của Sài Gòn xưa hoa lệ. Thương xá Tax ngày ấy mang tên Les Grands Magazins Charner (GMC) được xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp với những nét chấm phá mang đậm đường nét văn hóa Á Đông. Tòa nhà cùng với những công trình kiến trúc thời Pháp thuộc khác như chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Nhà hát lớn Thành phố, Dinh toàn quyền (nay là Hội trường Thống Nhất), Dinh Xã Tây (này là UBND TP) góp phần tạo nên một “Hòn ngọc Viễn Đông”, một “Ville de Sai Gon” tao nhã và sôi động bậc nhất châu Á thời bấy giờ.

TM

Ngày cuối được nhìn Thương xá Tax, tôi đi lên đi xuống cầu thang có tay cầm là đầu bốn con gà lát đá granite mấy lượt. Tôi biết nơi này từ khi mới sáu tuổi, cái thời còn các cô mậu dịch viên bán hàng cho Nhà nước. Trước thương xá ngày ấy, xe xích lô, xa ba gác, người buôn thúng bán bưng nhiều lắm. Sài Gòn không có chỗ nào vui như thương xá Tax cả. Từ giờ trở đi sẽ không còn thấy cảnh này nữa, tự nhiên cảm thấy mất mát thứ gì đó quan trọng lắm.

Anh LÊ HỮU NAM, quận 1

Hôm nay tôi không có ca làm nhưng vẫn muốn lên đây để nhìn nó lần cuối. Gần cả cuộc đời tôi đã dành cho nơi này, sinh con đẻ cái cũng ở đây. Năm ngoái tôi nhặt được một cái giỏ xách để quên của khách, mở ra thấy cả điện thoại và hàng giá trị lên đến cả trăm triệu đồng nên cùng với bảo vệ kiếm số liên lạc để trả lại cho khách, hóa ra đó là khách của phái đoàn cấp cao Mông Cổ sang thăm nước ta. Rồi tôi được tuyên dương trước toàn thể nhân viên. Nhiều khách đến thường xuyên thành người quen, bao nhiêu tâm sự cũng trải bày ra hết, giờ không gặp họ nữa chắc sẽ buồn lắm. Có cụ bà 72 tuổi sống từ nhỏ đến lớn ở đường Lê Lợi, từ khi biết thương xá Tax sẽ đóng cửa ngày nào cụ cũng ghé lại đây hai lượt. Cụ nói mong cho thương xá Tax xây xong lúc cụ còn khỏe để cụ còn có dịp quay trở lại nhìn sự thay đổi của nó.

Chị THU TRANG, nhân viên tạp vụ ở thương xá Tax 36 năm

HOÀNG LAN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm