LTS: Bài viết “Có một Sài Gòn đang trở nên xa lạ” (Pháp Luật TP.HCM ngày 19-8) ghi nhận sắp tới thương xá Tax sẽ bị xóa sổ. Thay vào đó là một cao ốc 40 tầng. Mọi người nuối tiếc, lưu luyến hồn đô thị Sài Gòn xưa. Tuy nhiên, phát triển đô thị hiện đại luôn là một nhu cầu bức thiết, vấn đề là trong quá trình phát triển đó chúng ta phải ứng xử thế nào với những công trình từ lâu đã đi vào lòng người. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của KTS Ngô Viết Nam Sơn về vấn đề này.
Bảo tồn các công trình có giá trị văn hóa, lịch sử là công tác rất cần thiết đối với một đô thị hiện đại, năng động và có bề dày lịch sử 300 năm như Sài Gòn-TP.HCM. Tuy nhiên, không nên hiểu tất cả công trình có nhiều năm tuổi đều là biểu tượng của TP. Và không phải khu vực lịch sử nào cũng đều phải bảo tồn, mà một số lớn vẫn có thể cải tạo, bổ sung các chức năng mới.
Tax nay giờ đã khác Tax xưa
Về mặt vị trí, thương xá Tax nằm trong khu vực bờ Tây sông Sài Gòn, được giới hạn bởi ba trục đường lớn là Nguyễn Huệ, Lê Lợi và Hàm Nghi. Đây là khu vực lõi trung tâm, có thể xây dựng nhà cao tầng mà không ảnh hưởng đến không gian kiến trúc. Khu vực này cùng với trục đường Tôn Đức Thắng, Lê Thánh Tôn kéo dài qua cầu Thủ Thiêm sẽ là không gian hiện đại rất đặc trưng của trung tâm TP.
Xét về mặt kiến trúc, đến nay thương xá Tax đã trải qua nhiều lần tu sửa, không còn giữ được nguyên gốc ban đầu nữa, chỉ còn sót lại khu cầu thang chính và một số khu vực lát gạch mosaic rất đẹp (ngoài ra có thể còn một số khu có giá trị khác mà tôi chưa có dịp xem xét). Do đó, giá trị kiến trúc của công trình cũng không còn giữ lại được nhiều.
Từ lâu, thương xá Tax là một ký ức đẹp của người dân Sài Gòn. Ảnh: HTD
Xây một phần, giữ một phần
Dù chưa được tiếp cận với phương án thiết kế công trình dự kiến được xây dựng tại vị trí của thương xá Tax nhưng tôi nghĩ TP có thể có các định hướng giải quyết như sau đối với công trình này:
Khối đế (podium) của dự án Tax không nên cao hơn các công trình khác ở ngã tư Lê Lợi - Nguyễn Huệ. Nên xem xét khả năng cải tạo một phần kết hợp xây mới phần còn lại, sau khi hỏi ý kiến các nhà văn hóa, lịch sử những phần cấu trúc nào cần thiết giữ lại.
Phần xây mới của khối đế không những phải có hầm xe mà cũng cần thêm các thương xá dưới hầm (giống Vincom Center 1) kết nối trực tiếp vào các tầng hầm chính của nhà ga metro. Điều này rất quan trọng vì sẽ thu hút lượng người đi bộ vào công trình theo hướng này thay vì đổ dồn toàn bộ lên mặt đường, dẫn tới tắc nghẽn giao thông trong giờ cao điểm. Muốn vậy, khi thi công tường vây nhà ga metro cần phải chừa sẵn các lỗ kết nối để sau này không phải phá vách tường vây, rất tốn kém và khó khăn.
Như vậy, bốn khối đế công trình ngay giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi sẽ có chiều cao xấp xỉ nhau, tạo nên sự hài hòa với không gian kiến trúc của khu vực. Toàn bộ phần sân thượng khối đế của dự án Tax phải tổ chức thành sân vườn trên cao để bù lại cho phần diện tích cây xanh đang rất thiếu tại khu vực này.
Các khối tháp của dự án Tax nên thụt lùi vào phía trong so với mặt đường. Ngoài ra, không nên tạo thành một khối hộp quá to mà cần chia nhỏ thành các khối tháp kích thước vừa phải và nên giật cấp, tạo các sân thượng cây xanh và chuyển tiếp độ cao dần dần. Khi đó công trình sẽ không quá lấn át không gian lịch sử của các khối thấp tầng quan trọng lân cận (trụ sở UBND TP, khách sạn Rex, Nhà hát TP…).
▲▲▲
Theo tôi, cách ứng xử như trên với thương xá Tax là phù hợp. Nhưng để giữ gìn nét xưa của Sài Gòn thì những công trình có giá trị kiến trúc cao như chợ Bến Thành, Nhà hát TP, trụ sở UBND TP… phải được giữ lại bằng mọi giá.
KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN
Nếu buộc phải chọn lựa… Không riêng gì vấn đề thương xá Tax, trong quá trình phát triển đô thị hiện đại đôi khi có những lựa chọn không dễ đạt được sự đồng thuận trong xã hội. Có nhiều quyết định được đưa ra trong áp lực rất nghiệt ngã, nhất là khi phải cân nhắc giữa các thứ giá trị “không cùng đơn vị quy đổi”. Rủi thay, câu chuyện về “hồn vía đô thị” lại thuộc về hàng khó nhất này bởi nó động chạm tới tình cảm của rất nhiều người. Đứng về góc độ phát triển đô thị, hẳn không ai phản đối khi TP quyết định đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông hiện đại như hệ thống tàu điện ngầm. Cũng như muốn hấp dẫn hàng triệu du khách với nguồn thu ngoại tệ khổng lồ, ai cũng thấy phát triển nhiều trung tâm thương mại, dịch vụ cao tầng là nhu cầu hợp lý. Nhưng để có những cái được đó, có thể chúng ta sẽ phải mất, phải đánh đổi rất nhiều thứ. Sự ra đi của hàng cây trăm tuổi ở trung tâm TP và việc thương xá Tax phải nhường chỗ cho tháp thông gió của ga metro cùng một cao ốc 40 tầng chính là một sự đánh đổi khó khăn. Tuy nhiên, cái không đáng có ở đây là sự chuẩn bị cho cuộc đánh đổi đó chưa được kỹ càng. Chính vì thế, thông tin “khai tử” thương xá Tax đã phần nào khiến những người yêu quý TP này âu lo. Giờ đây, khi mọi việc đã an bài, rất cần có những thông tin rõ ràng, minh bạch để mọi công dân, đặc biệt là giới chuyên môn cảm thấy an lòng hơn. Tôi nghĩ điều này TP có thể làm được, làm tốt hơn trong tương lai nếu xây dựng được một thiết chế hữu hiệu về quy trình ra quyết định các vấn đề nhạy cảm hoặc có tính chuyên môn, nhân văn cao. KTS NGUYỄN VĂN TẤT Hãy cẩn trọng khi chạm vào ký ức Suốt cả tuần nay, dư luận xôn xao trước thông tin thương tá Tax sắp đóng cửa. Lẫn trong hàng chục ngàn người đổ về đây tìm cơ hội mua hàng giảm giá, có không ít người đến chỉ để quan sát, chụp ảnh nhằm lưu giữ những kỷ niệm cuối cùng về trung tâm mua bán 130 tuổi này. Thương xá Tax, dẫu đã qua nhiều lần trùng tu “nhan sắc” không như ý, từ lâu đã trở thành một địa chỉ vô cùng thân thuộc, là một phần ký ức của nhiều người dân TP. Vì thế, không có gì lạ khi họ cảm thấy nuối tiếc, xót xa như sắp mất đi một điều gì đó rất quan trọng. Nỗi niềm đó xuất phát từ sự gắn bó, yêu mến chân thành với TP mà họ đang sống. Sẽ như thế nào nếu người dân cứ dửng dưng, vô cảm trước những thay đổi của diện mạo TP? Đối với thương xá Tax, nhà chức trách cho rằng đã nghiên cứu rất kỹ, đã lấy ý kiến rộng rãi, đã phê duyệt đồ án quy hoạch và công khai rõ ràng. Tuy nhiên, không phải tất cả người dân đều có thể đọc và hiểu hết được các đồ án quy hoạch (ngay cả giới chuyên môn nhiều khi cũng phải nhức đầu mới hiểu được). Lẽ ra trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch, người dân cần được giải thích rõ ràng, chi tiết hơn, nhất là đối với những công trình có giá trị tinh thần cao. Làm được điều đó, người dân sẽ không phải thảng thốt, băn khoăn khi một ký ức đẹp sắp bị xóa nhòa mà sẽ ủng hộ hết mình những quyết sách của chính quyền trong công cuộc xây dựng và phát triển đô thị. VIỆT HOA |