Ngày 23-10, sau 10 ngày được phẫu thuật tá tràng, anh Vũ Ngọc Quyền (31 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM) đã tươi tỉnh và ăn được ít cháo loãng. Nếu mạch lưu thông tốt, anh sẽ được xuất viện vài ngày tới.
Trước đó, anh Quyền được chuyển đến BV đa khoa Sài Gòn trong tình trạng đau bụng dữ dội, xây xát vùng ngực, bụng bên trái do trượt chân ngã đập mạnh bụng vào giàn giáo. Lúc đó, anh đang đứng trên giàn giáo để thi công công trình máy phát điện.
Sau khi chụp X-quang, siêu âm bụng, xét nghiệm máu để theo dõi các tổn thương, các bác sĩ không phát hiện nhiều bất thường. Phải đến khi chụp CT bụng cản quang thì mới phát hiện ra dịch bụng sau phúc mạc, cạnh đầu tụy trước thận phải, tá tràng có nguy cơ bị dập vỡ cao.
Bác sĩ đang thăm khám vết thương cho anh Quyền.
Xác định khả năng không phẫu thuật kịp thời, nạn nhân có thể sốc do mất máu, nhiễm trùng, nhiễm độc và tử vong, các bác sĩ đã nhanh chóng hội ý và tiến hành ca mổ. Không chỉ tổn thương, hành tá tràng của bệnh nhân còn đứt đôi, rời ra hẳn. Sau gần hai tiếng phẫu thuật, bệnh nhân đã được xử trí đóng mỏm tá tràng hai bên, nối vị tràng, dẫn lưu mật và ổ bụng.
Theo BS chuyên khoa I Nguyễn Thế Hưng, khoa Ngoại tổng quát, trực tiếp tham gia ca phẫu thuật, tá tràng nằm mặt trước cột sống và phúc mạc thành bụng sau, phía trước có mạc nối lớn và cơ quan lân cận như tụy, mật, gan, lách, thận nên phải có một lực tác động rất mạch mới vỡ ra đứt đôi. Tá tràng nằm bên phải nhưng cơ thể anh Quyền lại có tổn thương xây xát bên trái nên dễ bỏ sót nguy cơ vỡ tá tràng.
Cũng theo BS Hưng, vỡ tá tràng là tổn thương rất hiếm, khó nhất trong phẫu thuật ổ bụng kèm tổn thương đường mật tụy, dễ xì rò dịch sau mổ, tỉ lệ tử vong rất lớn. Nếu chẩn đoán chậm sẽ đưa đến sốc do mất máu, nhiễm trùng nhiễm độc và tử vong.