Hôm nay 20-4, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán TCB) đã tổ chức Đại hội Cổ đông thường niên 2024 quyết định mục tiêu kinh doanh cả năm.
Trình bày với các cổ đông, Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh cho biết hai năm 2022-2023, nằm trong khó khăn chung của kinh tế thế giới và Việt Nam, Techcombank cũng phải đối mặt nhiều thách thức.
Các mảng kinh doanh vốn là thế mạnh của ngân hàng như dịch vụ hướng tới nhóm khách hàng trung lưu, cho vay bất động sản, thị trường đầu tư tài chính… đều chịu ảnh hưởng tiêu cực. Techcombank dự báo năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức, vì vậy mục tiêu và giải pháp đưa ra sẽ thận trọng.
Giải trình chi tiết hơn, CEO Techcombank, ông Jens Lottner, cho biết nửa đầu năm 2023 là khó khăn nhất. Sau thời gian chật vật, hoạt động kinh doanh đã dần khởi sắc trở lại.
Techcombank dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 sẽ đạt mốc 6%, mục tiêu này hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên biên lãi thuần của ngân hàng có thể sẽ không đạt ngay như giai đoạn trước bởi đã chịu nhiều áp lực trong thời gian dài, trong đó có vấn đề chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ đang rất cao. Chưa kể, diễn biến thị trường cho thấy lãi suất tiết kiệm trong thời gian tới có thể tăng lên...
Ông Lottner cho rằng đây là khó khăn chung của ngành ngân hàng, khi mà tất cả đều đang phải lựa chọn đối tượng cho vay để đảm bảo việc quản trị rủi ro tốt nhất. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Tại Đại hội Cổ đông này, một số vấn đề về hiệu quả kinh doanh của Techcombank cũng được đặt ra. Chẳng hạn, ngân hàng này từng đứng đầu ngành về tiền gửi không kỳ hạn (CASA) nhưng giờ đây lại không còn giữ được như vậy.
CEO Techcombank giải thích gần đây có hiện tượng người dân rút tiền để chuyển vào vàng, bất động sản, chứng khoán. Đây là một yếu tố ảnh hưởng kênh tiền gửi không kỳ hạn.
Trên thị trường, hiện Techcombank và MB đang trong cuộc đua khá gay gắt về CASA, nhưng tình hình sẽ ổn bởi Techcombank đang tập trung rất tốt vào những tệp khách hàng đã có, theo Tổng giám đốc ông Jens Lottner.
Trong bối cảnh đã có bảy ngân hàng vào cuộc đua tăng lãi suất huy động, CEO Techcombank khẳng định Techcombank sẽ không tham gia cuộc đua này. Hiện tại lãi suất huy động hiện thấp, nhu cầu tín dụng cũng thấp. Nhưng nếu buộc phải tăng lãi suất huy động, ban điều hành sẽ nỗ lực bảo vệ cho biên lãi của Techcombank.
Mỗi quan tâm rất lớn của các cổ đông Techcombank là cổ tức, khi mà đã 10 năm ngân hàng này không chia cổ tức tiền mặt, còn bằng cổ phiếu thì gần đây nhất là năm 2019. Giải đáp vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh cho biết năm nay, HĐQT đề xuất chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 15%, đồng thời bằng cổ phiếu với tỷ lệ 1:1.
“Việc chia cổ tức năm nay sẽ bắt đầu cho giai đoạn tiếp theo của Techcombank, vừa đáp ứng các hệ số an toàn tài chính vừa đáp ứng được lợi nhuận cho các cổ đông", ông Hồ Hùng Anh báo cáo.
Nhìn chung, các đề xuất của HĐQT sáng nay đều được Đại hội Cổ đông thông qua. Trong đó, kế hoạch kinh doanh 2024 đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 27.100 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với năm 2023.
Kế hoạch lợi nhuận này được đưa ra dựa trên kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm nay đạt hơn 16%.