Các ngân hàng chạy đua tăng vốn khủng

(PLO)- Mùa đại hội cổ đông năm nay, nhiều nhà băng đua nhau đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ nhằm củng cố nguồn lực tài chính, đẩy mạnh tín dụng, tăng quy mô hoạt động...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, Ban lãnh đạo MB dự kiến tăng vốn điều lệ thêm hơn 8.579 tỉ đồng. Theo đó, ngoài việc tăng vốn thêm 7.959 tỉ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, MB tiếp tục kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu, tương đương mức tăng vốn điều lệ là 620 tỉ đồng. Thời gian thực hiện là từ năm 2024 đến quý II-2025.

Trước đó, MB đã hoàn tất phát hành riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu cho hai cổ đông là SCIC và Viettel. Như vậy, sau khi hoàn thành hai kế hoạch tăng vốn trên, vốn điều lệ của MB dự kiến sẽ tăng lên 61.643 tỉ đồng.

Lãnh đạo MB cho biết, số vốn điều lệ tăng thêm sẽ được ngân hàng sử dụng để bổ sung vốn đầu tư tăng năng lực, bổ sung vốn kinh doanh trên nguyên tắc an toàn, hiệu quả và mang lại lợi ích cho cổ đông.

Bên cạnh đó, MB cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 15-16%. Trong đó, kiểm soát tỉ lệ nợ xấu ở mức dưới 2%, đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2024 tăng trưởng từ 6 – 8% so với năm trước, tỉ lệ an toàn vốn tuân thủ Basel II, ở mức tối thiểu là 9%...

Ngân hàng tìm cách tăng vốn
Tăng vốn giúp ngân hàng có thêm nguồn lực để đầu tư công nghệ, mở rộng mạng lưới. Ảnh: T.L

Trước đó, ĐHCĐ ngân hàng ACB đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2023 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2023 và còn lại từ các năm trước là 19.886 tỉ đồng. Hội đồng quản trị ACB thống nhất chia cổ tức tỉ lệ 25%, trong đó chia cổ tức bằng cổ phiếu là 15% và cổ tức tiền mặt là 10%, tương ứng với mức sử dụng lợi nhuận giữ lại là 9.710 tỉ đồng.

Với mức chia cổ tức này, vốn điều lệ của ACB dự kiến sẽ tăng thêm 5.800 tỉ đồng, lên mức 44.666 tỉ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành kế hoạch phát hành tăng vốn là quý III-2024. Tỉ lệ cổ tức này dự kiến cũng được ACB áp dụng cho năm 2024, với mức vốn sử dụng tương ứng là 11.166 tỉ đồng.

Tương tự, VIB cũng lên kế hoạch chia cổ tức với tỉ lệ 29,5% trên vốn điều lệ. Trong đó, mức chia cổ tức bằng tiền mặt tối đa là 12,5%, chia cổ tức bằng cổ phiếu là 17%. Với phương án này, VIB sẽ phát hành 431,3 triệu cổ phiếu.

Ngoài ra, VIB cũng phát hành 11,1 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên, tương ứng tỷ lệ 0,44%, giúp vốn điều lệ tăng thêm 110,6 tỉ đồng. Qua đó, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ 25.368 tỉ đồng lên 29.791 tỉ đồng.

Ông Dương Anh Vũ, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng: Tăng vốn điều lệ là cần thiết để các ngân hàng thương mại nâng cao năng lực tài chính, đẩy mạnh đầu tư cho các hệ thống công nghệ, đẩy mạnh hoạt động tín dụng… Bên cạnh đó, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng còn giúp đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm