Tên lửa Triều Tiên phóng hôm 12-2 là loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn. Theo tuyên bố từ Triều Tiên, đây là phiên bản mới của loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Tên lửa đã bay khoảng 500 km về phía Nhật Bản và đạt độ cao khoảng 550 km trước khi rơi xuống vùng biển phía đông của bán đảo Triều Tiên.
Theo thông tin phân tích được từ cơ quan tình báo Hàn Quốc, Triều Tiên có thể đã sử dụng công nghệ trong tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) để phát triển một loại tên lửa tầm trung mới tên là Pukguksong-2. “Chúng tôi đánh giá rằng Triều Tiên đang trong quá trình phát triển một loại tên lửa đạn đạo, với phạm vi tấn công mạnh hơn rất nhiều”, một quan chức của hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang quan sát vụ bắn thử nghiệm tên lửa Pukguksong-2 qua ống nhòm vào ngày 12-2. Ảnh: YONHAP
Cơ quan này cho biết tên lửa tầm trung mới của Triều Tiên có thể có tầm bắn từ 2.500-3.000 km. Hiện giới chức tình báo Hàn Quốc vẫn đang xác định xem tên lửa có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân hay không.
Theo hãng tin Yonhap, các chuyên gia quân sự đều đánh giá tên lửa Pukguksong-2 là một bước tiến mới trong chương trình tên lửa hạt nhân của Triều Tiên. Một tên lửa có động cơ nhiên liệu rắn sẽ giảm được thời gian cung cấp nhiên liệu so với tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng thông thường.
Loại tên lửa này do được gắn trên các bệ phóng di động nên sẽ rất khó bị hệ thống vệ tinh phát hiện trước khi bắn. Điều này đặt ra một mối đe dọa lớn hơn, các nhà chức trách Hàn Quốc nhận định.
Vụ thử tên lửa của Triều Tiên hôm 12-2 đánh dấu động thái đầu tiên của nước này kể từ khi ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ hồi tháng 1. Các chuyên gia đánh giá rằng vụ thử tên lửa vừa qua là cách để Triều Tiên phô diễn sức mạnh hạt nhân, đồng thời là một phép thử cho chính quyền mới của ông Trump.