Triều Tiên phóng tên lửa, chỉ là màn chào sân?

Sáng 12-2, Triều Tiên đã phóng một tên lửa từ căn cứ không quân Banghyon ở tỉnh Bắc Pyongan, bờ biển phía tây nước này. Quân đội Hàn Quốc xác nhận tên lửa Triều Tiên bay được khoảng 500 km thì rơi xuống biển, theo hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) cùng ngày. Chánh Văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga cho biết tên lửa Triều Tiên đã rơi xuống vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản nhưng không rơi xuống lãnh hải Nhật Bản.

Đây được xem là màn “chào sân bằng tên lửa” đầu tiên của Triều Tiên kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ. Đây cũng được xem là phép thử đối với tuyên bố của ông Trump về việc đưa ra các biện pháp cứng rắn nhằm đối phó Triều Tiên. Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết chính quyền tân tổng thống Mỹ đã dự đoán trước về một vụ phóng như vậy kể từ sau lễ nhậm chức tổng thống của ông Trump.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 12-2 đã chỉ trích kịch liệt vụ phóng tên lửa, nói rằng vụ phóng cho thấy “bản chất không có lý trí” của chính quyền Bình Nhưỡng. Phát biểu tại Florida (Mỹ) trong cuộc gặp với ông Trump, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhấn mạnh: “Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại không bình luận trực tiếp về vụ phóng mà chỉ nói rằng: “Tôi chỉ muốn mọi người hiểu và biết rõ rằng Mỹ sẽ sát cánh 100% với Nhật Bản, đồng minh lớn của Mỹ”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe phản ứng về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày 12-2 trong cuộc gặp tại Florida (Mỹ). Ảnh: AP

Vụ thử tên lửa diễn ra vào thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Cuộc gặp diễn ra không lâu sau khi ông Trump có cuộc điện đàm đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi nhậm chức tổng thống Mỹ. “Vụ phóng tên lửa là một động thái không đáng ngạc nhiên. Lãnh đạo Triều Tiên thích gây ra sự chú ý vào những thời điểm như thế này” - một quan chức Mỹ giấu tên cho biết. Trung Quốc vẫn chưa bình luận gì về vụ phóng tên lửa.

Theo Reuters, chính quyền ông Trump có thể sẽ cân đong đo đếm giữa vô số lựa chọn, gồm các biện pháp trừng phạt mới để siết chặt kiểm soát tài chính, tăng cường triển khai các khí tài hải quân, không quân trên và quanh bán đảo Triều Tiên cũng như lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. Ngoài ra, ông Trump có thể sẽ tăng sức ép buộc Trung Quốc gây áp lực lên Triều Tiên. Tuy nhiên, một quan chức Mỹ nhận định các lựa chọn này sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng nhằm tránh gây leo thang căng thẳng.

Ông Trump cam kết sẽ đưa ra cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, vị tân tổng thống Mỹ cho tới nay không đưa ra các động thái nào cho thấy chính sách của chính quyền mới sẽ khác với sự “kiên nhẫn chiến lược” của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama như thế nào. Bộ Tham mưu liên quân Hàn Quốc cho rằng vụ phóng tên lửa là một màn “phô trương vũ lực” của Triều Tiên nhằm phản ứng trước tuyên bố về lập trường cứng rắn của chính quyền ông Trump đối với Bình Nhưỡng.

Trung Quốc sẽ tiếp tục lưỡng lự

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong chuyến thăm Hàn Quốc đầu tháng 2-2017 tuyên bố sẽ phản ứng “đáp trả quyết liệt” trước bất kỳ động thái khiêu khích nào của Triều Tiên và tái xác nhận cam kết triển khai THAAD trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc lại kịch liệt phản đối kế hoạch vì cho rằng nó sẽ đe dọa an ninh nước này.

Hồi tháng 11-2016, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã ra loạt biện pháp trừng phạt mới áp đặt lên Triều Tiên. Mặc dù Bắc Kinh ủng hộ các biện pháp này nhưng giao thương giữa Trung Quốc và Triều Tiên vẫn tăng mạnh, theo Washington Post. TS Euan Graham, Giám đốc an ninh quốc tế tại Viện Lowy (Úc), nhận định Trung Quốc muốn Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân nhưng không sẵn sàng đưa ra các biện pháp mạnh tay để gây áp lực lên chính quyền ông Kim Jong-un.

_____________________________

60 là số lượng đầu đạn hạt nhân mà Triều Tiên đủ khả năng sản xuất. Theo một báo cáo tình báo bí mật của Mỹ và Hàn Quốc mà tờ Korea Joongang Daily tiếp cận được ngày 8-2, Triều Tiên hiện sở hữu 758 kg uranium đã được làm giàu và 54 kg plutonium.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm