Mỹ dọa đáp trả áp đảo nếu Triều Tiên dùng hạt nhân

Phát biểu tại trụ sở Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 3-2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định: “Bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào nước Mỹ hay các đồng minh của chúng tôi đều sẽ bị đánh bại. Việc dùng bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào cũng sẽ bị đáp trả một cách hiệu quả và áp đảo”.

Vị bộ trưởng quốc phòng của chính quyền tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thực hiện chuyến thăm Hàn Quốc trong hai ngày và dự kiến sẽ tới Nhật Bản trong hôm nay (3-2).

Tuyên bố của ông Mattis được đưa ra trong bối cảnh nhiều mối lo ngại Triều Tiên có thể sẵn sàng thử một tên lửa đạn đạo mới, thách thức chính quyền tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (trái) cùng người đồng cấp củ Hàn Quốc Han Min-koo (phải). Ảnh: Reuters

Theo Reuters, Triều Tiên thường xuyên đe dọa sẽ tấn công Hàn Quốc và Mỹ, đồng minh chính của Seoul. Năm ngoái, Bình Nhưỡng đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân và hơn 20 vụ thử tên lửa, bất chấp các nghị quyết và lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

“Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa, phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và có phát ngôn cũng như hành vi gây đe dọa” – ông Mattis nói.

Các động thái của Triều Tiên buộc Mỹ và Hàn Quốc phản ứng lại bằng việc tăng cường các biện pháp quốc phòng, trong đó có có kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Hai nước ngày 3-2 cũng đã tái xác nhận cam kết này.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo nói rằng chuyến thăm Hàn Quốc của ông Mattis, chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong vai trò bộ trưởng quốc phòng Mỹ, cho thấy một thông điệp rõ ràng về sự ủng hộ của Washington dành cho Seoul.

“Đối mặt với tình hình an ninh hiện tại, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mattis ngoài ra cũng gửi lời cảnh báo mạnh mẽ nhất tới Triều Tiên” – ông Han Min-koo nói.

Cơ sở hạt nhân Yongbyon được cho là nơi Triều Tiên dùng để sản xuất plutonium phục vụ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Ảnh: REUTERS

Theo trang 38 North của Viện Nghiên cứu Mỹ - Hàn thuộc ĐH Johns Hopkins (Mỹ), thời gian gần đây, Triều Tiên dường như đã tái khởi động một lò phản ứng tại cơ sở hạt nhân Yongbyon, nơi được dùng để sản xuất plutonium phục vụ chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân.

Một khi được phát triển đầy đủ, một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Triều Tiên có thể đe dọa an ninh Mỹ. ICBM có tầm bắn tối thiểu khoảng 5.500 km nhưng một số ICBM được thiết kế có tầm bắn 10.000 km hoặc xa hơn, trong khi khoảng cách giữa Mỹ và Triều Tiên chỉ khoảng 9.000 km.

Các cựu quan chức Mỹ cùng một số chuyên gia cho rằng Mỹ chỉ có hai lựa chọn để ngăn chặn chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, đó là đàm phán và đưa ra hành động quân sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm